Bùng nổ xu hướng chữa lành: Lời giải cho áp lực và cô đơn của Gen Z
Từ những câu chuyện trên mạng xã hội đến những cuộc trò chuyện đời thường, cụm từ chữa lành đã len lỏi vào mọi ngóc ngách, trở thành xu hướng được giới trẻ nhiệt tình hưởng ứng.
Từ khóa “chữa lành” hay còn gọi là “healing” đang trở nên cực kỳ thịnh hành trong cộng đồng giới trẻ. Các từ khóa liên quan đến hoạt động này xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội. Cụ thể, trên nền tảng mạng xã hội TikTok, các hashtag chualanh, healing lọt top 100 hashtag được tìm kiếm nhiều nhất chỉ tính riêng tại Việt Nam.
Có thể thấy xu hướng này phản ánh nhu cầu chăm sóc sức khỏe tinh thần của giới trẻ ngày càng tăng, đặc biệt là Gen Z (viết tắt của Generation Z, thế hệ Z, thế hệ sinh từ năm 1997 đến 2012). Các hoạt động để chữa lành tâm lý của giới trẻ cũng rất đa dạng từ nghe podcast, du lịch chữa lành, các khóa thiền ngắn hạn, sống gần với thiên nhiên, bỏ phố về quê, xem tarot,...
Tại sao Gen Z lại là thế hệ cần được “chữa lành” nhiều đến vậy?
Chia sẻ với PLO, bạn Ngọc Mai, sinh viên năm 4 tại một trường Đại học ở TP.HCM, tự nhận là một người tham công tiếc việc nên đôi khi bản thân cảm thấy kiệt sức, tâm lý bất ổn là điều thường xảy ra đối với cô.
“Hiện tại mình vừa đi thực tập, đi dạy thêm, làm content cho hội thảo và làm hồ sơ đi du học. Ngày nào cũng quá tải trong mớ công việc”.
Và cách Mai chọn để hồi phục lại năng lượng cho bản thân đó chính là những chuyến du lịch ngắn hạn đến một nơi hoàn toàn mới mẻ, yên tĩnh, để được giải phóng bản thân, nghỉ ngơi và loại bỏ những ưu phiền trong lòng. “Vất vả và tốn kém một chút cũng được, miễn sao là năng lượng trở lại” - Mai nói.
Cũng là 1 gen Z, bạn Thúy Hằng chia sẻ câu chuyện của chính mình: “Gắn bó với công việc truyền thông đã được 3 năm, mình dường như đang mất dần cảm hứng trong công việc, không còn idea (ý tưởng) dạt dào như mọi khi. Áp lực đồng trang lứa khiến mình cảm thấy bị thụt lùi khi các bạn có nhiều ý tưởng táo bạo và được thăng tiến. Mình nghi ngờ về năng lực, về giá trị, thậm chí là về cái cốt cách của chính mình nữa”.
Giống như Mai, mỗi khi gặp bế tắc hay áp lực, Hằng cũng quyết định cho bản thân một khoảng thời gian nghỉ ngơi, ưu tiên chăm sóc sức khỏe tinh thần. Nhưng thay vì du lịch, Hằng sẽ lựa chọn cuộc sống gần với thiên nhiên hơn, tạm buông bỏ những suy nghĩ tiêu cực, tập trung làm những việc mà cô yêu thích nhưng trước giờ chưa có cơ hội làm.
Hằng chia sẻ buổi sáng sau khi vệ sinh cá nhân xong, sẽ ngồi thiền, tập những bài tập yoga đơn giản, đi chợ, nấu ăn rồi bắt đầu học cách tự trồng cây. Đến tối thì dành thời gian để đọc sách, nghe podcast và viết nhật ký nhằm sắp xếp suy nghĩ của mình.
“Những điều tưởng chừng nhỏ nhặt, đơn giản trong cuộc sống hằng ngày nhưng nó thực sự giúp mình cảm thấy được thư giãn, những mệt mỏi, suy nghĩ tiêu cực trong đầu dường như biến mất”.
Ba nguyên nhân dẫn đến Gen Z chữa lành
Trường hợp như của Mai và Hằng không phải là hiếm trong cuộc sống hiện nay.
Trao đổi với PV, ThS tâm lý Đặng Thị Mai Ly, Giảng viên bộ môn Tâm lý học, Trường đại học Kinh tế - Tài chính, nhìn nhận: “Đây thực sự là một thời đại đầy ắp những áp lực và sự chữa lành ở đây là cách để các bạn trẻ tìm kiếm lại sự cân bằng nhằm giảm bớt những tổn thương và loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực hay là bất an”.
Theo Ths Ly, có 3 nguyên nhân quan trọng dẫn đến trào lưu “chữa lành”:
Thứ nhất, đó là sự áp lực và căng thẳng từ cuộc sống hiện tại ví dụ như áp lực về tài chính, về công việc, về thành tích….. Nó có thể xuất phát từ phía gia đình, xã hội, các mối quan hệ xung quanh hay thậm chí do chính bản thân tự đặt ra.
Thứ hai, sự phát triển vượt bật của công nghệ và các ứng dụng mạng xã hội đã vô tình khiến các bạn thiếu sự kết nối với nhau, các mối quan hệ ảo dần tăng lên, đồng thời những kết nối truyền thống cũng đứt gãy khiến cho các bạn trẻ dễ cảm thấy lạc lõng, cô đơn và không biết tìm đến ai khi cần sự giúp đỡ.
Thứ ba, là sự phổ biến của truyền thông đại chúng về các vấn đề tâm lý ngày càng nhiều, sự tiếp cận dễ dàng với các thông tin về chữa lành thông qua mạng xã hội khiến cho các bạn bị hoang mang, lo lắng không biết bản thân mình có cần “chữa lành” hay không.
Liên quan đến xu hướng “đi chữa lành” Ths Ly cho rằng, thay vì đi chữa lành như một xu hướng thì các bạn nên tìm đến những nguồn thông tin hỗ trợ đáng tin cậy, những người có kiến thức chuyên môn ở lĩnh vực đó để nhờ họ đưa ra lời khuyên và giúp đỡ mình một cách hợp lý và khoa học.
Các bạn trẻ phải tự biết đánh giá bản thân mình, hiểu được chính mình mà không phải chịu sự tác động bởi những người xung quanh, phải tự tìm ra giải pháp phù hợp cho bản thân để có thể chữa lành đúng cách. Tránh bị các nội dung về chữa lành rầm rộ trên mạng dẫn dắt kẻo bị “tẩu hỏa nhập ma” khi bản thân không có bệnh mà phải đi “chữa”. Có thể tham khảo những phương pháp tập luyện yoga, luyện tập thư giãn, chơi thể thao... đây là những phương pháp giảm tải căng thẳng, mệt mỏi mà, tốt hơn là các lớp chữa lành mở tràn lan như hiện nay.
Liều "thuốc" chữa lành cần phải sử dụng đúng cách
Nhìn chung đây cũng là một tín hiệu đáng mừng cho thấy giới trẻ đang dần học cách hiểu được bản thân và tự chữa lành cho chính mình. Hãy xem “chữa lành” như một liều thuốc hữu hiệu giúp giải quyết vấn đề.
Tuy nhiên, nếu đã là liều thuốc thì phải biết sử dụng đúng cách, không nên quá lạm dụng, đừng lấy lý do “chữa lành” để bao biện cho sự “lười biếng”, “thụ động” của chính bản thân trong công việc.
ThS tâm lý Đặng Thị Mai Ly, Giảng viên bộ môn Tâm lý học, Trường đại học Kinh tế - Tài chính
NGỌC THẢO