Fed hạ lãi suất có thể tác động mạnh đến bất động sản và tài chính châu Á

Lĩnh vực bất động sản tại châu Á đã trải qua quá nhiều khó khăn trong những năm gần đây, việc Fed hạ lãi suất được cho rằng sẽ mang đến cú huých quan trọng giúp phục hồi.

Lần gần nhất Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất là vào tháng 3-2020, đó là khi thế giới bắt đầu đương đầu với dịch COVID-19 lây lan mạnh gây ra nhiều hậu quả tệ hại trên toàn cầu. Tại tọa đàm trực tuyến được VTVMoney tổ chức ngày hôm 19-9, các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến về việc hạ lãi suất này sẽ tác động như thế nào đến kinh tế, tài chính và bất động sản châu Á.

 Việc dòng vốn ngoại trở lại châu Á có thể khác nhau theo từng nước tùy thuộc vào phản ứng chính sách tiền tệ của mỗi nước - Ảnh: AP

Việc dòng vốn ngoại trở lại châu Á có thể khác nhau theo từng nước tùy thuộc vào phản ứng chính sách tiền tệ của mỗi nước - Ảnh: AP

Ngày 18-9, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ sau 4 năm. Theo đó, lãi suất tham chiếu của Mỹ giảm 50 điểm cơ bản (0,5%), về 4,75-5%. Fed giảm lãi suất 50 điểm cơ bản (0,5%), đây là quyết định hạ lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2020.

Ông Hồ Quốc Tuấn, giảng viên cao cấp chuyên ngành Tài chính - Kế toán, Đại học Bristol, Anh cho rằng những ngành hưởng lợi lớn bao gồm nhóm ngành vay nợ lớn và có thể bị ảnh hưởng xấu bởi suy thoái kinh tế. Fed cắt giảm lãi suất dần dần sẽ tác động đến lãi suất cho vay, đặc biệt với các doanh nghiệp cần tái tục các khoản vay, mức lãi suất họ phải trả sẽ thấp hơn.

Lý do Fed cắt giảm lãi suất là bởi một số lĩnh vực trong nền kinh tế Mỹ đã bắt đầu yếu đi trong vài tháng gần đây, ví dụ như chi tiêu cho hàng xa xỉ hay một số loại mặt hàng thể thao cao cấp như Nike.

Tại khu vực châu Á, thị trường bất động sản nhiều nước trong đó có Trung Quốc cũng sẽ được hỗ trợ bởi khi mà lãi suất cơ bản tại Mỹ giảm xuống thì Mỹ có dư địa để cắt giảm lãi suất, điều này sẽ giúp hỗ trợ cho thị trường bất động sản. Nhìn chung những ngành thuận chu kỳ, tức là lãi suất được điều chỉnh giảm sẽ hưởng lợi từ đợt cắt giảm lãi suất này.

Nhận định về tác động của đợt cắt giảm lãi suất này lên kinh tế châu Á, ông Krishna Srivinasan, giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nói: “Fed sẽ tiếp tục hạ lãi suất trong những tháng tới, điều này cũng đồng nghĩa dòng vốn sẽ tiếp tục chảy từ Mỹ vào các nền kinh tế mới nổi khác trong đó có các nền kinh tế khu vực châu Á. Vì các nhà đầu tư luôn tìm kiếm các thị trường có thể mang lại cho họ nhiều lợi nhuận hơn”.

Tuy nhiên cũng phải tính đến một xu thế khác là nhiều ngân hàng trung ương của châu Á có thể tiếp bước Fed hạ lãi suất vì lạm phát tại các nền kinh tế châu Á cũng đã giảm xuống mức mong muốn.

Chính vì vậy việc dòng vốn từ phương Tây vào châu Á diễn biến như thế nào sẽ tùy thuộc vào việc các ngân hàng trung ương tại châu Á phản ứng ra sao. Dòng vốn tìm kiếm lợi nhuận có thể phân bố không đồng đều giữa các quốc gia châu Á. Chuyên gia IMF khuyến nghị các nước châu Á cần có những cân nhắc riêng về tình hình nội tại của nước mình và không nên hành động rập khuôn theo Fed.

Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, chuyên gia kinh tế Hoàng Tùng khẳng định Ngân hàng Nhà nước đã rất thành công trong quản lý chính sách tiền tệ và tỷ giá cũng như ổn định kinh tế vĩ mô.

Thực tế phản ứng gần đây của giới đầu tư cho thấy họ đang trở lại châu Á. Những phiên gần đây, nhà đầu tư chứng khoán liên tục mua ròng trên thị trường chứng khoán châu Á như Indonesia, Thái Lan, Philippines, Singapore. Việt Nam cũng đang chứng kiến những hoạt động mua ròng mạnh hơn trong những tuần gần nhất.

Cũng theo ông Hoàng Tùng, trong thời gian qua, vấn đề tỷ giá đã có lúc trở nên rất căng thẳng và vì vậy tác động ngược lại kéo thị trường chứng khoán suy giảm. Giờ đây khi vấn đề này được giải quyết, thị trường nhờ vậy cũng hưởng lợi.

Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, trả lời PLO, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Nghiên cứu và Phân tích khối khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta cho rằng trong nền kinh tế nói chung, nhóm các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ hưởng lợi, họ sẽ cảm thấy dễ thở hơn khi mà trong 6 tháng đầu năm áp lực tỷ giá cao trong khi họ có nhiều nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu phục vụ cho sản xuất. Với bối cảnh tỷ giá hạ nhiệt, các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ tăng cường mua thêm hàng hóa để thực hiện sản xuất.

Nhóm doanh nghiệp xuất khẩu sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực hơn một chút. Tuy nhiên nếu nhìn từ câu chuyện dài hơi hơn, đó là khi mà Fed kích thích nền kinh tế, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng mạnh trở lại như vậy các doanh nghiệp xuất khẩu vừa có thêm đơn hàng mà giá bán hàng hóa lại tăng cao hơn.

Trong 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp xuất khẩu đương đầu với vấn đề là đơn hàng tăng nhưng giá bán hàng hóa lại không cao, như vậy từ cuối quý III sang cả quý IV, giá bán hàng hóa xuất khẩu có thể sẽ phục hồi. Từ đó giúp cho doanh nghiệp xuất khẩu bù trừ ảnh hưởng từ tỷ giá.

NGỌC DIỆP

Nguồn PLO: https://plo.vn/fed-ha-lai-suat-co-the-tac-dong-manh-den-bat-dong-san-va-tai-chinh-chau-a-post810899.html