Sôi động hợp tác thương mại Việt Nam-Trung Quốc

Hợp tác thương mại Việt Nam-Trung Quốc tiếp tục là điểm sáng nổi bật trong quan hệ song phương. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.

Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam có nhiều cơ hội để vào sâu thị trường tỷ dân. (Nguồn: VnEconomy)

Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam có nhiều cơ hội để vào sâu thị trường tỷ dân. (Nguồn: VnEconomy)

Đối tác thương mại hàng đầu

Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, bất chấp những diễn biến khó khăn của kinh tế, thương mại toàn cầu, xung đột địa chính trị, thương mại hai chiều Việt Nam-Trung Quốc đang phục hồi ấn tượng.

5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 77,5 tỷ USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu 22,64 tỷ USD, tăng 10,2%, nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 54,85 tỷ USD, tăng 33,1% so với cùng kỳ. Cán cân thương mại Việt Nam nhập siêu 32,2 tỷ USD.

Kết quả xuất nhập khẩu 5 tháng đã khởi sắc thấy rõ, bởi cả năm trước, thương mại 2 chiều Việt Nam-Trung Quốc giảm 2,6% so với năm 2022, đạt 171,9 tỷ USD. Theo đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 61,2 tỷ USD, tăng 5,6%, nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 110,6 tỷ USD, giảm 6,6%; nhập siêu ở mức 49,4 tỷ USD, giảm 18,4%.

Dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu sang thị trường tỷ dân 5 tháng đầu năm 2024 là nhóm mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt hơn 4,7 tỷ USD, tăng 3,01% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 21% tỷ trọng xuất khẩu; tiếp đến là nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt hơn 4,6 tỷ USD, chiếm 20,7% tỷ trọng xuất khẩu.

Những nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng trong 5 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước còn có: Hàng rau quả tăng 32,9%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 96,2%; hóa chất tăng 88,3%; hạt điều tăng 45,6%; cà phê tăng 52,9%; quặng và khoáng sản khác tăng 250,8%.

Thương mại song phương hai nước còn nhiều dư địa tăng trưởng, dựa trên nhiều nhiều thỏa thuận hợp tác song phương, cũng như các hiệp định thương mại đa phương như: Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Hiện, Trung Quốc đang thúc đẩy việc gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)...

Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc) cho hay, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang có những dấu hiệu phục hồi rất tích cực. Trung Quốc đã ban hành nhiều chính sách về quản lý xuất nhập khẩu, trong đó nếu hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn sẽ tạo các điều kiện thuận lợi xuất khẩu vào thị trường này.

Đặc biệt, hợp tác thương mại Việt Nam-Trung Quốc được duy trì ổn định, dự báo đạt kết quả tốt so với mặt bằng chung quan hệ thương mại của Trung Quốc với đa số các đối tác thương mại lớn trên thế giới.

Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam có nhiều cơ hội để vào sâu thị trường tỷ dân, bởi, trong bối cảnh phí vận tải tàu biển tăng cao, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã và đang tìm kiếm nguồn cung nhập khẩu tại các khu vực lân cận, thay thế các doanh nghiệp châu Âu.

Trung Quốc - "khách hàng" quan trọng của nông sản Việt

Các sản phẩm doanh nghiệp Trung Quốc quan tâm nhiều thời gian qua là nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo, nông thủy sản, đặc biệt Trung Quốc tiếp tục tăng cường nhập khẩu các loại nông sản nhiệt đới...Xuất khẩu không ngừng được mở rộng và Trung Quốc đã trở thành một trong những "khách hàng" quan trọng nhất đối với nông, lâm, thủy sản Việt Nam.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến tháng 12/2023, Việt Nam có 16 mặt hàng thực vật đang được xuất khẩu sang Trung Quốc gồm: chuối, sầu riêng, măng cụt, thạch đen, cám gạo, gạo, khoai lang, dưa hấu, thanh long, xoài, mít, nhãn, vải, chôm chôm, ớt, chanh leo.

