Bùng phát ổ dịch đậu mùa khỉ hiếm gặp ở Anh, Mỹ và châu Âu - những điều cần biết

Đậu mùa khỉ có triệu chứng giống đậu mùa. 36 trường hợp đậu mùa khỉ hiếm gặp ghi nhận ở Anh, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, Mỹ. Hiện các nhà khoa học đưa giả thuyết đậu mùa khỉ lây qua đường tình dục, vốn không phải cách thức lây thường gặp ở bệnh này.

Ổ dịch đậu mùa khỉ trên người bùng phát ở Anh quốc, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Ổ dịch nhỏ, chỉ 36 ca nghi nhiễm ở cả 3 quốc gia châu Âu, trong đó 8 ca ở Anh và 20 ca ở Bồ Đào Nha. Mỹ ghi nhận 1 trường hợp.

Tuy nhiên, các quan chức y tế tại các nước trên vẫn chưa có manh mối tại sao người ta lại bị nhiễm đậu mùa khỉ. Lo ngại virus có thể lây lan trong cộng đồng, không được phát hiện rồi có thể có một đường lây mới.

"Ổ dịch này hiếm gặp và bất thường", nhà miễn dịch học Susan Hopkins, cố vấn y tế Trưởng Cơ quan An ninh Y tế Anh cho hay.

Triệu chứng do virus đậu mùa khỉ (hay còn gọi là đậu khỉ) trên bàn tay bệnh nhân, từ một ca bệnh năm 2003 ở Mỹ. Trong phần lớn trường hợp, bệnh gây ra triệu chứng sốt, mụn nước đầy mủ. Các ca đậu mùa khỉ mới ghi nhận ở Anh, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đang lây lan có thể qua quan hệ tình dục - đường lây mới chưa từng được ghi nhận trước đây. (Nguồn ảnh: CDC/Getty Images)

Triệu chứng do virus đậu mùa khỉ (hay còn gọi là đậu khỉ) trên bàn tay bệnh nhân, từ một ca bệnh năm 2003 ở Mỹ. Trong phần lớn trường hợp, bệnh gây ra triệu chứng sốt, mụn nước đầy mủ. Các ca đậu mùa khỉ mới ghi nhận ở Anh, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đang lây lan có thể qua quan hệ tình dục - đường lây mới chưa từng được ghi nhận trước đây. (Nguồn ảnh: CDC/Getty Images)

"Chính xác người bệnh bị lây ở đâu và lây như thế nào vẫn đang được điều tra khẩn cấp", Cơ quan An ninh Y tế Anh cho biết.

Triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ có thể gây khó chịu, đầu tiên người bệnh sẽ sốt, đau nhức mình mẩy, nổi hạch bạch huyết và cuối cùng là nổi các mụn 'đậu mùa', chính là các mụn mủ nước gây đau trên mặt, bàn chân và bàn tay. Một phiên bản khác của bệnh đậu mùa khỉ có thể gây chết người, khiến 10% người nhiễm tử vong. Phiên bản hiện nay ở nước Anh nhẹ hơn, tỷ lệ tử vong dưới 1%. Nhìn chung, một ca đậu mùa khỉ để khỏi bệnh phải mất từ 2-4 tuần.

Điển hình, người có thể bị lây đậu khỉ từ động vật ở Tây Phi hoặc Trung Phi và từ đó virus lây lan sang các nước khác. Lây truyền từ người sang người là không phổ biến, bởi bệnh đậu mùa khỉ lây qua tiếp xúc gần với dịch lỏng của cơ thể, như nước bọt do ho hoặc từ mủ qua tổn thương da. Vì vậy, nguy cơ lây lan bệnh đậu mùa khỉ trong dân số nói chung là thấp, Cơ quan An ninh Y tế Anh (UKHSA) lưu ý.

Tuy nhiên ở Anh, 7 trong số 8 ca mắc không hề tới châu Phi gần đây, cho thấy bệnh nhân lây từ người nhiễm virus ở Anh. Ngoài ra, 7 người nói trên không hề có tiếp xúc với bệnh nhân được biết là đã đi du lịch tới Nigeria, cơ quan UKHSA cho biết.

"Đây là sự lây lan khó hiểu từ trường hợp nhập cảnh", nhà virus học Angie Rasmussen, Tổ chức Vaccine và Bệnh truyền nhiễm đăng tải trên Twitter.

Ở Mỹ, bệnh nhân tại Massachusetts gần đây không hề đi tới các nước có ổ dịch đậu mùa khỉ xuất hiện nhưng đã đi du lịch tới Canada.

