Bùng nổ tình trạng lấn chiếm đất của các dự án bất động sản
Nhiều người dân mua bán đất bằng giấy tay, làm phát sinh tranh chấp phức tạp, tạo điểm nóng về trật tự, cản trở chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án khiến chính quyền các tỉnh phải vào cuộc giải quyết.
Vừa lấn chiếm vừa tố cáo
UBND huyện Xuyên Mộc vừa có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ đạo công an điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật đối với một số người có hành vi mua bán, chuyển nhượng trái phép đất dự án Khu du lịch Trung Sơn-Hồ Tràm. Những người này mua, bán bằng giấy tay, làm phát sinh các khiếu nại, tranh chấp phức tạp, tạo điểm nóng về trật tự, cản trở chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án.
Một công trình lấn chiếm, bao chiếm đất tại huyện Xuyên Mộc.
Cụ thể, UBND huyện Xuyên Mộc cho rằng dự án Khu du lịch Trung Sơn-Hồ Tràm kéo dài là do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại, tranh chấp phức tạp. UBND huyện Xuyên Mộc đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn lập các thủ tục pháp lý để tổ chức cưỡng chế giao mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai dự án.
Sự việc này bắt nguồn từ việc giải quyết đơn của ông P. và một số hộ dân tại dự án Khu du lịch Trung Sơn-Hồ Tràm ở xã Phước Thuận. Mặc dù, UBND Xuyên Mộc đã có xác nhận về nguồn gốc đất, tình hình triển khai dự án này nhưng trong quá trình triển khai thì có nhiều vướng mắc do ông P. cản trở.
Trước đó, ông P. có đơn gửi cơ quan chức năng tố cáo về việc Công ty Trung Sơn, chủ đầu tư dự án Khu du lịch Trung Sơn-Hồ Tràm cho người đến đạp phá tài sản chiếm đất của ông. Sau khi nhận được đơn tố cáo, UBND xã Phước Thuận đã xác minh và kết luận nội dung ông Phong phản ánh là không đúng sự thật.
Trước đó, ngày 22/9/2020, UBND xã Phước Thuận đã có văn bản trả lời đơn đề nghị của ông P. là không có cơ sở thực hiện và UBND xã đề nghị ông P. tháo dỡ, di dời các công trình xây dựng, cây trồng và các tài sản khác có trên đất để trả lại diện tích, mặt bằng cho Công ty Trung Sơn triển khai dự án theo biên bản làm việc ngày 25/8/2020.
Theo thống kê của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hàng loạt vụ lấn chiếm đất và sang nhượng trái phép bị phát hiện thời gian qua do một số đối tượng thực hiện đã dấy lên nhiều quan ngại liên quan đến việc quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn. Một số địa phương của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu việc xảy ra tình trạng này như TP.Vũng Tàu, TP.Bà Rịa, huyện Xuyên Mộc, huyện Long Điền…
Cụ thể, tại TP.Vũng Tàu đó là dự án Khu tái định cư 10ha nằm trong khu đất diện tích 58ha được chính quyền triển khai thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng từ lâu. Do diện tích đất rộng, không có tường bao bảo vệ cộng với sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng nên 28 hộ dân, cá nhân lấn chiếm với diện tích gần 3.000m2, xây nhà ở từ năm 2005 và diễn ra trong một thời gian dài. TP.Vũng Tàu nhiều lần đối thoại, yêu cầu người dân tự tháo dỡ công trình vi phạm, đồng thời kiên quyết xử lý thu hồi, cưỡng chế.
Tương tự, liên quan đến sự việc hơn 10 hộ dân có hành vi tái lấn chiếm đất trong dự án Khu du lịch sinh thái biển cao cấp Lạc Việt (xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) và gửi đơn thư khiếu nại chủ đầu tư (Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Danh Việt) đến nhiều cơ quan, ông Văn Quý Ngọc, Chủ tịch UBND huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận khẳng định chủ đầu tư đang thực hiện các bước triển khai dự án Lạc Việt hoàn toàn đúng pháp luật.