Sầu riêng là một trong những mặt hàng nông sản Việt được thị trường Trung Quốc đặc biệt ưa chuộng. (Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam)

Sầu riêng là một trong những mặt hàng nông sản Việt được thị trường Trung Quốc đặc biệt ưa chuộng. (Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam)

Đặc biệt, trong lĩnh vực chăn nuôi, sau 5 năm đàm phán, những lô sản phẩm tổ yến Việt Nam đầu tiên đã chính thức được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Sự kiện này đánh dấu mốc mở ra cơ hội bước vào thị trường tỷ dân của một trong những sản phẩm có giá trị rất cao của ngành chăn nuôi Việt Nam.

Theo các chuyên gia, năm 2024, Trung Quốc tiếp tục là thị trường tiềm năng và còn nhiều cơ hội rộng mở cho nông sản Việt tăng thị phần và giá trị xuất khẩu bởi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa đồng ý sẽ hoàn chỉnh, bổ sung một số nội dung trong 3 Nghị định thư về xuất khẩu thủy sản khai thác tự nhiên, xuất khẩu cá sấu nuôi và xuất khẩu khỉ nuôi từ Việt Nam.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đồng ý mở cửa thị trường và đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục nhập khẩu cho các loại trái cây chủ lực của Việt Nam, trong đó có bơ và chanh leo. Đây có thể xem là một tin mừng cho những người nông dân đang trồng các nông sản này tại Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng đồng ý xem xét hồ sơ cho Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm gia cầm vào thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác giữa các đơn vị kiểm dịch tại khu vực biên giới, sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, hai bên sẽ tổ chức một cuộc họp giao ban giữa các lực lượng chức năng dọc tuyến biên giới để các đơn vị tăng cường giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và tháo gỡ những vướng mắc nảy sinh trong quá trình triển khai nhiệm vụ tại cửa khẩu.

Để thúc đẩy mở rộng xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, với thị trường Trung Quốc, cần phải làm tốt hơn "vì bạn đã trân trọng mình thì mình cũng phải trân trọng bạn. Bạn đã mở cửa rồi thì mình cũng phải 'mở lòng', chúng ta phải nắm bắt được cơ hội kết nối với thị trường Trung Quốc".

Đầu năm nay, đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn do Thứ trưởng Trần Thanh Nam dẫn đầu đã đạt được nhiều kết quả tích cực về thúc đẩy mở cửa thị trường cho sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, phía Trung Quốc đã cơ bản nhất trí về việc tạo điều kiện cho hàng hóa nông sản Việt Nam tiếp cận chợ đầu mối lớn tại tỉnh Quảng Đông, thậm chí dành riêng một không gian để trưng bày.

Thời gian tới, các địa phương sẽ tập trung chỉ đạo xây dựng các nguồn cung nông sản, thực phẩm chất lượng, an toàn đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu của phía bạn. Cùng với đó, doanh nghiệp sẽ phối hợp xây dựng được những chuỗi logistics để lưu thông hàng hóa một cách thường xuyên, nhanh chóng, giảm được chi phí trước khi đến tay người tiêu dùng.

Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành nỗ lực đàm phán mở cửa thị trường Trung Quốc cho các loại hàng hóa Việt Nam. Năm 2023, đã 2 lần Thủ tướng có chuyến công tác tại Trung Quốc và lần nào cũng đề xuất phía Trung Quốc mở cửa cho nông sản Việt Nam với 4 nhóm hàng sầu riêng đông lạnh, ớt, dưa hấu, dược liệu.

Đặc biệt, Bộ Công Thương với vai trò chủ lực trong việc đàm phán, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường cho hàng Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh xúc tiến thương mại vào thị trường này.

Ngày 24/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Hà Nội, lên đường tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới tổ chức tại TP. Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc (WEF Đại Liên 2024) và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 24 - 27/6/2024 theo lời mời của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab.

Hội nghị WEF Đại Liên 2024 diễn ra từ ngày 25-27/6 với chủ đề “Những chân trời tăng trưởng mới” có quy mô lớn thứ hai sau Hội nghị WEF Davos với sự tham gia của 1.600 đại biểu, được tổ chức với tinh thần là nơi hội tụ, kiến tạo những ý tưởng mới, các lĩnh vực mới, mô hình tiên phong, sáng tạo sẽ định hình các ngành kinh tế trong tương lai.

(tổng hợp)

Hồng Châu

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/soi-dong-hop-tac-thuong-mai-viet-nam-trung-quoc-276032.html