Bùng nổ livestream bán hàng mùa tết, nhiều phiên bạc tỉ
Hoạt động bán hàng trực tuyến, nhất là bán hàng qua livestream đang tiếp tục tăng trưởng ấn tượng trong mùa mua sắm cuối năm.
Trước áp lực về doanh số mùa cuối năm, các doanh nghiệp từ sản xuất đến phân phối đang nỗ lực đẩy mạnh bán hàng trực tuyến, đặc biệt là bán hàng qua livestream. Điều này được kỳ vọng giúp làm tăng điểm chạm giữa thương hiệu với người tiêu dùng, vừa thúc đẩy doanh số mùa cuối năm.
Đua nhau livestream
Ông Trần Lâm, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Natural House, đơn vị chuyên sản xuất các sản phẩm tinh dầu và chất tẩy rửa thiên nhiên cho biết, mỗi ngày đơn vị thực hiện đều đặn 2 phiên livestream, mỗi phiên 4 tiếng và nhiều phiên megalive (những phiên livestream có sự đầu tư quy mô lớn) khác, trên các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) để vừa bán hàng, vừa tương tác cùng khách.
"Kênh bán hàng livestream đang chiếm 20% trong cơ cấu doanh thu của doanh nghiệp" - ông Lâm nói.
Cũng theo ông Lâm, với dịp cuối năm này, đơn vị của ông đã chủ động kết hợp cùng với các thương hiệu khác trong lĩnh vực gia dụng, tiêu dùng để cùng phát triển chuỗi các video ngắn với chủ đề dọn nhà đón tết. Mỗi video này sẽ được gắn sản phẩm đi kèm, nhằm tăng tương tác và tiềm năng mua hàng của người tiêu dùng.
"Song song với đó, chúng tôi tích cực livestream, bán hàng trực tuyến để tăng doanh thu và đầu ra cho doanh nghiệp mùa tết" - ông Lâm chia sẻ.
Tương tự, ông Lê Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm và thương mại Lê Gia cho hay, dù kênh bán lẻ trực tiếp vẫn đang chiếm tỉ trọng chính trong doanh thu công ty nhưng đơn vị quyết không bỏ rơi kênh bán hàng trực tuyến, nhất là bán hàng qua livestream. Bởi doanh thu từ kênh bán hàng này đang giúp công ty "tích tiểu thành đại", nhất là trong bối cảnh mua sắm trực tuyến trở nên phổ biến và người tiêu dùng vẫn thắt chặt chi tiêu.
Ngay cả ông lớn trong ngành tiêu dùng như Tập đoàn Kido, sở hữu 450.000 điểm bán trên toàn quốc, cùng hệ thống kênh B2B phong phú nhưng ông Bùi Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Kido cho biết: Nhiều năm qua đơn vị này vẫn chọn đẩy mạnh hoạt động quảng bá và bán hàng trên các kênh thương mại điện tử Shopee và Lazada, đặc biệt là chuỗi livestream khai mở Tết trên Tiktok Shop.
Chưa kể, từ cuối năm 2023 tới nay, Kido còn bắt tay cùng TikTok để phát triển Kênh giải trí và mua sắm E2E, tạo thêm đầu ra cho các sản phẩm của tập đoàn cũng như sản phẩm của các doanh nghiệp khác thuộc hệ sinh thái của Kido.
Theo ông Tùng, sự lên ngôi mạnh mẽ của hình thức mua sắm kết hợp giải trí (Shoppertainment) đặc biệt trên TikTokShop, đã và đang thay đổi cách người tiêu dùng tiếp cận việc mua sắm trong dịp Tết.
"Chưa kể, với dịp cuối năm, các phiên livestream hoặc những phiên livestream có sự đầu tư quy mô lớn sẽ mang đến nhiều voucher hấp dẫn từ sàn, nhãn hàng. Điều này sẽ thúc đẩy người tiêu dùng trở nên phấn khích và sẵn sàng chốt đơn" - ông Tùng kỳ vọng.
Dữ liệu cũng cho hay, người Việt dành 13 giờ/tuần để xem livestream bán hàng, tỉ lệ "rút hầu bao" mua hàng online thậm chí còn đứng thứ 11 thế giới
Người Việt dành 13 giờ/tuần để xem livestream bán hàng
Đánh giá từ nền tảng AccessTrade Việt Nam cho thấy, việc mua sắm trực tiếp qua livestream có tiềm năng thúc đẩy tới 20% tổng doanh số bán hàng TMĐT vào đầu năm 2026. Trong đó, 3 nền tảng livestream bán hàng phổ biến nhất tại Việt Nam là Facebook (31,9%), Shopee (30,9%) và TikTok (17,2%).
