Bức tranh toàn cảnh tổ chức bộ máy, nhân sự cấp xã sau sáp nhập

Chậm nhất vào ngày 15/8 năm nay, cấp xã mới sẽ đi vào hoạt động với các nhiệm vụ, quyền hạn mới. Việc bố trí nhân sự cấp xã theo tinh thần lãnh đạo sẽ kiêm nhiệm nhiều chức danh, ưu tiên tăng số lượng công chức làm việc trực tiếp với dân.

Theo Nghị quyết số 60 Hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, Trung ương đồng ý chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp: Cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố); kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện từ ngày 1/7 tới.

Trung ương cũng đồng ý sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã bảo đảm cả nước giảm khoảng 60-70% số lượng đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã so với hiện nay, tức là giảm từ 10.035 ĐVHC cấp xã còn khoảng hơn 3.000 xã, phường và đặc khu.

Theo kế hoạch, sau khi Hiến pháp năm 2013 được sửa đổi và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sẽ bắt đầu vận hành.

Hầu hết các tỉnh, thành đã có dự thảo phương án sắp xếp lại các xã, phường. Ảnh: Hoàng Hà

Hầu hết các tỉnh, thành đã có dự thảo phương án sắp xếp lại các xã, phường. Ảnh: Hoàng Hà

Ngoài phường, xã, dự kiến ĐVHC cấp xã sẽ có 13 đặc khu gồm: Vân Đồn, Cô Tô, Cát Hải, Trường Sa, Hoàng Sa, Phú Quý, Kiên Hải, Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Côn Đảo, Phú Quốc, Thổ Châu.

Hiện tại, hầu hết các tỉnh, thành đã hoàn thành dự thảo phương án sắp xếp, sáp nhập các xã, phường, đặc khu.

Tiêu chí sắp xếp, đặt tên

Tiêu chí sắp xếp ĐVHC cấp xã dựa trên diện tích tự nhiên, quy mô dân số và các yếu tố lịch sử văn hóa, vị trí địa lý khác.

Cụ thể, các xã miền núi, vùng cao phải có diện tích tự nhiên đạt từ 200% trở lên và quy mô dân số đạt từ 100% trở lên tiêu chuẩn của xã tương ứng quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn và phân loại ĐVHC.

Xã không thuộc diện tích trên và không thuộc ĐVHC cấp huyện ở hải đảo phải có quy mô dân số đạt từ 200% trở lên và diện tích tự nhiên đạt từ 100% trở lên.

Phường sau sắp xếp có diện tích tự nhiên đạt từ 5,5km2 trở lên. Phường thuộc thành phố trực thuộc Trung ương phải có quy mô dân số từ 45.000 người trở lên. Phường thuộc tỉnh ở miền núi, vùng cao, biên giới có quy mô dân số đạt 15.000 người trở lên. Các phường còn lại có quy mô dân số đạt 21.000 người trở lên.

Trường hợp sắp xếp từ 3 ĐVHC cấp xã trở lên thành phường mới thì không phải xem xét những tiêu chuẩn này.

Tiêu chí sắp xếp ĐVHC cấp xã dựa trên diện tích tự nhiên, quy mô dân số và các yếu tố lịch sử văn hóa, vị trí địa lý khác. Ảnh: Thạch Thảo

Tiêu chí sắp xếp ĐVHC cấp xã dựa trên diện tích tự nhiên, quy mô dân số và các yếu tố lịch sử văn hóa, vị trí địa lý khác. Ảnh: Thạch Thảo

Về việc đặt tên cho các ĐVHC cấp xã mới, Nghị quyết khuyến khích lựa chọn theo 2 cách. Một là, đặt theo tên của một trong các ĐVHC trước sắp xếp. Hai là đặt theo tên của ĐVHC cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự.

Tên của ĐVHC cấp xã cần dễ đọc, dễ nhớ, ngắn gọn, bảo đảm tính hệ thống, khoa học, phù hợp với các yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương và được nhân dân địa phương đồng tình, ủng hộ.

UBND cấp xã tối đa có 4 phòng, không quá 40 biên chế

Theo hướng dẫn tại Công văn 03 của Bộ Nội vụ, CQĐP cấp xã gồm hội đồng nhân dân (HĐND) và ủy ban nhân dân (UBND).

HĐND cấp xã thành lập 2 ban là Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - xã hội.

