Bức tranh u ám ở nơi có chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới

Theo Michael Booth, dù được xem là hạnh phúc nhất thế giới, Đan Mạch cũng là nơi tiêu thụ thuốc chống trầm cảm nhiều thứ 2 ở Châu Âu và có mức thuế cao nhất thế giới.

 Những quốc gia Bắc Âu thường xuyên được đánh giá là nơi đáng sống nhất thế giới. Ảnh minh họa: homeology.live.

Những quốc gia Bắc Âu thường xuyên được đánh giá là nơi đáng sống nhất thế giới. Ảnh minh họa: homeology.live.

Vào một buổi sáng sớm tháng 4 vài năm trước, khi trời còn tối, tôi đang ngồi trong phòng khách nhà mình nằm tại trung tâm Copenhagen, cuộn mình trong một tấm chăn và mong mỏi mùa xuân, tôi mở trang báo của ngày hôm đó và biết được rằng những người đồng hương trên đất nước nơi tôi sinh sống đã được lựa chọn là những người hạnh phúc nhất so với giống loài của họ, thể hiện qua Chỉ số Hài lòng với Cuộc sống, do Khoa Tâm lý học của Đại học Leicester biên soạn.

Tôi kiểm tra ngày báo ra: đó không phải là ngày 1 tháng 4. Một cái nhìn lướt qua trên mạng thực sự đã xác nhận đây là tin tức trang đầu trên toàn thế giới. Tất cả mọi người từ Daily Mail đến [Công ty truyền thông] Al Jazeera đều đưa tin về chuyện này như thể nó là một điều chắc chắn.

Đan Mạch là nơi hạnh phúc nhất trên thế giới. Hạnh phúc nhất ư? Đất nước nhỏ bé, bằng phẳng, nhàm chán, ẩm ướt, tối tăm, nơi mà bây giờ tôi gọi là nhà này, với một nhúm những con người khắc kỷ, biết điều, và mức thuế cao nhất thế giới này ư? Vương quốc Anh xếp hạng thứ 41 trong danh sách này. Một giáo sư đại học đã nói như thế, vì vậy nó chắc hẳn phải đúng.

“Thôi được rồi, họ đang làm rất tốt việc che giấu nó”, tôi thầm nghĩ khi nhìn ra bến cảng đầy mưa gió bên ngoài cửa sổ. “Tôi trông họ cũng không vui vẻ đến thế”. Ở dưới đó, những người đạp xe bọc mình trong những lớp quần áo phản quang vùng Bắc Cực đang vút qua cây cầu Langebro, cùng những người đi bộ cầm ô va vào nhau, tất cả cùng cản lại những làn nước bắn lên khi xe tải và xe buýt chạy qua.

[...] Tôi có thể nói rằng trong số khoảng 50 quốc tịch mà tôi đã gặp trong những chuyến đi của mình cho đến thời điểm đó, người Đan Mạch có lẽ nằm trong nhóm phần tư cuối cùng trong số những người rõ ràng ít vui vẻ nhất trên Trái đất này, cùng người Thụy Điển, Phần Lan, và Na Uy.

Có lẽ tất cả loại thuốc chống trầm cảm họ tiêu thụ đã làm mờ đi nhận thức của họ, tôi tự nhủ. Tôi đã đọc một báo cáo gần đây có nói rằng, ở châu Âu, chỉ có người Iceland tiêu thụ nhiều “thuốc hạnh phúc” (happy pills) hơn người Đan Mạch, và với tỉ lệ ngày càng tăng. Liệu rằng sự hạnh phúc của người Đan Mạch chẳng là gì ngoài sự lãng quên do Prozac (1) tài trợ?

Trên thực tế, khi bắt đầu nghiên cứu sâu hơn về hiện tượng hạnh phúc của người Đan Mạch, tôi đã phát hiện ra rằng báo cáo của Đại học Leicester không có gì đột phá như những gì nó thể hiện. Người Đan Mạch đã đứng đầu bảng trong khảo sát về mức độ hạnh phúc đầu tiên của EU - Eurobarometer - từ những năm 1973, và vẫn giữ vị trí ấy cho đến hôm nay. Trong khảo sát gần nhất, có hơn hai phần ba trong hàng nghìn người Đan Mạch tham gia khảo sát đã tuyên bố rằng họ “rất hài lòng” với cuộc sống của mình.

 Phần Lan, Iceland, Đan Mạch được đánh giá là những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới năm 2020. Ảnh: Statista.

Phần Lan, Iceland, Đan Mạch được đánh giá là những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới năm 2020. Ảnh: Statista.

[...] Đan Mạch không phải luôn luôn giữ vị trí đầu bảng trong tất cả phân nhóm của các khảo sát về tình trạng khỏe mạnh, sự thỏa mãn và hạnh phúc, nhưng nó vẫn xếp hạng loanh quanh vị trí đó, và nếu Đan Mạch không giữ vị trí số một, thì gần như chắc chắn sẽ là một quốc gia Bắc Âu khác.

[...] Liệu có tồn tại khuôn mẫu kiểu Scandinavia về một cách sống tốt hơn không? Liệu có tồn tại những yếu tố dẫn đến sự biệt lệ Bắc Âu - thuật ngữ được đặt cho hiện tượng này - mà có thể chuyển nhượng, hay đó là những điều thuộc đặc-trưng-vị-trí, một sự tình cờ của lịch sử và địa lý? Và, nếu mọi người không sống tại Scandinavia biết được cuộc sống thực sự trên miền đất này của thế giới, liệu họ có còn ghen tị với người Đan Mạch và những người đồng hữu nhiều đến vậy nữa không?

“Nếu bạn được sinh ra một lần nữa ở bất kỳ đâu trên thế giới này, là một con người sở hữu tài năng và thu nhập trung bình, bạn sẽ muốn trở thành một người Viking”, là tuyên bố của tờ The Economist, có chút gì đó châm biếm, trong một ấn bản đặc biệt về chủ đề Bắc Âu.

Nhưng đâu là những cuộc thảo luận về chủ nghĩa toàn trị Bắc Âu và sự cứng nhắc của người Thụy Điển; về việc người Na Uy đã tha hóa như thế nào bởi sự giàu có dầu mỏ của họ đến mức họ thậm chí không buồn bóc vỏ quả chuối mình ăn; về sự tự trị liệu cho bản thân bằng cách quên lãng của người Phần Lan; về sự chối bỏ những khoản nợ, đạo đức nghề nghiệp đang dần mất đi của người Đan Mạch, và vị trí của họ trên thế giới; và về sự hoang dã vốn là bản chất của những người Iceland?

Một khi bạn bắt đầu tìm hiểu rõ hơn về những xã hội Bắc Âu và con người ở đó, một khi bạn biết nhiều hơn ngoài những mỹ từ dành cho vùng đất Scandinavia hiện tại trên những phương tiện truyền thông phương Tây - một bức tranh phức tạp hơn, thường là tăm tối hơn, đôi khi tương đối phiền phức sẽ bắt đầu xuất hiện.

------------

(1) Prozac: Là tên thương mại của hợp chất Fluoxetine, là thuốc chống trầm cảm của nhóm thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI)

Michael Booth / NXB Lao động và Omega Plus Books

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/buc-tranh-u-am-o-noi-co-chi-so-hanh-phuc-cao-nhat-the-gioi-post1440551.html