Cũng theo nền tảng này, bình quân mỗi tháng đang có 2,5 triệu phiên bán hàng livestream với sự tham gia của hơn 50 nghìn nhà bán. Dữ liệu cũng cho hay, người Việt dành 13 giờ/tuần để xem livestream bán hàng, tỉ lệ "rút hầu bao" mua hàng online thậm chí còn đứng thứ 11 thế giới.
Xét vào thực tế, cơn sốt mua và bán hàng livestream chưa có dấu hiệu giảm nhiệt nhất là dịp lễ tết cuối năm. Người tiêu dùng vẫn nhớ những phiên livestream "bạc tỉ" của Võ Hà Linh, Quyền Leo Daily, Phạm Thoại hay Hằng Du Mục...
Đơn cử, vào dịp ngày hội mua sắm 12-12 vừa qua, Võ Hà Linh - một KOL nổi tiếng trong giới livestream đã gây bất ngờ khi được ekip thông báo "về số" hết hàng (đạt doanh thu đề ra) khi chỉ mới livestream 40 phút đầu và còn hàng ngàn deal (giảm giá) chưa kịp giới thiệu.
Trong phiên livestream, Võ Hà Linh cũng tự nhận đây là kỷ lục bán hàng của mình. Đồng thời nhanh chóng thông báo việc tắt livestream sớm để khách có thể sang săn deal bên các phiên livestream khác, và giảm tỉ lệ hủy đơn của khách hàng khi đã hết voucher.
Cuộc chơi này cũng được các sàn TMĐT đẩy mạnh khi Shopee, Lazada, TikTok Shop... mạnh tay "đổ tiền" vào mô hình mua sắm kết hợp giải trí, thông qua việc tung mã giảm giá, thưởng nóng tiền khi tham gia các trò chơi và các phiên livestream trên sàn.
Theo thống kê của Shopee, chỉ với ngày hội siêu giảm giá ngày đôi 12-12, đơn vị này ghi nhận số lượng đơn hàng bán ra của các nhà bán, thương hiệu đã tăng 12 lần so với ngày thường. Trong đó có hơn 24 triệu sản phẩm được bán ra tại khu vực ngoại ô thị cho thấy sức nóng TMĐT đã không còn bị giới hạn trong khu vực nào.
Đáng chú ý, theo ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam, số sản phẩm bán ra qua Shopee Live và Shopee Video trong ngày 12-12 tăng gấp 9 lần so với trung bình ngày thường.
"Điều này cho thấy xu hướng mua sắm kết hợp giải trí của người dùng ngày càng tăng trong dịp cuối năm" - ông Trần Tuấn Anh nói.
Bà Sammy Thủy Phạm, Giám đốc điều hành Veena Media, đơn vị truyền thông quảng cáo cho rằng, hình thức livestream tại Việt Nam đang ngày càng cho thấy tiềm năng phát triển, và có thể trở thành động lực mới trong chiến lược phát triển của TMĐT ở tương lai gần.
Bà Thủy nhận định, nếu doanh nghiệp thực sự nghiêm túc đầu tư vào công nghệ, sáng tạo nội dung, xây dựng cộng đồng khách hàng trung thành thì các chiến dịch livestream sẽ được tối ưu hơn nhiều.
Để có phiên livestream hiệu quả trong mùa cao điểm cuối năm, cũng như đón mùa mua sắm Tết 2025, các nhà kinh doanh cần chú ý hai điểm:
Thứ nhất, phải chuẩn bị kế hoạch hàng hóa và chương trình khuyến mãi phù hợp. Cần có sản phẩm "phễu", giá tốt nhất để thu hút khách hàng, sau đó là sản phẩm bán có lợi nhuận chủ chốt và các gói combo.
Thứ hai, bán hàng livestream cũng cần đa kênh, cùng một phiên live, có thể tiếp cận khách hàng ở 3 kênh khác nhau ví dụ như: Shopee, TikTokShop và Facebook... Từ đó có thể tối đa hóa doanh thu và lợi nhuận.
Đi kèm với việc chuẩn bị sản phẩm, nhân sự thì nội dung buổi livestream cũng cần sự sáng tạo, các khung cảnh trang trí phải mang sắc thái tươi vui ngày Tết. Có như thế mới giúp nhà bán hàng dễ thu hút sự chú ý của khách hàng hơn.
Ông Nguyễn Mạnh Tấn, Phó trưởng ban Truyền thông Hiệp hội TMĐT Việt Nam
Nguồn PLO: https://plo.vn/bung-no-livestream-ban-hang-mua-tet-nhieu-phien-bac-ti-post826423.html