'Bùng nổ' giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại
Những năm gần đây, khi xảy ra tranh chấp hợp đồng thương mại, nhiều doanh nghiệp thay vì chọn ra tòa án với thủ tục phức tạp, đã lựa chọn trọng tài thương mại để giải quyết.
Một buổi giải quyết tranh chấp doanh nghiệp tại Trung tâm Trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam
Xu hướng mới
Trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia châu Âu và châu Mỹ, thiết chế trọng tài đã được hình thành từ rất lâu và giữ một vị thế hết sức quan trọng trong hệ thống tài phán của các quốc gia này. Có thể kể đến những tổ chức trọng tài truyền thống như tòa án trọng tài quốc tế của Phòng Thương mại và Công nghiệp quốc tế (ICC) của châu Âu, hoặc đặc thù như Viện Trọng tài bên cạnh Phòng Thương mại quốc tế Stockhom (Thụy Điển).
Hoạt động xét xử của trọng tài liên tục, do đó tiết kiệm thời gian, chi phí và tiền bạc cho doanh nghiệp, trong khi giải quyết tranh chấp bằng tòa án thường rất khó đạt được điều này, bởi tòa án phải giải quyết nhiều tranh chấp cùng một lúc, do đó tình trạng án tồn đọng là điều không thể tránh khỏi. Thực tiễn cho thấy, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài chỉ tối đa là 6 tháng, trong khi giải quyết tại tòa án có trường hợp kéo dài mấy năm.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch VLCAC
Bên cạnh sự phát triển của các tổ chức trọng tài quốc gia ở các khu vực lớn, trong những năm gần đây, các tổ chức này đang ngày càng phát triển mạnh mẽ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Khoảng 40 năm trở lại đây, các quốc gia có nền kinh tế thị trường năng động trong khu vực này đã tổ chức lại các trung tâm trọng tài quốc gia hoặc thành lập các tổ chức trọng tài mới như Hiệp hội Trọng tài Nhật Bản (Tokyo, Osaka, Koby…). Tại các nước gần Việt Nam, các tổ chức trọng tài liên tiếp ra đời như Trung tâm trọng tài Kuala Lumpur (1967), Trung tâm trọng tài quốc tế Hồng Kông (1987), Trọng tài thuộc Phòng thương mại Thái Lan (1990), Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore (1991).
Trước sự phát triển mạnh mẽ của thương mại thế giới, nhất là việc tăng cường mậu dịch quốc tế, trọng tài đã trở thành một phương tiện được áp dụng rộng rãi để giải quyết các tranh chấp thương mại, dẫn tới việc hình thành những tổ chức trọng tài quốc tế. Cùng với đó là sự hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật quốc tế và ở mỗi quốc gia nhằm điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp thương mại bằng hình thức trọng tài.
Tại Việt Nam, hiện đã có 22 trung tâm trọng tài, chủ yếu ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM như: Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC); Trung tâm Trọng tài thương mại quốc tế Á Châu (ACIAC); Trung tâm Trọng tài thương mại Hà Nội (HCAC); Trung tâm Trọng tài thương mại TP.HCM (TRACENT); Trung tâm Trọng tài thương mại Cần Thơ; Trung tâm Trọng tài quốc tế Thái Bình Dương (PIAC); Trung tâm Trọng tài Viễn Đông; Trung tâm Trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam (VLCAC)….
Theo thống kê của Sở Tư pháp TP.HCM, từ năm 2016 đến nay, các trung tâm trọng tài thương mại trên địa bàn Thành phố đã tiếp nhận và giải quyết hơn 11.150 vụ việc. Con số đó cho thấy, hình thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại đang ngày càng thể hiện được sự ưu việt và sẽ là sự lựa chọn hàng đầu của các doanh nghiệp.
Chọn trọng tài thương mại “lợi hại” hơn ra tòa
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch VLCAC, trong năm 2020, VLCAC đã tiếp nhận và giải quyết 5 vụ việc tranh chấp của các doanh nghiệp. So với các vụ doanh nghiệp tranh chấp đưa nhau ra tòa thì con số trên còn rất nhỏ, nhưng thực tế xử lý vụ việc cho thấy, lựa chọn trọng tài thương mại "lợi hại" hơn ra tòa án.
Minh chứng điển hình nhất, trong 5 vụ xử lý, có 2 vụ là các doanh nghiệp ngành xây dựng đề nghị VLCAC giải quyết tranh chấp liên quan đến tiến độ thực hiện dự án. Trước khi tham gia tố tụng trọng tài tại VLCAC, các doanh nghiệp nói trên đã không tìm được tiếng nói chung và đều có mong muốn chấm dứt thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, các trọng tài viên thuộc Hội đồng trọng tài giải quyết vụ việc đã hòa giải thành cho các bên và kết quả là các bên đã ký phụ lục để tiếp tục thực hiện hợp đồng.
“Tôi thấy rằng, việc hòa giải thành nêu trên rất khó được thực hiện tại tòa án, mà điều quan trọng nhất là các doanh nghiệp vẫn giữ được mối quan hệ hữu hảo hợp tác làm ăn với nhau”, một doanh nghiệp cho biết.
