Bùng nổ điện toán đám mây và AI: Việt Nam liệu đã sẵn sàng?

Sự bùng nổ của điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo (AI) đang tạo ra cơ hội lớn về tăng trưởng kinh tế, nhưng vẫn còn đó khoảng trống nhân lực số mà Việt Nam cần nhanh chóng lấp đầy.

Trong bối cảnh công nghệ số phát triển vượt bậc, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để bứt phá và khẳng định vị thế trên bản đồ công nghệ thế giới. Tuy nhiên, khoảng trống về nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành những thách thức đáng kể.

Việt Nam và thách thức về thu hẹp khoảng cách số

Điện toán đám mây và AI đang là xu hướng toàn cầu, đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đổi mới sáng tạo. Theo dự báo của McKinsey năm 2023, thị trường trung tâm dữ liệu toàn cầu sẽ tăng trưởng 10% mỗi năm đến năm 2030, với tổng chi tiêu đạt 49 tỷ USD.

Không chỉ điện toán đám mây, công nghệ AI, đặc biệt là Generative AI (AI tạo sinh) cũng tăng trưởng nóng. Hầu hết các công nghệ mất từ 2-4 năm để trở nên phổ biến. Thế nhưng Generative AI chỉ cần 12 tháng để làm được điều này.

Tại Việt Nam, một báo cáo được công bố hồi đầu năm 2024 cho thấy, quy mô thị trường dịch vụ điện toán đám mây sẽ đạt hơn 1,2 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng dự kiến 11-12% mỗi năm.

Bên trong phòng điều hành của một trung tâm dữ liệu đặt tại TP.HCM. Ảnh: Minh họa

Bên trong phòng điều hành của một trung tâm dữ liệu đặt tại TP.HCM. Ảnh: Minh họa

Mặc dù có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á và xếp thứ 3 châu Á trong năm 2023 (tăng 19%), quy mô thị trường điện toán đám mây Việt Nam vẫn chỉ bằng 1/15 so với Singapore và 1/5 so với Indonesia và Malaysia. Điều này cho thấy Việt Nam còn nhiều việc phải làm để bắt kịp các nước trong khu vực.

Một trong những khoảng cách số cần được rút ngắn là sự thiếu hụt về nhân lực có kỹ năng cao trong lĩnh vực điện toán đám mây và AI. Để lấp đầy khoảng trống nhân lực, Việt Nam cần tập trung vào việc nâng cao kỹ năng cho người lao động.

Trên thực tế, nhân lực số cũng là vấn đề chung của nhiều quốc gia châu Á. Theo ông Jeff Johnson, Tổng giám đốc Amazon Web Services (AWS) ASEAN, Generative AI có tiềm năng để thay đổi nhiều doanh nghiệp, khiến 10% các tổ chức, doanh nghiệp cam kết đầu tư.

Tuy nhiên, dù đặt mục tiêu nâng cao năng lực về AI, 70% các công ty trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết họ đang thiếu hụt những người lao động có trình độ ở mảng này.

Chuyên gia Jeff Johnson cho rằng AI tạo sinh sẽ có tác động đáng kể đối với lĩnh vực điện toán đám mây cũng như hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp. Ảnh: Nguyễn Nguyễn

Chuyên gia Jeff Johnson cho rằng AI tạo sinh sẽ có tác động đáng kể đối với lĩnh vực điện toán đám mây cũng như hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp. Ảnh: Nguyễn Nguyễn

Chia sẻ với VietNamNet, ông Emmanuel Pillai, Giám đốc Đào tạo & Chứng chỉ khu vực ASEAN của AWS cho biết: "Hiện có một khoảng trống lớn đối với lực lượng lao động có kỹ năng về điện toán đám mây và AI tại Việt Nam. Điều mà Việt Nam cần làm là nâng tầm kỹ năng cho người lao động, phối hợp với chủ sử dụng lao động ở cả khu vực công và tư nhân để nâng cao các kỹ năng số".

Đóng góp thêm góc nhìn, Nguyễn Huy Đình, kỹ sư dữ liệu đám mây tại một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, mức lương của kỹ sư điện toán đám mây tại Việt Nam hiện thấp hơn 10-20% so với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á. Nguyên nhân chủ yếu do sự chênh lệch về mức sống giữa các quốc gia.

Tuy nhiên, khi được đề nghị chia sẻ thêm, chuyên gia này cho rằng: "Kỹ năng tự học, cởi mở và thích ứng nhanh với công việc mới là yếu tố quan trọng giúp kỹ sư Việt Nam cạnh tranh trên thị trường quốc tế".

Phát triển nhân tài số để định hình tương lai số Việt Nam

Khoảng trống nhân lực trong lĩnh vực điện toán đám mây và AI là thách thức lớn, nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam định hình tương lai số của chính mình.

Tại sự kiện AWS Cloud Day Vietnam tổ chức ngày 18/9, ông Hồ Đức Thắng, Quyền Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia (Bộ TT&TT) cho hay, chuyển đổi số đang định hình lại thế giới. Các chính phủ, doanh nghiệp và cả xã hội ngày càng phụ thuộc vào công nghệ đám mây và cơ sở hạ tầng dữ liệu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tối ưu hóa dịch vụ và đổi mới sáng tạo.

Ông Hồ Đức Thắng, Quyền Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia. Ảnh: Nguyễn Nguyễn

Ông Hồ Đức Thắng, Quyền Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia. Ảnh: Nguyễn Nguyễn

Cục Chuyển đổi số Quốc gia coi điện toán đám mây và AI là yếu tố thiết yếu trong sứ mệnh của mình. Bằng cách áp dụng điện toán đám mây và AI, Việt Nam đang nâng cao năng lực của các cơ quan nhà nước để quản lý và sử dụng dữ liệu hiệu quả hơn, đẩy nhanh hành trình hướng tới tương lai số của Việt Nam

Theo Quyền Cục trưởng Hồ Đức Thắng, điện toán đám mây hiện đóng vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi số, cung cấp các hệ thống có khả năng mở rộng, thích ứng và hiệu quả hơn. Bằng cách áp dụng các giải pháp đám mây, các tổ chức có thể đổi mới nhanh hơn và phản ứng nhanh với các nhu cầu của thị trường.

Trí tuệ nhân tạo (AI) cũng đóng vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi số. Ngoài việc tự động hóa các quy trình và nâng cao hiệu quả hoạt động, AI còn có tiềm năng cách mạng hóa các dịch vụ công và tối ưu hóa các chức năng của chính phủ.

Trên thực tế, Việt Nam đã bắt đầu tích hợp AI vào khu vực công, ứng dụng trong thành phố thông minh và cung cấp trợ lý ảo cho công chức và người dân.

Quyền Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia nhấn mạnh, không chỉ dừng ở việc áp dụng các công nghệ, Việt Nam đang ưu tiên phát triển kỹ năng số và kỹ năng AI cho lực lượng lao động.

Các nhân tài số sẽ đảm bảo những công nghệ như AI và Generative AI thúc đẩy sự sáng tạo, hiệu quả và tăng tính bền vững cho nền kinh tế Việt Nam.

Trọng Đạt

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bung-no-dien-toan-dam-may-va-ai-viet-nam-lieu-da-san-sang-2323574.html