Bức tranh vải vụn hoàn hảo của những người thợ khiếm khuyết

Từ năm 2017, có một sự thay đổi nhỏ tại ngôi làng lụa cổ truyền Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội). Trước kia, sau những công đoạn sản xuất áo quần vải lụa, những vụn vải lụa dư thừa sẽ bị đem bỏ, nhưng giờ đây, những miếng vải dư, vụn tưởng chừng như vô dụng kia đã trở thành những sản phẩm nghệ thuật đặc sắc dưới bàn tay của những người 'nghệ sĩ' cũng vô cùng đặc biệt.

Những miếng vài vụn dư thừa dần nên hình, nên dáng thành những món quà tặng, lưu niệm độc đáo tại xưởng Vụn Art. (Ảnh: Minh Duy)

Những miếng vài vụn dư thừa dần nên hình, nên dáng thành những món quà tặng, lưu niệm độc đáo tại xưởng Vụn Art. (Ảnh: Minh Duy)

Người đem vải vụn ghép nối những tâm tư

Tại tầng 2 của Khu bảo tồn lụa Vạn Phúc (Hà Đông), trong gian phòng nhỏ là khoảng gần chục nhân lực đang cặm cụi say sưa làm việc. Bước vào phòng, chúng tôi cất tiếng chào nhưng hầu như mọi người đều không đáp lại. Hỏi ra mới biết, những người thợ trong căn phòng này đa phần đều là người điếc được nhận vào làm việc trong xưởng. Căn phòng nhỏ này là cơ sở sản xuất của HTX Vụn Art, một cơ sở sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ từ những mảnh vải vụn bỏ đi của làng lụa Vạn Phúc.

Tiếp chuyện với chúng tôi, anh Lê Việt Cường, người sáng lập Vụn Art chia sẻ: “Bản thân tôi cũng là người khuyết tật từ nhỏ, hiểu được những sự khó khăn của cộng đồng người khuyết tật trong quá trình tìm việc làm, nên tôi ấp ủ hoài bão xây dựng nên một cơ sở để hỗ trợ cho những người có cùng hoàn cảnh”.

Năm 2017, anh Cường được anh Nguyễn Văn Trường, Phó Bí thư Quận ủy Hà Đông, đồng thời cũng là một họa sĩ, đã gợi ý về việc tìm ra một nghề có thể tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng người khuyết tật và cũng có thể góp phần làm thay đổi góc nhìn của xã hội với nhóm thiểu số này. Từ sự gợi ý đó, cộng với sự ủng hộ nhiệt tình từ người nghệ sĩ tài ba cùng với nhiều bạn bè khác của mình, anh Cường đã mạnh dạn khởi nghiệp và tạo dựng nên Vụn Art.

 Anh Lê Việt Cường, người sáng lập Vụn Art, cũng là người khuyết tật vận động bẩm sinh. (Ảnh: Minh Duy)

Anh Lê Việt Cường, người sáng lập Vụn Art, cũng là người khuyết tật vận động bẩm sinh. (Ảnh: Minh Duy)

Trong những ngày đầu, anh Cường đã đi khắp nơi ở Hà Đông tìm những người khuyết tật và khuyến khích họ tham gia mô hình. Ban đầu, với sự hoài nghi về tính mới mẻ của loại hình này, cùng với những mặc cảm về bản thân nên không có nhiều người tham gia. Tuy nhiên, với sự thuyết phục của anh Cường, Vụn Art cũng có được những “học viên” đầu tiên.

Tại đây, anh Lê Việt Cường đã mời các họa sĩ về dạy nghề ghép tranh cho các học viên khuyết tật. Đến khi tay nghề cứng, đủ để tự mình làm ra những sản phẩm ưng ý, thì anh Cường sẽ tiếp tục hỗ trợ “cơm nước” để các học viên có thể tiếp tục nâng cao trình độ, cho đến khi trở thành một người thợ thuần thục và tự kiếm được thu nhập.

Tại Vụn Art, các thợ thủ công và học viên tại đây phần lớn là những người có khiếm khuyết về trí tuệ, kế đến là khuyết tật vận động, người điếc. Không chỉ vậy, người thân của những người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn cũng được anh Cường hỗ trợ dạy nghề để cải thiện cuộc sống.

