Bùng nổ dịch vụ ngân hàng điện tử
Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân và trở thành 'cú hích' khiến dịch vụ ngân hàng điện tử bùng nổ. Năm 2021, các ngân hàng thương mại tiếp tục đầu tư để phát triển dịch vụ ngân hàng theo xu thế này.
Khách hàng giao dịch tại ngân hàng tự động (Live Bank) của Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong.
Thay đổi thói quen
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát trong năm 2020, chị Phùng Thanh Xuân (phố Trần Quang Diệu, quận Đống Đa) cũng như nhiều người khác đã chuyển sang thường xuyên sử dụng ngân hàng điện tử thay vì trực tiếp đến phòng giao dịch. Theo chị Xuân, dịch vụ ngân hàng điện tử tiện lợi, giao dịch mọi lúc, mọi nơi và quan trọng là hạn chế tiếp xúc, sử dụng tiền mặt, góp phần phòng dịch Covid-19.
Báo cáo của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) cho thấy, với 53% dân số tham gia mua bán trực tuyến, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam trong năm 2020 tăng trưởng 18%, đạt 11,8 tỷ USD. Còn tính từ năm 2015, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế internet ở Việt Nam đạt 36%.
Đi cùng với đó, dịch vụ ngân hàng điện tử như internet banking, mobile banking, QR code,... cũng phát triển mạnh mẽ. Chuyên gia tài chính, ngân hàng, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu phân tích, trong năm 2020 dịch Covid-19 đã thay đổi hành vi tiêu dùng của khách hàng. Trong bối cảnh đó, các ngân hàng ứng biến kịp thời bằng cách đẩy mạnh chuyển đổi số, đưa ra nhiều dịch vụ mới, tạo nên lợi thế cạnh tranh. Điển hình như dịch vụ thanh toán qua QR code là hình thức thanh toán đơn giản giúp đơn vị cung ứng hàng hóa không cần đầu tư nhiều cho cơ sở hạ tầng, có thể dễ dàng triển khai rộng, nhanh với chi phí thấp.
Theo Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) Phạm Tiến Dũng, đến cuối năm 2020, số lượng thanh toán qua điện thoại di động đạt hơn 918,8 triệu giao dịch với giá trị gần 9,6 triệu tỷ đồng, tăng 123,9% về số lượng và 125,4% về giá trị so với năm 2019. Số lượng lượt thanh toán qua internet đạt gần 374 triệu giao dịch, với giá trị hơn 22,2 triệu tỷ đồng, tăng 8,3% về số lượng và 25,5% về giá trị so với năm 2019.
Còn theo số liệu được Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) công bố, trong năm 2020, trung bình mỗi tháng công ty phục vụ 11,5 triệu chủ thẻ và 18 triệu chủ tài khoản tại hơn 50 ngân hàng thành viên. Các hoạt động thanh toán qua Napas đạt hơn 1,2 tỷ giao dịch, tương ứng 10 triệu tỷ đồng, tăng 75% về số lượng và 121% về giá trị so với năm 2019. Tỷ trọng giao dịch rút tiền mặt tại máy rút tiền tự động cũng giảm từ 42% năm 2019 xuống còn 26% năm 2020.
Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số
Một thực tế là với các ngân hàng thương mại, dịch Covid-19 đã đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn, vì nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã chuyển đổi hoàn toàn mô hình bán hàng sang trực tuyến hoặc đẩy mạnh kinh doanh trực tuyến song song với hình thức kinh doanh truyền thống.
Trưởng phòng Phát triển kênh kinh doanh thay thế, khối bán lẻ (Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam - VietinBank) Lê Anh Tuấn cho biết: Trên nền tảng công nghệ tiên tiến, VietinBank tiếp tục tiên phong cung cấp dịch vụ ngân hàng điện tử. Trong đó, VietinBank iPay Mobile có thể giúp khách hàng quản lý tài khoản thanh toán, tài khoản thẻ tín dụng, truy vấn số dư, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, gửi tiết kiệm, mua sắm trực tuyến…
Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) Nguyễn Hưng cho hay, đối với TP Bank, một trong các mục tiêu của việc tăng vốn năm 2021 là nhằm đa dạng hóa các loại hình dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số hóa. "Đầu tư cho công nghệ là một cuộc chơi tốn kém, song là đầu tư cho tương lai", ông Nguyễn Hưng nói.
Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank) Lê Thu Thủy cũng thông tin, SeABank tập trung tự động hóa vận hành hệ thống và đẩy mạnh các dịch vụ ngân hàng số, đặc biệt với việc ra mắt ứng dụng ngân hàng số SeAMobile - trợ lý tài chính cá nhân. Năm 2021, SeABank đặt mục tiêu số hóa quy trình, tiến tới áp dụng trí tuệ nhân tạo vào vận hành, bổ sung các tính năng hấp dẫn cho SeAMobile như phê duyệt tín dụng và các kênh đầu tư online, xây dựng tổng đài tự động chăm sóc khách hàng Callbot...
Theo Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng đều tích cực đầu tư đổi mới, phát triểndịch vụ bằng công nghệ số nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và đáp ứng nhu cầu khách hàng. Hiện, Việt Nam có 78 ngân hàng triển khai internet banking và 49 ngân hàng có ứng dụng mobile banking. Khoảng 30 ngân hàng và 6 tổ chức trung gian thanh toán triển khai dịch vụ QR code. Các chuyên gia cho rằng, năm 2021 sẽ tiếp tục là một năm bùng nổ của dịch vụ ngân hàng điện tử.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, năm 2021, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; triển khai các mô hình thanh toán tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa, gắn với triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia; thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực dịch vụ công; đi đôi với chú trọng bảo vệ người tiêu dùng trong giao dịch không dùng tiền mặt.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/tai-chinh/991843/bung-no-dich-vu-ngan-hang-dien-tu