UBND cấp xã thành lập tối đa 4 phòng và tương đương, phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn, hải đảo. Các phòng này gồm có: Văn phòng HĐND và UBND, Phòng Kinh tế (đối với xã, đặc khu) hoặc Phòng Kinh tế, hạ tầng và đô thị (đối với phường và đặc khu Phú Quốc), Phòng Văn hóa - xã hội và Trung tâm Phục vụ hành chính công.

UBND cấp tỉnh sẽ căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, diện tích tự nhiên, quy mô dân số của ĐVHC để quyết định số lượng cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND cho phù hợp (không vượt quá 4 phòng và tương đương). Trường hợp địa phương tổ chức số lượng cơ quan chuyên môn dưới 3 đầu mối thì có thể bố trí tăng 1 phó chủ tịch UBND để trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo.

Đối với ĐVHC cấp xã giữ nguyên, địa phương căn cứ vào điều kiện thực tế để quyết định số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cho phù hợp, hoặc không tổ chức các phòng chuyên môn theo hướng dẫn chung (trừ các ban của HĐND hiện có) mà phân công công chức chuyên môn trực tiếp đảm nhiệm các vị trí việc làm.

UBND cấp xã thành lập tối đa 4 phòng và tương đương. Ảnh: Lê Anh Dũng

UBND cấp xã thành lập tối đa 4 phòng và tương đương. Ảnh: Lê Anh Dũng

Trường hợp không tổ chức các phòng chuyên môn thuộc UBND cấp xã, UBND cấp tỉnh được giao quyết định tăng biên chế so với số lượng biên chế cán bộ, công chức cấp xã hiện nay để thực hiện các nhiệm vụ mới chuyển giao từ cấp huyện.

Dự kiến, số lượng biên chế không quá 40 cán bộ, công chức, trong đó tập trung cho công chức trực tiếp đảm nhiệm các lĩnh vực công tác xây dựng Đảng, công tác MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, công tác chính quyền.

Đối với các huyện đảo, thành phố đảo sau khi kết thúc hoạt động và trở thành đặc khu, trước mắt giữ nguyên số lượng các cơ quan chuyên môn của huyện đảo, thành phố đảo như hiện nay, sau đó thực hiện theo hướng dẫn mới của Chính phủ.

Lãnh đạo xã kiêm nhiệm, ưu tiên tăng số lượng công chức

Để tăng số lượng công chức làm việc trực tiếp giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp, các lãnh đạo cấp xã sẽ kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu các cơ quan tham mưu, giúp việc cho cấp ủy, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền.

Địa phương có thể chủ động sắp xếp, bố trí sử dụng lãnh đạo kiêm nhiệm hoặc giảm cấp phó các phòng, ban chuyên môn để tăng số lượng công chức làm việc trực tiếp với dân. Ảnh: Lê Anh Dũng

Địa phương có thể chủ động sắp xếp, bố trí sử dụng lãnh đạo kiêm nhiệm hoặc giảm cấp phó các phòng, ban chuyên môn để tăng số lượng công chức làm việc trực tiếp với dân. Ảnh: Lê Anh Dũng

Cụ thể, lãnh đạo HĐND cấp xã gồm chủ tịch (chức danh kiêm nhiệm) và 1 phó chủ tịch (chức danh chuyên trách). Lãnh đạo UBND cấp xã gồm chủ tịch (chức danh chuyên trách) và 2 phó chủ tịch. Trong đó, 1 phó chủ tịch kiêm nhiệm chức danh Chánh Văn phòng HĐND và UBND, 1 phó chủ tịch kiêm nhiệm chức danh Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công.

Các ban của HĐND có trưởng ban (chức danh kiêm nhiệm) và 1 phó trưởng ban (chức danh chuyên trách). Các phòng và tương đương của UBND có trưởng phòng (chức danh chuyên trách hoặc do phó chủ tịch UBND kiêm nhiệm) và 1 cấp phó (chức danh chuyên trách).

Đối với trường hợp ĐVHC cấp xã giữ nguyên và không tổ chức các phòng chuyên môn thì có thể tăng thêm 1 phó chủ tịch UBND cấp xã.

Theo hướng dẫn của công văn 03, địa phương có thể chủ động sắp xếp, bố trí sử dụng lãnh đạo kiêm nhiệm hoặc giảm cấp phó các phòng, ban chuyên môn để tăng số lượng công chức làm việc trực tiếp, đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân của ĐVHC cấp xã mới.

