Bùng nhùng tài sản công và những đề nghị giải cứu
Câu chuyện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kêu cứu dọa ngừng chạy tàu, trước đó là những hình ảnh xuống cấp, hỏng hóc tại 2 sân bay lớn Nội Bài, Tân Sơn Nhất được phơi bày…, rồi việc đi hay ở của doanh nghiệp chuyển vốn về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (SMSC) cho thấy, cần sớm có giải pháp rốt ráo cho vấn đề này.
Trước đây, khi SMSC chưa ra đời, các tài sản công như đường sắt, đường cao tốc, sân bay, đường dây truyền tải điện… dù không được tính vào tài sản doanh nghiệp, nhưng do các bộ quản lý nên vẫn thường được gắn vào các doanh nghiệp nhà nước, trực thuộc các bộ chuyên ngành.
Khi doanh nghiệp về SMSC, cơ quan chủ quản chuyển giao vốn nhà nước, bao gồm vốn được tính trong báo cáo tài chính, cũng như các tài sản khác của doanh nghiệp.
Các tài sản công nói trên lâu nay doanh nghiệp nhà nước quản lý, nhưng không thuộc sở hữu của doanh nghiệp nên hiện nay thuộc về các bộ làm đại diện chủ sở hữu.
Theo Nghị định 32/2019/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách, có hiệu lực từ tháng 6/2019, vốn ngân sách không được giao cho doanh nghiệp.
Trong trường hợp này, các tài sản công nói trên đều có vốn ngân sách nhà nước chi cho việc duy tu, nâng cấp, bảo dưỡng.
Song đường đi của dòng tiền nay khác trước, vốn ngân sách được phân giao về các bộ, những bộ này sau đó thực hiện vai trò như các chủ đầu tư, sử dụng vốn theo cơ chế đặt hàng, đấu thầu, đấu giá công khai minh bạch tới các doanh nghiệp.
Như vậy, việc duy tu bảo trì đường sắt, Bộ Giao thông - Vận tải sẽ phải thực hiện theo cơ chế này.
Tổng công ty Đường sắt và 20 đơn vị thành viên đang thực hiện các dịch vụ bảo trì, duy tu đường sắt, muốn có dự án, có tiền buộc phải tham gia cuộc chơi, đấu giá, đấu thầu, cạnh tranh.
Vậy nút thắt ở đây là gì, tại sao Bộ Giao thông - Vận tải vẫn muốn giao thẳng cho Tổng công ty Đường sắt mà không trực tiếp đứng ra thực hiện phân bổ vốn theo cơ chế đấu thầu, đấu giá công khai, minh bạch?
Đại diện Bộ Tài chính, trong cuộc họp Thường trực Chính phủ nhằm gỡ khó cho Tổng công ty Đường sắt mới đây, đã gay gắt nói rằng, Bộ Giao thông - Vận tải đã không chủ động chuẩn bị để thích ứng với những thay đổi của Luật Ngân sách.
Dù Tổng công ty Đường sắt có về SMSC hay không, Bộ Giao thông - Vận tải vẫn phải thực hiện việc giao vốn theo quy định mới tại Nghị định 32/2019.
Tuy nhiên, cả Bộ Giao thông Vận tải và Tổng công ty Đường sắt lại muốn tiếp tục làm theo cách cũ. Tại cuộc làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và SMSC tuần trước, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Công cho biết, Bộ đã báo cáo Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền đề nghị tiếp tục giao cho Tổng công ty Đường sắt thực hiện đến năm 2025.
Để thực hiện được việc phân bổ vốn và các gói thầu nhịp nhàng, Bộ Giao thông - Vận tải phải chuẩn bị nhân lực, ban hành các quy trình, quy chuẩn, nắm lại nhiều phần việc mà lâu nay vốn được khoán thẳng cho Tổng công ty Đường sắt, chưa kể còn gắn với trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc sử dụng đồng tiền ngân sách hiệu quả.
Còn Tổng công ty nếu không được nhận thẳng ngân sách như trước kia, rất có thể 20 doanh nghiệp thành viên đang là các công ty cổ phần có thể nhận được dự án trực tiếp từ Bộ mà không phải qua Tổng công ty.
Vô hình trung, Tổng công ty Đường sắt mất quyền phân bổ tiền, phân bổ dự án. Vì vậy, làm theo cách cũ dường như là giải pháp thuận tiện nhất cho cả đôi bên.
20 công ty thành viên của Tổng công ty Đường sắt là các công ty cổ phần nên theo quy định của pháp luật phải tổ chức đấu thầu.
Còn ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, 20 công ty thành viên của Tổng công ty Đường sắt là các công ty cổ phần nên theo quy định của pháp luật phải tổ chức đấu thầu và khẳng định, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết 87 của Quốc hội và các quy định pháp luật khác đều đầy đủ để xử lý câu chuyện trên.
Câu chuyện của Tổng công ty Đường sắt không phải là cá biệt, nếu không được xử lý rốt ráo sẽ tiếp tục trở thành tiền lệ ở nhiều lĩnh vực khác.
Cũng theo lời Thứ trưởng Nguyễn Văn Công, trong số 5 doanh nghiệp ngành giao thông chuyển sang SMSC thì gặp khó khăn vướng mắc lớn nhất là đường sắt, hàng không và Tổng công ty Quản lý đường cao tốc (VEC).
Đây đều là những doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có liên quan đến tài sản công như đường sắt, sân bay, đường bộ…