Bức tranh thưởng Tết 2023 vẫn nhiều gam màu sáng
Do sản xuất - kinh doanh khó khăn, đơn hàng sụt giảm nên thưởng Tết 2023 là bài toán khó đối với không ít doanh nghiệp. Mặc dù vậy, xác định thưởng Tết là một nét đẹp trong văn hóa doanh nghiệp, đồng thời để giữ chân và tri ân người lao động luôn đồng hành trong lúc khó khăn, các doanh nghiệp đều nỗ lực để đảm bảo thực hiện thưởng Tết cho người lao động (NLĐ) không thấp hơn năm trước… Về phía NLĐ, dù thưởng Tết là điều được mong đợi nhất khi Tết đến xuân về, song họ vẫn sẵn sàng tinh thần sẻ chia với doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn… Đó chính là những gam màu sáng trong bức tranh thưởng Tết năm 2023.
Tinh thần sẻ chia của người lao động
Sau một năm làm việc vất vả, thưởng Tết là điều mà mọi người lao động đều mong chờ. Điều đó thể hiện thể hiện sự quan tâm, ghi nhận, tri ân của doanh nghiệp đối với người lao động sau một năm gắn bó, cống hiến. Năm nay, trong bối cảnh việc làm giảm sút, đời sống khó khăn, khoản tiền thưởng Tết càng có ý nghĩa thiết thực hơn đối với người lao động. Tuy nhiên, cùng với sự thấp thỏm trông ngóng, nhiều người lao động cũng cho biết, họ sẵn sàng sẻ chia vì hiểu rằng đây là thời điểm doanh nghiệp gặp khó khăn.
Chị Phan Thị Nhàn - công nhân Công ty TNHH thời trang Star (Khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ), cho hay, năm nào, Công ty cũng có thưởng Tết và chăm lo Tết đủ đầy cho NLĐ, thế nhưng năm nay, tình hình khó khăn hơn do đơn hàng sụt giảm nên không rõ thưởng Tết có thay đổi gì không. “Thời gian gần đây, Công ty tôi ít việc nên công nhân không còn phải tăng ca, chỉ làm việc theo giờ hành chính, thu nhập giảm khoảng 2-3 triệu/tháng. Đi làm cả năm, ai cũng mong có một cái Tết đủ đầy vì thế chúng tôi trông đợi sự quan tâm, chăm lo của Công đoàn và doanh nghiệp trong dịp Tết này. Tôi hy vọng lương thưởng vẫn được giữ nguyên như năm trước”, chị Nhàn nói…
Cho biết Công ty chưa công bố thưởng Tết, song chị Khuất Thị Hà - công nhân Công ty TNHH May mặc Việt Pacific (quận Hà Đông, Hà Nội) cho hay, chị không thấy sốt ruột. “Chỉ là một công nhân nhưng tôi cũng biết tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành dệt may trong đó có Công ty tôi hiện đang gặp nhiều khó khăn, bị giảm sút đơn hàng, ở nhiều nơi, công nhân không có việc làm, mất thu nhập. Thế nhưng ở đây, chúng tôi tuy có giảm tăng ca một chút, nhưng việc làm và thu nhập vẫn được đảm bảo. Tôi tin là Tết năm nay, Công đoàn cũng như Công ty vẫn chăm lo cho công nhân chu đáo, mức thưởng Tết chắc vẫn được giữ nguyên, nếu có giảm đi chút ít thì cũng không sao bởi chúng tôi sẵn sàng đồng hành, chia sẻ với Công ty trong lúc khó khăn”, chị Khuất Thị Hà tâm sự.
Sẵn sàng sẻ chia với doanh nghiệp trong lúc khó khăn cũng là tinh thần của nhiều công nhân lao động Công ty May liên doanh Plummy (địa bàn huyện Quốc Oai). Anh Nguyễn Văn Hải - một công nhân của Công ty cho biết, từ khoảng tháng 10/2022 đến nay, công nhân Công ty anh hầu như không phải đi làm tăng ca cuối tuần, số giờ tăng ca ngày thường cũng giảm từ 3-4 giờ làm thêm/ngày xuống còn 1 giờ hoặc không phải làm thêm. Thu nhập mỗi tháng của anh giảm khoảng 2-3 triệu đồng, nên ngoài giờ làm ở công ty, anh Hải lại tranh thủ "chạy xe" cho hãng Grab và Bee.
