Bùi Tiến Tuấn và những 'tân mỹ nhân' trong tranh khỏa thân
Cuộc trưng bày tranh khỏa thân trong sách Nguyệt sáng gương trong của họa sĩ Bùi Tiến Tuấn, kéo dài từ lúc 18g ngày 23.5 đến 6.6.2021 tại Eight Gallery (8 Phùng Khắc Khoan, quận 1).
Giữa mùa dịch bệnh, một cuộc trưng bày tranh khỏa thân và ra mắt cuốn sách tranh lụa khỏa thân đầu tiên của Việt Nam khiêm tốn diễn ra tại Eight Gallery. Nói khiêm tốn là vì triển lãm không khai mạc rầm rộ, luôn giới hạn số khách có mặt ở phòng tranh và tuân thủ 5K. Nhưng ở một góc độ khác, 58 tranh khỏa thân và các tranh khác của họa sĩ Bùi Tiến Tuấn là không hề khiêm tốn.
Trưng bày tranh khỏa thân trong sách Nguyệt sáng gương trong của họa sĩ Bùi Tiến Tuấn, kéo dài từ lúc 18g ngày 23.5 đến 6.6.2021 tại Eight Gallery (8 Phùng Khắc Khoan, quận 1). Đây là cuộc trưng bày cá nhân lần thứ 11 của Bùi Tiến Tuấn, kể từ năm 2007 đến nay.
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, bên cạnh chủ đề thiếu nữ thị thành đã thành nét đặc trưng riêng, thì tranh khỏa thân (nude) cũng được Bùi Tiến Tuấn dày công tìm tòi, sáng tạo. Rất may mắn, ngay khi những bức tranh lụa khỏa thân đầu tiên của anh xuất hiện, thì đã được cộng đồng chuyên môn và giới sưu tập chào đón. Thế là anh ôm ấp làm một trưng bày cá nhân về đề tài này, nên đã vẽ và cất kho để dành. Cho nên, có thể nói phần nhiều của 58 tranh khỏa thân trong sách và cuộc trưng bày là của để dành, là lần đầu công bố.
Tác phẩm Hơi thở nhẹ.
Họa sĩ người Sài Gòn, gốc Hội An Bùi Tiến Tuấn chia sẻ: “Tôi không vẽ một hình mẫu người phụ nữ cụ thể nào, mà tôi đang vẽ những hình nhân của cái đẹp. Chính với lập trường này, khi sáng tạo tôi chưa bao giờ nghĩ mình đang lặp, đang vẽ giống với những bức tranh mình đã vẽ trước đó. Khi vẽ các bức tranh khỏa thân, thật ra tôi muốn khám phá, khai thác mọi khía cạnh, mọi khả năng của sự quyến rũ nữ tính.
Ham muốn này cho phép tôi mang những hình nhân ấy đặt vào những tư thế khác nhau, những không gian khác nhau: cô gái đó ngả ngớn trong hộp đêm, nơi quán billiard, trong phòng riêng, lơ lửng trên mặt nước, trôi vào chân không vô định của vũ trụ thăm thẳm… Nghĩa là tôi đang không ngừng tìm và thấy sự lãng mạn hóa mọi khả năng mà ở đó cái đẹp của nữ tính hiện diện. Nên đôi khi nó vượt qua tính hợp lý bên ngoài của đời sống để đi đến sự hợp lý bên trong của tính nguyên lý.
Bản chất dịu dàng, uyển chuyển của lụa dường như đang đồng lõa với lập trường đó của tôi”.
Tác phẩm Một mình.
Xem tranh khỏa thân của Bùi Tiến Tuấn, họa sĩ Phan Thiết chia sẻ: “Nghe rõ lắm hơi thở nhẹ trong tranh nude của Bùi Tiến Tuấn. Nghe cả cái mỏng manh, điệu đàng, bỡn cợt, lả lơi, diệu vợi...; nghe cả những ẩm ướt, mộng mị, hồi hộp thanh nữ/đàn bà… và còn hơn thế. Nghe cả những táo bạo xác thân, dục tính… của đàn bà; nghe cả những thanh thoát, ẩn hiện, lôi cuốn, gần xa. Bởi vậy, tranh lụa của Bùi Tiến Tuấn riêng rẽ một tài hoa đầy rung cảm mới lạ của đương thời”.
Nhà phê bình Đặng Thân nhận định: “Xét qua các nước, ta dễ nhận ra sự vượt thoát và “tiến hóa” trong lụa Bùi Tiến Tuấn. Quả là một hơi thở nhẹ, không u tịch hoa mơ như lụa truyền thống Việt, không nặng nề khốc liệt như lụa shunga Nhật, cũng không diêm dúa nộn sắc như xuân cung họa Trung Hoa, và cũng không quằn quại nhân kiếp như trong biểu hình Egon Schiele. Một luồng hơi thở nhẹ phát tiết ra từ bao năm luyện công thâm hậu các môn phái, lặng lờ trôi như thiên nga kia, nhẹ như chiếc lá, nhưng ai biết dưới mặt nước đôi chân nó đạp cả trăm lần mỗi phút”.
Còn với nhà nghiên cứu Hà Vũ Trọng thì: “Người phụ nữ trong tranh Bùi Tiến Tuấn là một đoạn tuyệt với phần lớn những lối miêu tả về phụ nữ trước đây trong tranh lụa, kể từ các trường mỹ thuật như Đông Dương, Gia Định và Huế, cho tới gần đây. Không còn nữa những vẻ đẹp lý tưởng quá vãng. Không còn nữa trạng thái tĩnh hay thụ động bằng những tư thế ước lệ - mà thước đo vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam vốn là sự nền nã, tức là lấy tính nết đứng đắn, thùy mị và sự kín đáo làm vẻ đẹp cả ngoài đời lẫn trong nghệ thuật. Giờ nàng bước ra khỏi không gian xưởng vẽ, ra thế giới hiện đại bên ngoài, chốn phồn hoa đô thị hào nhoáng và cám dỗ”.
Nhà báo Lý Đợi, bằng hữu của Bùi Tiến Tuấn thì chia sẻ, xem tranh khỏa thân của Bùi Tiến Tuấn làm anh liên tưởng đến câu thơ “em dài quên cân đối” của Trần Dần. Sự quên cân đối này, tất nhiên, là sự cố ý, với mục đích khai thác vẻ đẹp khác, tìm kiếm sự quyến rũ mới trong tạo hình…, để từ đó có thể thấy, tính nữ không còn bị bó buộc trong các khuôn đúc hoặc trong sự chỉn chu. Đó chính là vẻ đẹp của “tân mỹ nhân”, theo cách nói của nhà phê bình Hà Vũ Trọng.