Cụ thể, theo ông Ngọc tỉnh Bình Thuận đã giao đất cho dự án và cấp sổ đỏ năm 2010, chủ đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhà nước. Đến năm 2018, chủ đầu tư tiến hành triển khai dự án thì có hơn 10 hộ dân đột nhiên tái lấn chiếm đất trong dự án Lạc Việt để trồng cây. Đồng thời họ đã gửi đơn thư khiếu nại đến nhiều cơ quan.
“Huyện Hàm Tân đã lập tổ công tác để tiến hành rà soát lại các trường hợp hộ dân đang khiếu nại. Khi kết quả rà soát được thường vụ Huyện ủy cho ý kiến, chúng tôi sẽ báo cáo lên Tỉnh ủy. Từ đó sẽ có cách giải quyết thỏa đáng tùy theo trường hợp từng hộ. Chẳng hạn với hộ nào trồng cây thì sẽ hỗ trợ hoa màu, còn đối với hộ nào không có đất mà cố tình lấn chiếm thì sẽ bị xử lý theo đúng pháp luật”, ông Ngọc nói.
Ông Phan Thanh Sơn, Phó Chủ tịch xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân cũng khẳng định Công ty Danh Việt hoàn toàn có đầy đủ pháp lý để triển khai dự án Lạc Việt. Tuy nhiên trong quá trình triển khai lại xảy ra những tranh chấp ngoài ý muốn nên địa phương cũng rất thận trọng trong việc xử lý sao cho thỏa đáng hợp lý, đảm bảo an ninh trật tự cũng như đảm bảo cơ hội phát triển kinh tế của địa phương.
Trên thực tế, dự án Khu du lịch sinh thái biển cao cấp Lạc Việt, giai đoạn 1 đang từng bước được Chủ đầu tư triển khai đồng bộ bài bản và đang dần hình thành. Còn ở giai đoạn 2, việc một phần đất đang bị 15 hộ dân tái lấn chiếm khiến doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc triển khai. Khu vực này một số là rừng tràm mới được trồng. Các hộ dân dựng nhà tạm bằng tôn, giăng dây thép gai, có trường hợp xây hẳn tường gạch để phân chia ranh giới giữa các lô đất.
“Dù dự án bị người dân tái lấn chiếm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện nhưng chúng tôi luôn đặt thượng tôn pháp luật lên hàng đầu. Vì vậy khi người dân lấn chiếm đất, chúng tôi đã nhiều lần báo cáo và đề nghị chính quyền xử lý theo đúng quy định pháp luật. Một mặt đảm bảo tính hợp pháp và an ninh trật tự tại địa phương. Mặt khác để dự án được triển khai đúng tiến độ”, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, đại diện pháp lý Công ty Danh Việt cho biết.
Quy trách nhiệm cụ thể
Liên quan đến việc lấn chiếm đất làm dự án bất động sản, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị trên cần xây dựng phương án khai thác quỹ đất công; triển khai ngay việc tiến hành đo đạc, cắm mốc đối với những khu đất chưa có bản đồ hoặc mốc để quản lý. Đặc biệt, nghiêm cấm để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất công. Nếu có vi phạm, trách nhiệm thuộc về các cơ quan, đơn vị được giao quản lý và khai thác.
Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng yêu cầu rà soát quá trình sử dụng đất, tình hình thực tế diện tích đất công nhưng còn nhiều hộ dân sinh sống, canh tác để có phương án xử lý di dời hoặc sắp xếp bố trí lại cho phù hợp; đất công bị lấn chiếm, có tranh chấp cần xem xét nguồn gốc đất, thời điểm sử dụng đất để giải quyết dứt điểm theo quy định của pháp luật; chủ động lập phương án và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất; tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai ở các cấp, việc quản lý quỹ đất công trên mỗi địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, công tác quản lý, sử dụng đất công là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức. Vì vậy, thời gian tới, đòi hỏi cần có sự lãnh đạo và phối hợp chặt chẽ của các ngành, chính quyền địa phương.