Bùng phát bệnh sởi ở trẻ em, cảnh báo di chứng nguy hiểm

Dịch sởi đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng tại nhiều tỉnh,thành trên cả nước, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.Trẻ em là nhóm dễ bị tổn thương nhất, với nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng.

Ngành y tế TP HCM triển khai tiêm vaccine sởi tại các trường học. (Nguồn: Sở Y tế TP HCM)

Ngành y tế TP HCM triển khai tiêm vaccine sởi tại các trường học. (Nguồn: Sở Y tế TP HCM)

Số ca mắc bệnh sởi tăng tại nhiều địa phương

Bệnh sởi là một căn bệnh truyền nhiễm rất dễ lây lan và dễ bùng phát trong cộng đồng. Trung bình, một trường hợp mắc sởi có thể lây nhiễm cho từ 12 đến 18 người khác. Đặc biệt, với điều kiện thời tiết, môi trường thuận lợi, cùng với việc học sinh trở lại trường sau kỳ nghỉ, nguy cơ lây lan bệnh sởi càng tăng cao, nhất là khi có mầm bệnh trong các trường học.

Theo Cục Y tế Dự phòng, từ đầu năm 2024 đến nay, số ca mắc sởi đã tăng hơn 8 lần so với cùng kỳ năm 2023 và tình hình bệnh đang gia tăng tại một số địa phương trên cả nước. Tại TP HCM, ngày 27/8, UBND TP HCM chính thức công bố dịch sởi trên toàn thành phố trước bối cảnh số ca mắc gia tăng nhanh chóng, trong đó đã có ba trẻ em tử vong vì bệnh này.

Đáng chú ý, chỉ trong tuần đầu của năm học mới, TP HCM đã ghi nhận 5 trường tiểu học có ổ dịch sởi. Tính từ đầu năm đến ngày 15/9, TP HCM có 666 ca mắc sởi, trong khi từ năm 2021 đến 2023, thành phố chỉ ghi nhận 1 ca bệnh.

Còn tại tỉnh Đắk Lắk, tính đến ngày 19/9, toàn tỉnh ghi nhận 136 trường hợp mắc sởi ở 14/15 huyện, thị xã, thành phố. Chỉ trong một tháng qua, địa phương này đã phát hiện hơn 100 ca mắc. Hầu hết các bệnh nhân là trẻ từ 1 - 4 tuổi, trong đó có 2/3 số ca chưa được tiêm vaccine. Đây là lần bùng phát bệnh sởi đầu tiên sau 3 năm liền tỉnh Đắk Lắk không ghi nhận trường hợp mắc bệnh.

Đáng chú ý, ngoài các nguyên nhân khách quan từ thời tiết và môi trường, nguyên nhân chính khiến bệnh sởi gia tăng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong năm 2020 - 2021. Bên cạnh đó, tình trạng gián đoạn trong cung ứng vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2022 - 2023 đã ảnh hưởng đến tỷ lệ bao phủ vaccine tiêm chủng mở rộng và vaccine sởi ở các tỉnh trên toàn quốc, tạo ra những “khoảng trống miễn dịch” làm tăng nguy cơ bùng phát dịch sởi.

40% bệnh nhân mắc sởi gặp phải các biến chứng

Dịch sởi đang bùng phát mạnh tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, ảnh hưởng đến sức khỏe, làm giảm miễn dịch trong cộng đồng, tăng khả năng xảy ra các biến chứng nguy hiểm. Tại Việt Nam, nhóm có nguy cơ mắc sởi, gồm: Trẻ nhỏ do không còn miễn dịch từ mẹ truyền sang nhưng chưa được tiêm vaccine; Trẻ đã tiêm vaccine nhưng chưa có đáp ứng miễn dịch; Thanh niên chưa từng mắc sởi hoặc chưa tiêm vaccine trước đây.

Trong đó, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong đợt bùng phát này. Sởi không chỉ gây ra các triệu chứng cấp tính mà còn có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Theo thống kê, có tới 40% bệnh nhân mắc sởi gặp phải các biến chứng do virus, thường xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi. Đây cũng là đối tượng có xác suất tử vong cao nhất khi mắc bệnh.

Biến chứng thường gặp nhất ở trẻ mắc bệnh sởi là viêm phổi, đồng thời có thể khiến bệnh nhi bội nhiễm vi khuẩn. Đây là yếu tố liên quan trực tiếp tới tiên lượng nặng của trẻ và có khả năng gây ra tử vong. Ngoài viêm phổi, sởi còn làm tăng nguy cơ viêm nhiễm hệ thần kinh, rối loạn hệ vận động và tổn thương đa cơ quan trong cơ thể. Những biến chứng có thể để lại di chứng nặng nề, kéo dài thậm chí suốt đời cho trẻ em, bao gồm viêm não, viêm màng não, viêm tai giữa, tiêu chảy, viêm loét giác mạc, mù lòa,...

Để giảm thiểu rủi ro cũng như ngăn chặn bệnh sởi bùng phát, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh tiêm chủng là biện pháp duy nhất để bảo vệ trẻ em và người lớn khỏi căn bệnh nguy hiểm tiềm tàng này. Nhằm kiểm soát dịch sởi tại Việt Nam, việc triển khai đồng loạt chiến dịch tiêm phòng vaccine sởi tại các địa phương trên cả nước là biện pháp cần thiết và cấp bách trong thời điểm này.

Ngày 27/8/2024, Bộ Y tế phát đi văn bản đề nghị các địa phương khẩn trương triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi tại địa phương theo kế hoạch. Đồng thời, Bộ Y tế phối hợp với tổ chức WHO, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cùng các địa phương tổ chức chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng sởi tại 18 tỉnh, thành có nguy cơ cao, nhằm bao phủ vaccine cho trẻ, phòng tránh nguy cơ mắc bệnh và chuyển nặng. Chiến dịch tiêm vaccine sởi lần này được triển khai mở rộng cho đối tượng trẻ từ 1 - 10 tuổi, trừ những trường hợp đã tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine chứa thành phần sởi.

Tại TP HCM, chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em từ 1 - 10 tuổi bắt đầu triển khai kể từ ngày 31/8, chỉ 3 ngày sau khi UBND thành phố công bố dịch sởi. Dự kiến, chiến dịch sẽ tiêm vaccine cho khoảng 125.000 trẻ em, ưu tiên nhóm trẻ từ 1 - 5 tuổi. Hiện, tiến độ tiêm vaccine cho nhóm này đang được đẩy nhanh để hoàn thành trong tháng 9/2024.

Linh Chi

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/bung-phat-benh-soi-o-tre-em-canh-bao-di-chung-nguy-hiem-post526419.html