Bùng nổ quảng cáo số, doanh nghiệp Việt không thể 'chậm chân'

Trước áp lực cạnh tranh toàn cầu, việc đa dạng hóa sản phẩm là điều không thể thiếu, trong khi các nhà quảng cáo cần nắm bắt cơ hội hợp tác với nền tảng mạng xã hội mới. Với tiềm năng xuất khẩu lớn qua thương mại điện tử xuyên biên giới, Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng, nhưng liệu các doanh nghiệp có đủ nhanh nhạy để không bị bỏ lại phía sau?

Thời gian gần đây hàng loạt nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội đã có những động thái thay đổi để cạnh tranh và đáp ứng tối đa người dùng - doanh nghiệp trong nước, giúp tiếp cận tối đa nhất tới thị trường quốc tế.

Sức mạnh mới đẩy doanh nghiệp vượt biên giới

Snap vừa ra mắt Snapchat for Business tại Việt Nam, mang đến cơ hội quảng cáo cho doanh nghiệp tiếp cận những nhóm người dùng khó chinh phục nhưng có mức độ tương tác cao. Cùng lúc, YouTube Shopping chính thức kết hợp với Shopee, cho phép gắn link sản phẩm để kiếm hoa hồng. Đây là xu thế mới giúp nhà bán hàng và sáng tạo nội dung mở rộng thị trường, tăng nguồn thu.

Theo các chuyên gia, nhờ sự đa dạng và tiện ích của các nền tảng mạng xã hội, thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ là một xu hướng tất yếu.

Theo các chuyên gia, nhờ sự đa dạng và tiện ích của các nền tảng mạng xã hội, thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ là một xu hướng tất yếu.

Theo KOL Nguyễn Quyết, sự kết hợp giữa YouTube và Shopee sẽ giúp tăng sức cạnh tranh và kéo thêm người dùng. “Dự báo đây là xu thế sẽ được các nền tảng mạng xã hội triển khai rộng rãi trên toàn cầu để tiếp cận người xem và nhà bán hàng tốt hơn" - ông Quyết nhìn nhận, đồng thời cho rằng đây sẽ là cơ hội để nhà sáng tạo nội dung và người bán hàng có thêm địa điểm hoạt động, tăng nguồn thu và không bị phụ thuộc vào một nền tảng duy nhất.

Ông Phan Văn Hiệu - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dược Mỹ phẩm CVI (CVI Pharma) – một đơn vị trực tiếp tham gia bán hàng và quảng bá sản phẩm trên mô hình thương mại điện tử toàn cầu, chia sẻ: “Chúng tôi kinh doanh trên Amazon tròn 1 năm và đến nay đã có lượng đơn hàng mua đã đạt đến con số chục nghìn, doanh thu hằng tháng khoảng hơn 20.000 đô la Mỹ và đang tăng trưởng nhanh”.

Theo ông Hiệu, sẽ không có chuyện khách hàng dễ dàng chấp nhận sản phẩm ngay qua quảng cáo mà cần cả một quá trình giới thiệu, sử dụng và tin tưởng để nhận về đánh giá tin cậy từ người dùng. Những đánh giá này vừa là thử thách nhưng cũng sẽ là lời khẳng định giúp những nhãn hàng hoặc sản phẩm có chất lượng có được vị trí của mình.

GS.TS Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhận định, vấn đề cốt lõi của thương mại điện tử xuyên biên giới chính là sử dụng, ứng dụng công nghệ số để truy xuất được sản phẩm tử vùng trồng, từ nơi sản xuất liên quan đến vấn đề môi trường, giảm phát thải carbon cũng như hệ thống dịch vụ logistics.

Gần đây, Báo cáo của Access Partnership, cho thấy giá trị xuất khẩu TMĐT B2C tại Việt Nam năm 2023 đạt 86 nghìn tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ đóng góp 26%. Đáng chú ý, 93% các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ được khảo sát cho rằng họ không thể xuất khẩu nếu không có TMĐT.

