Bùng phát bệnh bạch hầu tại Gia Lai: Ban hành công văn hỏa tốc phòng, chống dịch
Theo thông báo của Bộ Y tế, chỉ trong vòng 1 tháng qua, khu vực Tây Nguyên ghi nhận 26 ca dương tính với bệnh bạch hầu tại các tỉnh Đắk Nông, Kon Tum và Gia Lai. Con số bị nhiễm bệnh chưa dừng lại khi trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn còn nhiều trường hợp nghi nhiễm.
Theo thông báo của Bộ Y tế, chỉ trong vòng 1 tháng qua, khu vực Tây Nguyên ghi nhận 26 ca dương tính với bệnh bạch hầu tại các tỉnh Đắk Nông, Kon Tum và Gia Lai. Con số bị nhiễm bệnh chưa dừng lại khi trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn còn nhiều trường hợp nghi nhiễm.
Đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ
Ngày 3-7, Sở Y tế nhận được thông tin tại BV Nhi tỉnh Gia Lai tiếp nhận và điều trị 1 bệnh nhi là cháu Vung (2016, trú tại làng Bông Hiot, xã Hải Yang, H. Đăk Đoa, Gia Lai) mắc bệnh bạch hầu. Sở Y tế đã chỉ đạo BV Nhi tích cực điều trị nhưng bệnh nhân diễn biến nặng dần và tử vong vào ngày 5-7.
Cùng với đó, Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) điều tra, xác minh thu thập thông tin về ca bệnh, tổ chức lấy 24 mẫu bệnh phẩm của các thành viên gia đình và những người dân tiếp xúc với bệnh nhi tử vong để xét nghiệm. Qua xét nghiệm 24 mẫu bệnh phẩm nói trên, phát hiện thêm 9 trường hợp khác dương tính với bệnh bạch hầu, trong đó có 4 trẻ em và 5 người lớn. Tất cả những trường hợp này được đưa đến BVĐK tỉnh Gia Lai và BV Nhi để cách ly, điều trị theo quy định. Ngoài ra, qua khám sàng lọc tại địa phương phát hiện thêm 20 trường hợp có triệu chứng sốt, ho, đau họng đã được lấy mẫu bệnh phẩm; chuyển đến TTYT H. Đắk Đoa, BV Nhi và BVĐK tỉnh Gia Lai cách ly, điều trị.
Sở Y tế Gia Lai cũng đã có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét và tạo điều kiện hỗ trợ cho tỉnh Gia Lai khoảng 100.000 liều vaccine Td (uốn ván, bạch hầu), để triển khai tiêm vaccine nhằm tăng cường củng cố miễn dịch phòng bệnh bạch hầu cho người dân trên địa bàn H. Đắk Đoa. Ông Đinh Hà Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế Gia Lai cho biết: "Các trường hợp dương tính đang được điều trị theo phác đồ và hiện đang được kiểm soát tốt, không có ca biến chứng nặng. Tình hình các ca được xác định dương tính ổn định".
Dự kiến cách ly toàn xã
Ngay sau khi phát hiện ca bệnh đầu tiên ở làng Bông Hiot, các ngành chức năng đã lập 4 chốt chặn nhằm kiểm soát, hạn chế người dân ra vào làng. Hiện người trong làng Bông Hiot không được phép ra ngoài và người bên ngoài không được vào bên trong làng.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu, ngày 6-7, UBND tỉnh Gia Lai có công văn hỏa tốc chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh bạch hầu, không để lây lan, hạn chế tới mức thấp nhất trường hợp tử vong. Trong đó, Sở Y tế tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan ra bên ngoài. Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường khám, phát hiện sớm các trường hợp bệnh bạch hầu... Ngành y tế tỉnh Gia Lai tiếp tục triển khai tốt công tác tiêm chủng thường xuyên cho trẻ đạt trên 95% theo quy mô xã, phường. Đồng thời, triển khai tổ chức tiêm vét, tiêm bổ sung vaccine 5 trong 1 hoặc vaccine bạch hầu - ho gà - uốn ván (DPT) cho trẻ em dưới 48 tháng tuổi trên địa bàn toàn tỉnh.
Ghi nhận của P.V, trong ngày 5-7, tại các phòng tiêm chủng trên địa bàn TP Pleiku (Gia Lai), lượng người dân mang con, em đến tiêm vaccine bạch hầu tăng đột biến. Đại diện Phòng tiêm chủng dịch vụ Á Châu - Pleiku (P. Hoa Lư, TP Pleiku, Gia Lai) cho biết: "Ngày 5-7, cơ sở tiếp nhận khoảng 30 trường hợp đến tiêm vaccine bạch hầu. Chắc lo ngại trước dịch bệnh nên người dân đến tiêm cao đột biến như vậy, trong khi đó thời điểm trước mỗi ngày chỉ có 1-2 trường hợp tiêm vaccine bạch hầu. Đến nay, cơ sở đã hết vaccine và dự kiến giữa tuần tới mới có vaccine bạch hầu lại". Còn tại phòng tiêm chủng thuộc CDC Gia Lai cũng dán thông báo hết vaccine phòng bệnh bạch hầu và khoảng 3 ngày nữa, lô vaccine mới chuyển về.
Trong khi đó, UBND H. Đắk Đoa đã cho toàn bộ học sinh trên địa bàn xã Hải Yang được nghỉ học từ ngày 6 đến 12-7. Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng dự kiến sẽ cách ly toàn bộ xã nhằm điều trị tại chỗ cũng như tránh ổ dịch bùng phát ra ngoài.