Bụi mịn nguy hiểm thế nào?
Các chuyên gia cảnh báo sự gia tăng bụi mịn vượt chuẩn trong không khí chắc chắn gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, thậm chí có thể dẫn đến ung thư.
Chiều 25/9, ông Cao Tung Sơn, Giám đốc Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường TP.HCM, cho biết đơn vị đã báo cáo Sở Tài nguyên Môi trường về chất lượng không khí trong những ngày qua.
Theo đó, từ ngày 18 đến ngày 22/9, thành phố xảy ra hiện tượng sương mù quang hóa làm giảm tầm nhìn và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Kết quả quan trắc tại 30 vị trí ở thành phố cho thấy sự gia tăng đột biến các chất ô nhiễm như bụi lơ lửng, PM10, PM2.5, NO2, SO2, CO trong các ngày 18-20/9, mức tăng 1,4 đến 2,2 lần.
Đặc biệt, các thông số bụi lơ lửng, PM10, PM2.5 có tỷ lệ vượt chuẩn tăng 25-50% trong ngày 20/9.
Bụi siêu mịn có thể là tác nhân gây ung thư
Tiến sĩ Đỗ Mạnh Cường, Phó trưởng phòng Sức khỏe Môi trường Cộng đồng, Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế, cảnh báo tình trạng ô nhiễm, đặc biệt các chỉ số về bụi lơ lửng, PM10, PM2.5 có tỷ lệ vượt chuẩn, tăng 25-50% chắc chắn gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, người dân cần đề phòng.
Loại bụi có đường kính 10 μm gọi là PM10 là bụi mịn. Nguy hiểm nhất là loại bụi siêu mịn PM2.5. Ở các đô thị lớn như TP.HCM, các loại bụi này hầu hết sinh ra từ khí thải giao thông (xe buýt, xe máy, ôtô). Khi nồng độ bụi mịn ngoài trời tăng lên, không khí sẽ có vẻ mờ đi và tầm nhìn bị giảm. Những tình trạng này tương tự khi độ ẩm cao hoặc sương mù.
“Không khí ô nhiễm có nhiều hạt bụi nhỏ, hạt càng nhỏ sẽ càng vào sâu. Những hạt bụi có kích thước nhỏ, đặc biệt PM2.5 có thể đi thẳng vào mô, phế nang phổi, đường hô hấp trên, gây nên bệnh hô hấp. Về lâu dài, chúng có thể dẫn đến các bệnh tim mạch, đột quỵ, viêm phổi, viêm phế quản mạn tính”, TS Cường cảnh báo.
Theo TS Vũ Xuân Đán, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, bụi mịn có thể ảnh hưởng đến cấu trúc của DNA do các quá trình như mất cân bằng oxy hóa làm các tế bào khỏe mạnh bị hủy hoại hoặc hưởng đến sự chuyển hóa chất hữu cơ của DNA.
Sự ảnh hưởng trực tiếp của các hóa chất trong bụi đến cấu trúc DNA. Các kim loại chuyển tiếp trong thành phần bụi như Cr, Cd, Ni, As và chất aldehyde có thể gây cản trở cơ chế sửa lỗi của DNA gây nên bệnh ung thư ở phổi.
Bên cạnh đó, TS Đán cũng cho biết trong tình hình này, mức độ ô nhiễm ở trong nhà và ngoài trời là giống nhau. Nguyên nhân là chất khí và bụi mịn có khả năng phân tán rất cao nên chúng dễ dàng xâm nhập vào bên trong nhà.
Đặc biệt, cấu trúc nhà cửa ở TP.HCM thuộc khu vực nhiệt đới nên thường được thiết kế thông thoáng. Các chất ô nhiễm không khí từ môi trường xung quanh có thể xâm nhập vào bên trong nhà rất dễ dàng.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hồng, Trưởng khoa Bệnh phổi nghề nghiệp, Bệnh viện Phổi Trung ương (Hà Nội), cũng cho biết bụi trong không khí có nhiều loại bao gồm cả bụi vô cơ và bụi hữu cơ. Nguồn bụi xuất phát chủ yếu từ mật độ giao thông lớn nên bụi hữu cơ nhiều lại lẫn với các tạp chất khác như nitơ, lưu huỳnh rất độc hại.
Chọn khẩu trang an toàn
Các chuyên gia y tế cho rằng người dân khó có thể lọc được hoàn toàn bụi mịn trong không khí khi lưu thông trên đường.
TS Vũ Xuân Đán, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, khuyến cáo người dân hạn chế đi ra ngoài, đặc biệt là những khu vực gần đường giao thông. Không hoạt động thể lực tại các khu vực ngoài trời, đặc biệt gần đường giao thông. Tập thể dục ở các khu vực ô nhiễm sẽ bị nguy cơ phơi nhiễm cao hơn vì sẽ hít một lượng lớn không khí khi vận động mạnh.
Người lớn và cả trẻ em nên khẩu trang phù hợp khi đi lại, làm việc ở vùng ô nhiễm. Khẩu trang nên có từ 4-5 lớp lọc gồm lớp lọc thô, lớp kháng khuẩn, lớp than hoạt tính,… và các khẩu trang có hình dáng phù hợp đảm bảo độ kín.
Các khẩu trang y tế hiện nay thường có hiệu quả lọc rất thấp, chỉ gồm 2-3 lớp vải không dệt. Bên cạnh đó, khẩu trang y tế cũng không đảm bảo độ kín để lọc các chất ô nhiễm có kích thước nhỏ.
BSCKI Nguyễn Cát Phương Vũ, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho rằng nhiều người thường không lựa chọn đúng khẩu trang và có biện pháp che chắn đúng cách.
Thực tế, khẩu trang thông thường như khẩu trang vải không thể lọc được bụi có kích thước nhỏ. Trong khi đó, khẩu trang y tế chỉ hạn chế 30-40% lượng bụi. Để ngăn được những loại bụi có kích thước siêu nhỏ như PM2.5, chúng ta cần sử dụng loại khẩu trang chuyên dụng.
Người dân có thể trang bị khẩu trang N95 hoặc N99 khi lưu thông trên đường. Đây là loại khẩu trang đáp ứng khả năng lọc bụi, vi khuẩn tốt.
Ngoài ra, bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết một mẹo đơn giản theo nghiên cứu của Đại học Thammasat (Thái Lan). Người dân nên lót một lớp khăn giấy bên trong khẩu trang y tế hoặc đeo lồng hai khẩu trang để tăng khả năng kháng bụi tối ưu nhất.
Các chuyên gia khuyến cáo phụ huynh cần cẩn thận bảo vệ sức khỏe trẻ và tải ứng dụng kiểm tra thời tiết, chất lượng không khí để theo dõi tình hình ô nhiễm ở nơi đang sống. Hôm nào tình trạng ô nhiễm không khí cao cần hạn chế các hoạt động ngoài trời.
Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/bui-min-nguy-hiem-the-nao-4036509-l.html