Đại diện Amazon cũng từng nhấn mạnh các xu hướng phát triển của thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam. Theo đó, trong 5 năm qua, hàng nghìn doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu và mở rộng hoạt động kinh doanh toàn cầu với Amazon. Thông qua nền tảng của Amazon, hàng hóa Việt Nam có cơ hội tiếp cận trực tuyến với hơn 2 tỷ người mỗi năm ở các thị trường khu vực Bắc Mỹ, châu Âu và rất nhiều quốc gia khác như Úc, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ... Các doanh nghiệp không chỉ bán sản phẩm, mà còn tập trung xây dựng thương hiệu và củng cố sự hiện diện của mình trên trường quốc tế.

Cơ hội cho doanh nghiệp Việt vươn tầm

Chia sẻ với VnBusiness, ông Ajit Mohan, Chủ tịch Snap Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, đánh giá, thương mại điện tử đã và đang phát triển rất mạnh tại Việt Nam. Tuy nhiên, để vươn ra thế giới, hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam cần ưu tiên chiến lược tăng trưởng bền vững và phát triển thương hiệu ngay từ những giai đoạn đầu của quá trình hội nhập quốc tế.

Ông Ajit Mohan chỉ rõ, trước đây, các lĩnh vực thương mại xuyên biên giới thường tập trung vào các danh mục sản phẩm theo mùa hoặc những dòng sản phẩm độc đáo, thuộc ngành ngách. Nhưng ngày nay, nhu cầu đa dạng hóa sản phẩm ngày càng trở nên cấp thiết, và các doanh nghiệp xuất khẩu hiện đối mặt với nhiều thách thức hơn trong việc khám phá và chinh phục khách hàng quốc tế thông qua các kênh mới.

Như ở Trung Quốc - một thị trường có khá nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, đã có hàng ngàn thương hiệu và công ty xuất khẩu có tăng trưởng mạnh nhờ ứng dụng nền tảng bán hàng Snapchat. Tất nhiên, từ kinh nghiệm của các doanh nghiệp Việt, cho thấy quá trình kinh doanh trên sàn thương mại điện tử nói chung hay tại một sàn thương mại điện tử quy mô rất lớn như Amazon đòi hỏi rất nhiều yếu tố mà doanh nghiệp phải đáp ứng.

"Do đó, trong bối cảnh trên, các nhà quảng cáo và doanh nghiệp của Việt Nam không nên bỏ lỡ cơ hội hợp tác với các nền tảng mạng xã hội mới nhất để tìm kiếm, tiếp cận và mở rộng các đối tượng khách hàng quốc tế mà không thể tìm thấy trên những nền tảng khác trước đó", ông Ajit Mohan nhấn mạnh.

Thực tế, Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 cũng nhấn mạnh định hướng hỗ trợ phát triển TMĐT xuyên biên giới tại Việt Nam. Những tín hiệu tích cực này cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đang ở vị thế tốt để nắm bắt cơ hội xuất khẩu qua TMĐT, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế số quốc gia.

Bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, thương mại điện tử xuyên biên giới chiếm đến khoảng 20-22% giá trị của thương mại điện tử toàn cầu, tốc độ tăng trưởng ước tính gấp 2,3 lần thương mại điện tử. “Việt Nam là nền kinh tế xuất khẩu, với các mặt hàng thế mạnh dệt may, da giày, gạo, nông sản… Theo đó, dư địa, tiềm năng xuất khẩu qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới là còn rất lớn” - bà Lại Việt Anh cho hay.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, xuất khẩu hàng hóa dịch vụ Việt Nam nói chung và kể cả thương mại điện tử Việt Nam vẫn cơ bản chịu sự chi phối của thương hiệu và kênh phân phối nước ngoài. “Do vậy, cũng giống như xuất nhập khẩu nói chung, doanh nghiệp Việt Nam không thể 'chậm chân' mà phải làm sao vươn lên bứt phá, trong đó chú trọng xây dựng được thương hiệu Việt Nam, để sớm có được những nền tảng kết nối lớn của quốc tế ”- ông Thành khuyến nghị.

Hồng Hương

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/bung-no-quang-cao-so-doanh-nghiep-viet-khong-the-cham-chan-1103055.html