 Nhiều bạn trẻ khiếm khuyết trở nên tự tin và hoạt bát từ xưởng Vụn Art. (Ảnh: Minh Duy)

Nhiều bạn trẻ khiếm khuyết trở nên tự tin và hoạt bát từ xưởng Vụn Art. (Ảnh: Minh Duy)

Những bức tranh mang đầy hoài bão

Quy trình làm ra một sản phẩm ghép tranh cũng lắm công phu và trải qua nhiều công đoạn. Những công đoạn này đều được phân công hết sức khoa học. Đầu tiên, những mảnh vải vụn sẽ được bà con xung quanh làng lụa Vạn Phúc gửi đến.

Trước khi có Vụn Art, những miếng vải dư thừa này hầu như đều được bỏ đi, giờ đây, những thứ vụn vặt kia đã một lần nữa nên dáng nên hình, không chỉ làm đẹp cho căn nhà của khách hàng, làm quà biếu tặng cho những người bạn phương xa, mà còn nuôi sống chính những người thợ. Sau khi nhận vải và xử lý vải thô, những người thợ sẽ tiến hành cắt theo mẫu tranh đã có sẵn. Công đoạn này được cho là đơn giản nhất, người làm nghề chỉ cần phân biệt được màu và học cách cắt.

 Miếng vải vụn đã không còn "vô dụng" tại xưởng tranh đặc biệt này. (Ảnh: Minh Duy)

Miếng vải vụn đã không còn "vô dụng" tại xưởng tranh đặc biệt này. (Ảnh: Minh Duy)

Đưa tay chỉ về những người thợ đang chăm chú làm việc, anh Cường cười hào sảng: “Việc này là đơn giản nhất, chỉ cần xếp và cắt theo màu nên sẽ phân công cho các bạn khiếm khuyết về trí tuệ. Gọi là nhẹ nhàng nhưng có những bạn học rất lâu vì nhận thức của các bạn về mọi thứ xung quanh không tốt bằng những người không khuyết tật. Nhưng được cái là các bạn rất chăm chỉ và rất tập trung”.

Trong nhóm xếp và cắt giấy, có Dung đã theo Vụn Art học nghề được 5 năm. Dung là người có khiếm khuyết về trí tuệ, dù 5 năm nhưng em vẫn chưa thành thạo được nhiều trong công việc. Tuy nhiên, đối với bản thân Dung thì đó đã là những sự cải thiện rất lớn. Trước đây, ít ai nghĩ được rằng những bạn thiểu năng trí tuệ, tự kỷ có thể trở nên giao tiếp tốt, hoạt bát, nhanh nhẹn. Nhưng cũng giống như các bạn tự kỷ khác tại “chỗ làm” của mình, Nhung được giao tiếp nhiều hơn, hòa nhập với cộng đồng và cũng tự tin hơn trong giao tiếp, thậm chí còn kiếm được tiền. Đây là điều vượt qua sự tưởng tượng của nhiều người, và thiết nghĩ, sự cải thiện về mặt sức khỏe và tinh thần của những người khuyết tật lại chính là sự thành tựu lớn nhất của Vụn Art.

 Dù khiếm khuyết về trí tuệ, Dung vẫn nỗ lực từng ngày trong công việc của mình suốt 5 năm qua. (Ảnh: Minh Duy)

Dù khiếm khuyết về trí tuệ, Dung vẫn nỗ lực từng ngày trong công việc của mình suốt 5 năm qua. (Ảnh: Minh Duy)

Sau đó, vải sẽ được chuyển cho những người thợ xếp và dán tranh. Công đoạn này đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ hơn nên thường được giao cho các anh chị khuyết tật vận động. Chỉ vài giờ đồng hồ trước, bức tranh vải xinh xắn kia còn là đống vải vụn chuẩn bị mang đi vứt, thế nhưng với sự kiên trì học tập và làm việc của những người thợ, sự truyền nghề một cách nhẫn nại và bao dung của những người nghệ sĩ, và niềm tin của “người lái tàu” Lê Việt Cường, những mảnh vải tưởng chừng bỏ đi này lại một lần nữa trở thành những sản phẩm đặc biệt của làng lụa Hà Đông.