“Ai cũng mong được thưởng Tết năm sau cao hơn năm trước, tuy nhiên, trong lúc Công ty khó khăn như thế này, chúng tôi cũng không đòi hỏi gì nhiều.Chỉ mong thưởng Tết được duy trì như cũ, có giảm thì giảm không đáng kể. Quan trọng là Công ty đã luôn cố gắng để không có công nhân nào bị mất việc, mất thu nhập”, anh Hải bộc bạch.
Nỗ lực lo thưởng Tết của doanh nghiệp
Đáp lại tâm lý mong chờ của NLĐ, đại diện nhiều doanh nghiệp cho biết, đã và đang xây dựng kế hoạch chăm lo Tết cho người lao động, trong đó nỗ lực đảm bảo tiền lương, thưởng Tết. Đối với những doanh nghiệp hoạt động ổn định và đều việc thì mức thưởng đã được xác định rõ rằng, chẳng hạn như Công ty cổ phần Môi trường đô thị Gia Lâm đã lên kế hoạch thưởng Tết năm 2023 ngang bằng năm trước. Ông Trương Hoài Nam - Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Môi trường đô thị Gia Lâm, cho biết: Công ty có kế hoạch thưởng tháng lương thứ 13 khoảng 5 triệu đồng/người và một túi quà Tết trị giá 900.000 đồng cho người lao động.
Tại Công ty TNHH Tousei Engineering Việt Nam (địa bàn huyện Sóc Sơn, Hà Nội), ông Trần Sỹ Đức - Giám đốc Công ty cho biết: “Qua tham mưu, đề xuất của Công đoàn, Công ty đã có kế hoạch để chăm lo Tết tốt nhất cho NLĐ. Theo đó, Công ty sẽ cố gắng bảo đảm tiền lương, lên dự toán thưởng Tết cho NLĐ với mức cao nhất là 4 tháng lương, thấp nhất là 2,5 tháng lương”.
Tại Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam (huyện Gia Lâm, Hà Nội), theo ông Ngô Ngọc Vinh - Chủ tịch Công đoàn Công ty, quan tâm chăm lo cho NLĐ, đặc biệt trong dịp lễ Tết đã trở thành nét đẹp văn hóa của doanh nghiệp đồng thời cũng là cách doanh nghiệp động viên, tri ân, giữ chân NLĐ. “Hàng năm, chúng tôi đều lên kế hoạch và công khai sớm về các hoạt động chăm lo Tết, đặc biệt là tiền lương, thưởng Tết để NLĐ biết, yên tâm làm việc. Năm nay, mặc dù cũng bị ảnh hưởng bởi tình hình khó khăn chung, song qua tham mưu, bàn bạc giữa Công đoàn với lãnh đạo, Công ty đã thống nhất sẽ chi 35 tỷ đồng chăm lo Tết Nguyên đán Quý Mão cho NLĐ. Trong đó, dự kiến tiền thưởng Tết cho mỗi NLĐ là từ 3- 4 tháng lương thực lĩnh thấp nhất là 5 triệu, cao nhất là 130 triệu đồng/người tùy từng vị trí”, ông Ngô Ngọc Vinh cho biết.
Ở những công ty khác gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh thì đến thời điểm này, mức thưởng Tết vẫn đang được cân nhắc, bàn bạc song tinh thần của doanh nghiệp là sẽ căn cứ vào hoạt động sản xuất kinh doanh và thỏa ước lao động tập thể, dự kiến thưởng Tết sẽ tương đương năm trước. Chẳng hạn như tại Công ty TNHH Matsuo Industries Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long - huyện Đông Anh, Hà Nội), ông Nguyễn Hoàng Long - Chủ tịch Công đoàn Công ty, chia sẻ: Năm nay, tình hình hoạt động của công ty tương đối khó khăn do ảnh hưởng đợt đầu năm bị đứt chuỗi cung ứng, cuối năm thì các đơn hàng bị giảm. Mặc dù công ty chạy đều các đơn hàng nhưng sản lượng chỉ bằng khoảng 70 - 80% so với với trước đây. Dù vậy, Công đoàn và công ty đã ký quy chế thưởng, trong đó thưởng Tết khoảng 1,5 tháng tiền lương.
