Bức tranh toàn diện, chân thực và sống động về Thủ đô

Sáng 4.10, Lễ khai mạc Triển lãm 'Thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô 70 năm xây dựng và phát triển' đã được tổ chức tại Bảo tàng Hà Nội.

 Triển lãm nhằm kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10.10.1954 - 10.10.2024), 25 năm được UNESCO vinh danh Thành phố vì hòa bình

Triển lãm nhằm kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10.10.1954 - 10.10.2024), 25 năm được UNESCO vinh danh Thành phố vì hòa bình

Triển lãm do Thành ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội tổ chức, nhằm kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10.10.1954 - 10.10.2024), 25 năm được UNESCO vinh danh là Thành phố vì hòa bình.

Phát biểu tại Lễ khai mạc triển lãm, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Hà Minh Hải nhận định, từ ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội đến nay, chúng ta càng thêm tự hào về những bước phát triển mạnh mẽ của Thủ đô. Từ một thành phố bị tàn phá sau chiến tranh, Hà Nội đã nhanh chóng khôi phục và từng bước phát triển qua các thời kỳ, thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế.

 Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Hà Minh Hải nhận định sự kiện có ý nghĩa không chỉ đánh dấu chặng đường 70 năm đầy tự hào của Thủ đô, mà còn là dịp để chúng ta cùng nhau nhìn lại lịch sử, khẳng định ý chí quyết tâm, khát vọng xây dựng và phát triển Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Hà Minh Hải nhận định sự kiện có ý nghĩa không chỉ đánh dấu chặng đường 70 năm đầy tự hào của Thủ đô, mà còn là dịp để chúng ta cùng nhau nhìn lại lịch sử, khẳng định ý chí quyết tâm, khát vọng xây dựng và phát triển Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại

Ngay sau ngày Giải phóng, Đảng bộ và chính quyền Hà Nội đã nhanh chóng triển khai những kế hoạch nhằm khôi phục đời sống kinh tế, ổn định tình hình chính trị - xã hội. Trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, hàng chục vạn người con Thủ đô lên đường tòng quân chiến đấu khắp các chiến trường. Hà Nội là hậu phương lớn, là trung tâm kinh tế lớn của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chi viện cho tiền tuyến với phương châm thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người.

Tự hào hơn nữa, Hà Nội đã cùng các địa phương, dưới sự lãnh đạo của Đảng, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ trên không chói lọi, trở thành biểu tưởng của ý chí, trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam, được dư luận thế giới nhận định, đó là chiến thắng của lương tri và phẩm giá con người.

 Đại biểu tham quan không gian triển lãm về Hà Nội trước năm 1954

Đại biểu tham quan không gian triển lãm về Hà Nội trước năm 1954

Sau khi đất nước thống nhất, Hà Nội đã tiếp tục gương mẫu trong sự nghiệp đổi mới và phát triển. Đặc biệt, với Nghị quyết 15 của Quốc hội Khóa XII, Thủ đô được mở rộng địa giới hành chính, tạo ra không gian và diện mạo mới với những cơ hội phát triển mới. Từ đây, Hà Nội có điều kiện tiếp tục phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, góp phần xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, đời sống nhân dân ấm no, hạnh phúc.

Đặc biệt từ thời kỳ Đổi mới (năm 1986), Hà Nội đã vươn lên trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước. GRDP bình quân đầu người tăng mạnh, đạt gần 6.300 USD vào năm 2023, gấp hơn 130 lần so với năm 1954. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7-8%/năm, đóng góp khoảng 16% GDP và 18,5% tổng thu ngân sách nhà nước của cả nước.

 Tham quan không gian công nghệ chủ đề định hướng phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Tham quan không gian công nghệ chủ đề định hướng phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Các giá trị văn hóa và con người Hà Nội được phát huy, khơi dậy ý chí, niềm tự hào, khát vọng phát triển của Nhân dân Thủ đô. Không gian đô thị không ngừng được mở rộng (tỷ lệ đô thị hóa đạt 49,2%), phát triển mạnh mẽ cơ sở hạ tầng giao thông, với nhiều tuyến đường mới, cầu vượt, khu đô thị hiện đại và đồng bộ, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới đạt khoảng trên 12,13%.

Mở rộng quan hệ đối ngoại, hội nhập, hợp tác phát triển, nâng cao vị thế Thủ đô trong khu vực và trên thế giới, Thành phố được quốc tế công nhận và vinh danh là Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Hà Minh Hải đánh giá những thành tựu này không chỉ cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân, mà còn tạo nền tảng vững chắc cho quá trình phát triển nhanh, bền vững, tương đối toàn diện của thành phố.

Triển lãm Thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô 70 năm xây dựng và phát triển là một bức tranh toàn diện, phản ánh chân thực và sống động quá trình phát triển của Thủ đô Hà Nội qua các thời kỳ.

"Đây là một sự kiện có ý nghĩa không chỉ đánh dấu chặng đường 70 năm đầy tự hào của Thủ đô, mà còn là dịp để chúng ta cùng nhau nhìn lại lịch sử, cùng khẳng định ý chí quyết tâm, khát vọng xây dựng và phát triển Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại", ông Hà Minh Hải nhấn mạnh.

 Một số mô hình kiến trúc, công trình của Hà Nội

Một số mô hình kiến trúc, công trình của Hà Nội

Cụ thể, triển lãm giới thiệu hơn 500 hình ảnh, 500 hiện vật, 30 mô hình kết hợp trình chiếu 3D mapping, ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, với 5 không gian trưng bày tương ứng với 5 phần.

Hà Nội trước năm 1954 - Truyền thống ngàn năm tái hiện lịch sử hào hùng của Thủ đô Hà Nội từ thời kỳ Thăng Long đến mốc son lịch sử chói lọi - Giải phóng Thủ đô, mở ra thời kỳ phát triển mới của Hà Nội.

Hà Nội trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975) - Hà Nội vang mãi bản hùng ca tái hiện những thành tựu trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa; đồng thời là hậu phương lớn nhất, quan trọng nhất chi viện cho chiến trường miền Nam; nơi trực tiếp lập nên nhiều kỳ tích anh hùng của công cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại, thống nhất đất nước.

 Không gian trưng bày ấn phẩm về Hà Nội

Không gian trưng bày ấn phẩm về Hà Nội

Hà Nội cùng cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiến hành công cuộc đổi mới (1975 - 2008) - Trên đường đổi mới và phát triển là những thành tựu thời kỳ khôi phục, tái thiết và phát triển kinh tế - xã hội sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; thời kỳ quyết tâm đổi mới cơ chế quản lý, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Thủ đô Hà Nội từ năm 2008 đến nay - Mở rộng và phát triển với các thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội sau mở rộng địa giới hành chính với diện mạo, tầm vóc mới. Diện tích Hà Nội sau mở rộng là 3.359,84km2, gấp 3,6 lần diện tích cũ, trở thành 1 trong 17 thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới.

Định hướng phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 - Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" thể hiện định hướng xây dựng, phát triển Thủ đô trong tương lai với 5 không gian phát triển; 5 hành lang và vành đai kinh tế; 5 trục động lực; 5 vùng kinh tế - xã hội; 5 vùng đô thị...

Triển lãm diễn ra đến hết 14.10.

Thái Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/buc-tranh-toan-dien-chan-thuc-va-song-dong-ve-thu-do-post392236.html