Phân tích của các luật sư kiêm trọng tài viên tại VLCAC, phương thức giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài mang tính chất ưu việt hơn việc kéo nhau ra tòa án, mà lại phù hợp với hoạt động thương mại. Quyết định của trọng tài là chung thẩm và vì vậy có giá trị bắt buộc đối với các bên, vấn đề này được quy định cụ thể tại Luật Trọng tài thương mại năm 2010. Việc xét xử tại trọng tài chỉ diễn ra ở một cấp xét xử, đó cũng chính là điều khác biệt cơ bản so với việc xét xử tại tòa án, bởi thông thường xét xử tại tòa án diễn ra ở hai cấp.
Mặt khác, hoạt động của trọng tài diễn ra liên tục vì Hội đồng trọng tài xét xử vụ kiện là do các bên thỏa thuận lựa chọn, hoặc được chỉ định để giải quyết vụ kiện, do đó các trọng tài viên là người theo vụ kiện từ đầu đến cuối, vì vậy, họ có điều kiện để nắm bắt và tìm hiểu thấu đáo các tình tiết của vụ việc. Tùy thuộc vào lựa chọn của các bên có thể dùng hình thức trọng tài vụ việc hay là giải quyết tranh chấp tại Trung tâm trọng tài. Chính điều này có lợi ngay cả khi các bên muốn hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán, trọng tài có thể hỗ trợ các bên đạt tới thỏa thuận, điều mà ít khi xảy ra ở tòa án.
Hơn thế nữa, việc xét xử và nội dung tranh chấp được giữ bí mật, phán quyết của trọng tài không được công bố rộng rãi. Đây là một ưu điểm quan trọng, bởi các doanh nghiệp không muốn các bí quyết kinh doanh (nhất là trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, công nghệ cao) của vụ tranh chấp thương mại bị đem ra công khai trước tòa án, điều mà các doanh nghiệp luôn coi là tối kỵ trong hoạt động kinh doanh của mình. Điều này cũng sẽ tránh cho các bên nguy cơ làm tổn thương đến mối quan hệ hợp tác làm ăn vốn có, trong khi việc xét xử công khai tại tòa án thường dễ làm cho các bên rơivào thế đối đầu nhau với kết cục là một bên được thừa nhận như người chiến thắng, còn bên kia thấy mình là kẻ thua cuộc.
Chưa hết, khi giải quyết tranh chấp, trọng tài cho phép các bên được sử dụng kinh nghiệm của các chuyên gia và điều này được thể hiện ở quyền lựa chọn trọng tài viên của các bên. Các bên có thể lựa chọn một Hội đồng trọng tài dựa trên trình độ, năng lực, sự hiểu biết vững vàng của họ về pháp luật thương mại quốc tế, về các lĩnh vực chuyên biệt như xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ, sở hữu trí tuệ, chứng khoán…
Quan trọng là, phạm vi phán quyết của trọng tài rộng hơn rất nhiều so với quyết định của tòa án. Hiện chưa có công ước đa quốc gia về công nhận phán quyết của tòa án, nhưng trọng tài đã có Công ước New York năm 1958, đến nay có 149 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam là thành viên. Một khi tham gia vào công ước này, phán quyết của trọng tài các nước thành viên có thể được công nhận tại nước khác.
“Lỗ hổng” của doanh nghiệp Việt nhìn từ trọng tài thương mại
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, các lĩnh vực dễ phát sinh tranh chấp là thương mại hàng hóa quốc tế và lĩnh vực xây dựng. Tranh chấp chủ yếu về phạt vi phạm hợp đồng, thời gian thanh toán tiền, quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng…
Tồn tại thực trạng nêu trên là do khi thực hiện đàm phán và ký hợp đồng với đối tác, các doanh nghiệp chỉ thực hiện hình thức, tin tưởng quá nhiều vào đối tác. Chính điều này đã để lại hậu quả không nhỏ cho doanh nghiệp khi ký kết và thực hiện hợp đồng. Nguyên nhân do doanh nghiệp chưa am hiểu pháp luật và thông lệ quốc tế, cộng thêm cắt giảm chi phí thuê luật sư…
Đặc biệt, luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng, bộ phận pháp chế của nhiều doanh nghiệp Việt chưa phát huy được vai trò trong việc đánh giá và ngăn ngừa các rủi ro cho đơn vị mình. Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài thường có một đội ngũ chuyên viên, luật sư giỏi để rà soát và kiểm soát các giao dịch của công ty.
“Việc xây dựng hợp đồng một cách rõ ràng, rành mạch sẽ là “tấm áo giáp” để bảo vệ doanh nghiệp trước các tranh chấp phát sinh, đồng thời cũng là cơ sở để ràng buộc quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng. Để làm được điều này, trước hết doanh nghiệp cần đầu tư xây dựng bộ máy pháp chế nội bộ vững mạnh. Bên cạnh đó, khi đàm phán, ký kết các hợp đồng có giá trị lớn hoặc các hợp đồng với doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp Việt nên tham vấn ý kiến của các luật sư hoặc trực tiếp thuê luật sư để tham gia đàm phán, ký kết hợp đồng”, ông Hậu khuyến cáo.