Tương tự, Công ty TNHH May mặc Việt Pacific (địa bàn quận Hà Đông, Hà Nội) cũng đang gặp khó khăn, đơn hàng từ các thị trường truyền thống bị sụt giảm 30% song Công ty vẫn nỗ lực tìm kiếm các đối tác ở thị trường mới để bù đắp, duy trì việc làm, thu nhập cho NLĐ. Do đó, theo ông Nguyễn Tràng Huy - Chủ tịch Công đoàn Công ty, thưởng Tết năm nay vẫn sẽ được thực hiện như năm trước là 1 tháng lương, tương đương 6 triệu đồng, thậm chí có khả năng sẽ được tăng lên.
Thưởng Tết 2023 cơ bản vẫn ổn định
Liên quan đến vấn đề thưởng Tết, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) hồi đầu tháng 12 đã có văn bản yêu cầu Sở LĐTBXH các địa phương khảo sát, nắm tình hình thực hiện quy định về lương tối thiểu, trả lương, tiền thưởng, nợ lương và kế hoạch thưởng Tết theo kết quả sản xuất, kinh doanh cho NLĐ ở các doanh nghiệp, báo cáo về Bộ trước ngày 25/12/2022.
Hiện một số địa phương đã báo cáo dự kiến mức thưởng Tết. Chẳng hạn, tại Vĩnh Phúc, Sở LĐTBXH tỉnh thông tin, mức thưởng dịp Tết Dương lịch 2023 bình quân hơn 1,8 triệu đồng, cao hơn mức thưởng bình quân của năm 2021 (năm 2021 các doanh nghiệp báo cáo mức thưởng Tết Dương lịch bình quân là gần 1,7 triệu đồng/người). Mức thưởng dịp này cao nhất là 101 triệu đồng. Đối với thưởng Tết Âm lịch, dự kiến mức thưởng bình quân là hơn 4,6 triệu đồng/người; cao nhất là 260 triệu đồng/người và thấp nhất là 100.000 đồng/người với lao động làm việc dưới 1 tháng. Tại Hà Nội, Sở LĐTBXH Hà Nội dự báo tiền thưởng của người lao động trên địa bàn năm 2023 sẽ giảm hơn so với năm 2022, trong đó mức giảm sâu thuộc các ngành nghề như dệt may, da giày, điện tử, chế biến gỗ.
Tại Bình Dương, Sở LĐTBXH tỉnh báo cáo, theo khảo sát của đơn vị này đối với các doanh nghiệp trên địa bàn, dự kiến mức thưởng Tết không có biến động nhiều so với mọi năm. Chỉ ở những lĩnh vực bị cắt giảm giờ làm thì có thể ảnh hưởng, còn các lĩnh vực khác cơ bản vẫn giữ được mức thưởng Tết ổn định, tuy nhiên sau ngày 25/12 đơn vị này mới có số liệu chính thức để công bố.
Tại hội nghị cung cấp thông tin về tình hình công nhân viên chức lao động và hoạt động Công đoàn do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức đầu tháng 12/2022, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban chính sách - pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết, theo quy định hiện hành thưởng Tết không phải bắt buộc mà tùy thuộc kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy trong bối cảnh đơn hàng ở nhiều ngành giảm nhưng các nhà máy lớn công bố thưởng Tết cao hơn năm ngoái thể hiện chia sẻ khó khăn với NLĐ.
Nhiều năm theo dõi lĩnh vực lao động, ông Quảng cho rằng nhiều chính sách tốt thường được xây dựng từ những cách làm hay của các doanh nghiệp lớn. Vì vậy các nhà máy đông lao động sớm công bố thưởng Tết góp phần lan tỏa việc xây dựng mức thưởng cuối năm ở các công ty khác. Qua nắm sơ bộ từ các cấp Công đoàn, trừ những trường hợp quá khó khăn, phải cắt giảm lao động, năm nay các doanh nghiệp đều cố gắng duy trì thưởng Tết, ít nhất một tháng lương. Do lương tối thiểu vùng tăng, số tiền người lao động nhận được cao hơn năm ngoái.
Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cũng cho rằng, đối với NLĐ, lương tháng 13 rất quan trọng, không chỉ có giá trị tinh thần mà còn dùng để mua sắm quà Tết mang về cho ông bà, cha mẹ, mừng tuổi, đi Tết… “Chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp hãy chia sẻ với NLĐ sau một năm họ đã làm việc vất vả, sự chia sẻ của người sử dụng lao động lúc này cũng chính là cách để chúng ta giữ chân NLĐ, nhất là khi có đơn hàng”, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh./.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/buc-tranh-thuong-tet-2023-van-nhieu-gam-mau-sang-150435.html