Cấp xã đảm nhận thêm quyền hạn, nhiệm vụ của cấp huyện

Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của chính quyền cấp xã được đề xuất tại dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 9 tới đây.

Sau khi luật có hiệu lực thi hành (từ ngày 1/7), cấp xã sẽ chủ yếu thực hiện chính sách từ cấp Trung ương và cấp tỉnh ban hành, tập trung vào các nhiệm vụ phục vụ người dân, trực tiếp giải quyết các vấn đề của cộng đồng dân cư, cung cấp các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu cho người dân trên địa bàn.

Chính quyền cấp xã sẽ đảm nhận thêm nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện hiện nay. Ảnh: Lê Anh Dũng

Chính quyền cấp xã sẽ đảm nhận thêm nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện hiện nay. Ảnh: Lê Anh Dũng

Cấp xã cũng có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quyết định việc tổ chức thi hành pháp luật trên địa bàn và các vấn đề thuộc thẩm quyền của mình.

Theo đó, chính quyền cấp xã mới, ngoài việc đảm nhận các nhiệm vụ, quyền hạn như trước khi sắp xếp, sẽ đảm nhận nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện hiện nay; trực tiếp phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn.

Chính quyền cấp tỉnh tiếp tục phân cấp cho cấp xã thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn tùy thuộc vào đặc điểm, điều kiện, năng lực và yêu cầu quản lý của từng cấp xã.

Cán bộ cấp huyện được bố trí làm nòng cốt ở cấp xã

100% biên chế cấp huyện hiện có sẽ được chuyển về cấp xã. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp huyện hiện nay được bố trí làm nòng cốt tại các đơn vị cấp xã mới, ngoài ra cũng có thể tăng cường cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh về cấp xã.

Theo Kết luận 150 của Bộ Chính trị, với đảng bộ xã, phường, đặc khu (sau sắp xếp), có thể xem xét, bố trí nhân sự là cấp ủy viên cấp tỉnh làm bí thư đảng ủy cấp xã. Trường hợp đặc biệt, nếu đảng bộ có vị trí quan trọng, quy mô kinh tế, hạ tầng giao thông đô thị phát triển, số lượng đảng viên, dân số đông, có thể xem xét, bố trí nhân sự là ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy làm bí thư đảng ủy.

100% biên chế cấp huyện hiện có sẽ được chuyển về cấp xã. Ảnh: Lê Anh Dũng

100% biên chế cấp huyện hiện có sẽ được chuyển về cấp xã. Ảnh: Lê Anh Dũng

Trước mắt, số lượng biên chế cán bộ, công chức của cấp huyện, cấp xã hiện có được giữ nguyên để bố trí làm việc tại cấp xã. Trong thời hạn 5 năm, sẽ thực hiện rà soát, tinh giản biên chế theo đúng quy định của Chính phủ. Dự kiến, biên chế bình quân của mỗi cấp xã khoảng 32 biên chế (không bao gồm khối đảng, đoàn thể).

Không sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã

Công văn 03 yêu cầu kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn, tổ dân phố hiện nay kể từ ngày 1/8.

Tuy nhiên, có thể sắp xếp, bố trí người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tham gia công tác tại thôn, tổ dân phố và thực hiện chế độ, chính sách đối với các trường hợp không bố trí công tác theo quy định.

Thôn, tổ dân phố tiếp tục được xác định là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư, không phải là cấp hành chính. Trước mắt, các thôn, tổ dân phố hiện có được giữ nguyên. Sau khi hoàn thành sắp xếp ĐVHC các cấp, Chính phủ sẽ giao Bộ Nội vụ nghiên cứu và hướng dẫn về việc sắp xếp, tổ chức lại thôn, tổ dân phố theo hướng tinh gọn, phục vụ trực tiếp đời sống của người dân trên địa bàn.

Từ ngày 1/7, khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, ĐVHC cấp huyện sẽ dừng hoạt động. Các ĐVHC cấp xã sẽ đi vào hoạt động chậm nhất vào ngày 15/8. Các ĐVHC cấp tỉnh đi vào hoạt động chậm nhất vào ngày 15/9.

Nguyễn Thảo

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/buc-tranh-toan-canh-to-chuc-bo-may-nhan-su-cap-xa-sau-sap-nhap-2392928.html