Bức tranh tương phản giữa xu hướng mua sắm và tiêu dùng ở Mỹ

Năm 2024, người tiêu dùng Mỹ phải đối mặt với áp lực kinh tế nặng nề khi giá nhà ở và thực phẩm tăng cao.

Người dân mua sắm tại siêu thị ở San Mateo, California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Người dân mua sắm tại siêu thị ở San Mateo, California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Trước "bão giá", người dân trở nên thận trọng hơn trong chi tiêu, dẫn đến những thay đổi sâu sắc trong thói quen mua sắm và ăn uống. Những chuyển biến này không chỉ tái định hình thị trường tiêu dùng mà còn tạo ra những mảng sáng tối rõ rệt, với một số doanh nghiệp vươn lên mạnh mẽ, trong khi nhiều tên tuổi lâu đời phải đối mặt với nguy cơ phá sản.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Walmart và Aldi đã trở thành điểm đến ưa thích của người tiêu dùng, bao gồm cả các hộ gia đình có thu nhập cao trên 100.000 USD/năm. Walmart, với chiến lược giá rẻ và dịch vụ trực tuyến được cải tiến, không chỉ thu hút được khách hàng trung lưu mà còn giữ chân thành công nhóm khách hàng thượng lưu. Bên cạnh thực phẩm, chuỗi bán lẻ này đã đầu tư mạnh mẽ vào thời trang hiện đại, giúp tăng sức hút và củng cố vị thế trên thị trường.

Amazon cũng không bỏ lỡ cơ hội tận dụng xu hướng này. "Gã khổng lồ" thương mại điện tử đã ra mắt Amazon Haul, một nền tảng tập trung vào các sản phẩm giá dưới 20 USD, đáp ứng nhu cầu tìm kiếm hàng hóa giá rẻ của người tiêu dùng. Sự kiện Prime Day tháng 7 vừa qua tiếp tục giúp Amazon lập kỷ lục doanh số. Tuy nhiên, năm 2025 được dự báo sẽ mang đến nhiều thách thức, bao gồm nguy cơ thuế nhập khẩu và các tranh chấp lao động đang âm ỉ.

Ngành ẩm thực cũng ghi nhận những chuyển biến mạnh mẽ. Các chuỗi nhà hàng tầm trung như Shake Shack và Cava đã có một năm khởi sắc. Đặc biệt, Cava, với thực đơn ẩm thực Địa Trung Hải, đã ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu hơn 33% trong 9 tháng đầu năm. Trong khi đó, McDonald’s, sau giai đoạn đầu năm gặp khó khăn, đã thành công lấy lại lòng tin khách hàng nhờ gói bữa ăn 5 USD và chiến lược mở rộng các chương trình khuyến mãi cho năm 2025. Dù vậy, sự cố nhiễm khuẩn E. coli vào mùa Thu vẫn đặt ra nhiều thách thức đối với chuỗi đồ ăn nhanh này.

Trái ngược với sự thành công của các thương hiệu trên, nhiều chuỗi nhà hàng lâu đời như Red Lobster và TGI Fridays đã phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản, dẫn đến việc đóng cửa hàng loạt địa điểm. Dù Red Lobster đã tái cấu trúc thành công dưới quyền sở hữu mới, nhưng tương lai của những chuỗi nhà hàng lâu đời vẫn đầy bất định.

Trong ngành thời trang, xu hướng quần jeans ống rộng đã trở thành "cơn sốt" khắp nước Mỹ. Từ Walmart với mức giá phải chăng 29 USD đến Gucci với các thiết kế cao cấp lên tới 1.200 USD, tất cả đều tận dụng sức hút này để thúc đẩy doanh số bán hàng. Tuy nhiên, ngành nội thất và các sản phẩm giá trị lớn khác lại chịu tổn thất nặng nề. Các nhà bán lẻ như Best Buy, Home Depot và Lowe’s đều ghi nhận doanh số giảm, đặc biệt ở những sản phẩm không thiết yếu như thiết bị gia dụng và cải tạo nhà cửa.

Các cửa hàng bách hóa truyền thống cũng không thoát khỏi khó khăn. Macy’s thông báo đóng cửa 150 cửa hàng trong 3 năm tới, trong khi Kohl’s báo cáo quý thứ 11 liên tiếp doanh số sụt giảm. Ngược lại, Nordstrom lại ghi nhận sự tăng trưởng mạnh nhờ chuỗi cửa hàng giảm giá Nordstrom Rack và gần đây đã được gia đình Nordstrom cùng một tập đoàn Mexico mua lại, mở ra hy vọng về một giai đoạn phục hồi tích cực.

Năm 2024 đã cho thấy một thực tế rằng các doanh nghiệp phải thích nghi nhanh chóng với sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng để tồn tại. Người tiêu dùng không chỉ tìm kiếm giá trị hợp lý mà còn đòi hỏi sự tiện lợi và trải nghiệm tốt hơn. Đối với các thương hiệu, đây vừa là thách thức vừa là cơ hội để tái định vị trong một thị trường đầy biến động và cạnh tranh khốc liệt.

Thanh Phương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/buc-tranh-tuong-phan-giua-xu-huong-mua-sam-va-tieu-dung-o-my-20241231143110836.htm