 Những bức tranh đang dần hình thành. (Ảnh: Minh Duy)

Những bức tranh đang dần hình thành. (Ảnh: Minh Duy)

“Chỉ bán sản phẩm, không bán tình thương”

Khi được hỏi rằng việc đầu tư vào một mô hình mới mẻ và lựa chọn đối tượng tham gia là người khuyết tật, đặc biệt là những người khiếm khuyết về trí tuệ thì liệu rằng có quá mạo hiểm không? Người đàn ông vừa nâng niu chiếc túi vừa được các bạn thợ hoàn thành vừa cười: “Đương nhiên đó là có sự rủi ro lớn chứ. Tôi tài trợ ăn, học miễn phí cho các bạn, nhưng dạy nghề gần 50 người thì giờ chỉ có tầm hơn 20 người ở lại cùng Vụn Art. Đương nhiên là khoản tiền đầu tư có thiệt đi đôi chút, nhưng đó không phải là vấn đề, sau khi rời khỏi Vụn Art, những kỹ năng mà các bạn có được mới chính là cái quan trọng”.

Bức tranh vải vụn của những người thợ khiếm khuyết cũng hoàn chỉnh và thu hút không kém gì các sản phẩm lưu niệm, quà tặng đang có trên thị trường. (Ảnh: Minh Duy)

Bức tranh vải vụn của những người thợ khiếm khuyết cũng hoàn chỉnh và thu hút không kém gì các sản phẩm lưu niệm, quà tặng đang có trên thị trường. (Ảnh: Minh Duy)

Anh Cường cũng cho biết, anh luôn tâm niệm rằng ở Vụn Art “chỉ bán sản phẩm chứ không bán tình thương”. Dù rằng trong mùa dịch, việc kinh doanh của cơ sở cũng có nhiều khó khăn, giá thành của sản phẩm cũng không cao, nhưng anh mong rằng người tiêu dùng sẽ biết đến những sản phẩm của Vụn Art vì chất lượng của sản phẩm, chứ không phải vì những sản phẩm này được làm ra bởi người khuyết tật. Vì lẽ, chỉ có chất lượng sản phẩm mới có thể giúp việc kinh doanh phát triển bền vững và tạo ra sinh kế lâu dài. Chính vì điều này, những sản phẩm của Vụn Art phải đạt được chất lượng tốt nhất, chỉn chu nhất trước khi bán ra thị trường.

Vụn Art không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân doanh nghiệp, những người khuyết tật tham gia, mà còn có phần hỗ trợ hệ sinh thái của làng Lụa. Vào những ngày trước dịch, Vụn cũng tổ chức các tour tham quan làng lụa cổ truyền cho du khách. Và điều đặc biệt ở những chuyến tham quan này là hướng dẫn viên sẽ là những bạn tự kỷ. Bằng việc trang bị cho các bạn kĩ năng hướng dẫn và kiến thức về mọi thứ xung quanh, mô hình này có thể giúp các bạn có thêm thu nhập và tăng cường khả năng giao tiếp của mình với xã hội, hòa nhập hơn với cộng đồng, làng lụa từ đó cũng có thêm du khách.

 Một số sản phẩm ấn tượng của những người thợ đặc biệt tại xưởng Vụn Art. (Ảnh: Minh Duy)

Một số sản phẩm ấn tượng của những người thợ đặc biệt tại xưởng Vụn Art. (Ảnh: Minh Duy)

Hiện nay, trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khách du lịch không có, khách hàng cá nhân cũng ít đi, thế nhưng Vụn Art vẫn đang là nơi tạo ra sinh kế cho hơn 20 lao động khuyết tật. Không chỉ là thu nhập, Vụn Art còn mang lại sự tự tin, yêu đời và lẽ sống cho nhiều mảnh đời. Để chứng tỏ được rằng những mảnh vụn nếu biết cách làm sẽ tạo nên bức tranh đẹp, người khuyết tật cũng như người không khuyết tật, nếu được đặt đúng chỗ, họ sẽ tạo nên những giá trị tuyệt mỹ cho cuộc đời.

MINH DUY

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/buc-tranh-vai-vun-hoan-hao-cua-nhung-nguoi-tho-khiem-khuyet-688925/