Bún nước lèo trên sông
Khi lao động xã hội được phân công tương đối hoàn chỉnh, mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi làng xóm, mỗi thành phần giai cấp được chuyên sâu vào chức năng của mình, thì trong ăn uống cũng có một tỷ lệ lao động lấy đó làm nghề chuyên sâu như bán bún nước lèo trên sông.
Vào những thập niên đầu thế kỷ XX, người Sóc Trăng ngoài việc ăn uống giao hảo xóm làng, họ còn tổ chức dịch vụ ăn uống trên sông như chợ nổi Ngã Năm và ở nhiều bến đò, bến chợ trên sông quê với nhiều thức ăn, đồ uống như: sương sáo, nước đá si rô, bánh cam, bánh lọt, bánh lá, bánh tầm… đặc biệt là bún nước lèo trên sông quê tôi ở miệt Cổ Cò, Nàng Ré, Nhu Gia… và những chiếc xuồng chở nồi bún nước lèo bơi qua từng con sông, kinh, rạch. Tiếng rao bán bún nước lèo của người Khmer vừa thanh thao vừa ấm áp: “Ai ăn bún nước lèo hôn?”.
Và mỗi khi đi làm đồng về hoặc đi rừng đốn củi, bứt choại, nhổ bồn bồn hay bắt cua, bắt cá ra đến vàm rạch, vừa đói bụng, vừa lạnh, xuồng bán bún nước lèo bơi tới, mùi thơm nức bốc lên từ hơi nóng của nồi bún, cơn đói không sao chịu nổi, phải kêu xuồng bán bún cặp lại ăn một tô cho đã cái thèm, cái đói, cái hấp dẫn của mùi thơm từ nồi bún.
Người bán bún bốc một nhúm bắp chuối xắt trộn hẹ và rau thơm để dưới đáy tô, tiếp theo giở khăn đậy bún ra, những cọng bún nõn nà trắng tinh nằm trong lòng thúng, bốc ra để lên mặt rau, tiếp theo mùi thơm càng dữ. Người bán bún dùng cây vá bằng miểng dùa tra cán khoét nhiều lỗ ở dưới múc nước trong nồi đổ vô tô bún, trụng đi trụng lại nhiều lần cho thật nóng rồi dùng vá dạo từ đáy nồi nổi lên những miếng cá tán mịn hòa với trứng cá tơi ra vàng ươm trôi lều phều chung với cá đổ vô tô bún. Tiếp theo là múc ớt bằm mịn màu đỏ ngâm trong giấm chung với tỏi để lên mặt tô bún. Mùi thơm nặng của mắm bò hóc lại hòa với mùi sả, mùi tỏi, ớt, giấm lẫn với nhau.
Người mua ngồi nhìn các động tác của người bán, bụng đói cồn cào không sao chịu nổi, khi lua đũa bún vào miệng vừa nóng, vừa cay, nước mắt, nước mũi trào ra, nuốt tới đâu vị ấm cay tới đó, tạo sự hấp dẫn tăng phần ngon gấp bội.
Ngày xưa những người làm ăn trên sông thường nói với nhau “Đến xứ Sóc Trăng mà chưa ăn bún nước lèo coi như chưa đến Sóc Trăng”. Còn bà con xa quê hương luôn nhớ đến nồi bún nước lèo của xứ sở. Mỗi khi họ mời khách về quê nhà thường đãi bún nước lèo với các hương vị đặc trưng quê hương gửi gắm vào đó.
Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/bun-nuoc-leo-tren-song-52055.html