Bùng nổ thị trường tiền điện tử trong năm 2021
Theo khảo sát của công ty giao dịch tiền kỹ thuật số Gemini, gần 50% chủ sở hữu tiền điện tử ở Mỹ, Mỹ Latinh và châu Á - Thái Bình Dương đã mua tài sản kỹ thuật số lần đầu tiên vào năm 2021.
Khảo sát trên được thực hiện từ tháng 11/2021 - tháng 2/2022 đối với gần 30.000 người ở 20 quốc gia. Khảo sát cho thấy năm 2021 là một năm bùng nổ đối với tiền điện tử, trong bối cảnh lạm phát tăng cao khiến những quốc gia sử dụng tiền kỹ thuật số chứng kiến đồng nội tệ mất giá.
Gemini cho biết Brazil và Indonesia dẫn đầu thế giới về sử dụng tiền điện tử, với 41% người tham gia khảo sát ở hai nước này thông báo sở hữu tiền điện tử, tỷ lệ này ở Mỹ là 20% trong khi ở Vương quốc Anh là 18%. Khảo sát cũng ghi nhận 79% số người sở hữu tiền kỹ thuật số vào năm ngoái cho biết họ lựa chọn các tài sản kỹ thuật số vì tiềm năng đầu tư dài hạn của họ.
Những người hiện không sở hữu tiền điện tử và sống ở các quốc gia chứng kiến đồng nội tệ giảm so với USD, để ngỏ khả năng cao gấp 5 lần đối với việc mua tiền điện tử, coi đó như một biện pháp chống lạm phát tăng.
Chỉ 16% những người tham gia khảo sát tại Mỹ và 15% tại châu Âu tán thành tiền điện tử là công cụ chống lạm phát, thấp hơn nhiều so với mức 64% tại Indonesia và Ấn Độ. Trong 5 năm qua, đồng ruppe của Ấn Độ đã giảm giá 17,5% so với đồng USD, trong khi đồng rupiah của Indonesia bị mất giá tới 50% từ năm 2011-2020.
Chỉ 17% người châu Âu tham gia khảo sát cho biết họ đã sở hữu tài sản kỹ thuật số trong năm 2021, và chỉ 7% những người hiện không sở hữu tiền điện tử cho biết họ có ý định mua loại tài sản này vào một thời điểm nào đó.
Tiền kỹ thuật số đã biến động không ngừng trong năm 2021. Tháng 11/2021, giá trị đồng bitcoin đã tăng lên mức cao nhất từ trước tới nay, tới hơn 68.000 USD, nâng tổng giá trị thị trường tiền điện tử toàn cầu lên 3.000 tỷ USD. Hiện, giá bitcoin ở mức 34.000 USD-44.000 USD.