Ngoài ra, có bằng chứng cho thấy virus có thể đang lây lan theo một con đường mới: đó là quan hệ tình dục.

Điều kỳ lạ hơn nữa ở các ca đậu mùa khỉ đã phát hiện là dường như bệnh lây qua quan hệ tình dục.

Đây là cách thức lây bệnh mới sẽ có ý nghĩa trong việc kiểm soát và ứng phó với ổ dịch đậu mùa khỉ.

Mateo Prochazka, nhà miễn dịch học tại Cơ quan An ninh Y tế Anh quốc (UKHSA)

"Chúng tôi đặc biệt kêu gọi nam giới đồng tính hoặc song tính nếu thấy có dấu hiệu bất thường như tổn thương da và nổi phát ban mẩn ngứa cần liên hệ với cơ sở y tế chuyên khoa bởi có thể bệnh này lây qua đường tình dục, người bệnh cần đi khám bệnh ngay", nhà miễn dịch học Hopkins nói trong tuyên bố của UKHSA.

Các nhà khoa học tại Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Mỹ đang theo dõi ổ dịch ở châu Âu chặt chẽ. "Chúng tôi khá lo ngại rằng nó khác biệt hơn so với đậu mùa khỉ điển hình thông thường", bà Jennifer McQuiston, một cựu quan chức CDC cho hay.

Năm 2019, Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) đã phê chuẩn loại vaccine đầu tiên phòng bệnh đậu mùa khỉ, đồng thời có công dụng bảo vệ khỏi bệnh đậu mùa. Vaccine này là một phần của Kho dự trữ chiến lược quốc gia (SNS), nguồn cung thuốc men và trang thiết bị y tế có thể sử dụng trong tình huống y tế công khẩn cấp", cơ quan này cho biết.

Những điều cần biết về bệnh đậu mùa khỉ

Mặc dù tên gọi là đậu mùa khỉ, nhưng khỉ lại không phải là tác nhân mang mầm bệnh chính. Thay vào đó, các loài vật gặm nhấm như chuột hay sóc mới là tác nhân mang virus.

Bệnh đậu mùa khỉ lây thế nào?

Đậu mùa khỉ chủ yếu lây qua vết cắn, vết cào xước do động vật gây nên hoặc từ dịch lỏng cơ thể của động vật. Từ đó, virus có thể lây sang người khác thông qua ho hay hắt hơi hoặc tiếp xúc với mụn mủ trên tổn thương da.

Tổn thương da do đậu mùa khỉ gây ra khá giống với tổn thương do đậu mùa.

"Nhưng thường là đậu mùa khỉ không lây lan mạnh từ người sang người. Tỷ lệ lây đậu mùa khỉ từ người sang người thấp hơn so với đậu mùa. Trong nhiều trường hợp, người mắc bệnh không lây cho ai cả", BS. Jay Hooper, Viện nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm Quân Y Mỹ cho biết.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tới nay, không hề có bằng chứng rằng lây truyền từ người sang người đơn thuần có thể làm lây lan đậu mùa khỉ trong cộng đồng.

Các nhà khoa học vẫn chưa thể biết được tỷ lệ lây truyền bệnh đậu mùa khỉ có tăng lên do đợt bùng phát này hay không.

Năm 2003, một ổ dịch đậu mùa khỉ ở Mỹ do một chuyến hàng nhập khẩu động vật từ Ghana tới Illinois, Mỹ. Một vài con chuột và sóc có kết quả xét nghiệm dương tính với virus và cuối cùng lây sang sóc chó được bán làm vật nuôi ở các bang Trung Tây của Mỹ, CDC cho biết. Kết quả là 47 người đã bị lây bệnh đậu mùa khỉ từ những con sóc này. Tất cả mọi người đều khỏi bệnh. Không ai trong số này lây bệnh sang cho người khác.

Đậu mùa khỉ có phải virus mới không?

Hoàn toàn không. Virus đậu mùa khỉ đã lây nhiễm cho con người hàng thế kỷ qua, thậm chí cả thiên niên kỷ, BS. Anne Rimoin, chuyên gia của Viện nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm Quân Y Mỹ cho biết.

Đậu mùa khỉ rất giống với đậu mùa. "Về mặt lâm sàng không thể phân biệt được. Vì vậy hàng thế kỷ qua, các bác sĩ thường nhầm đậu mùa khỉ với đậu mùa", BS. Anne Rimoin nói.

Vào những năm 1970, thế giới gần như xóa sổ bệnh đậu mùa. Ca nhiễm giảm mạnh. Các bác sĩ ở Trung Phi bắt đầu nhận ra một bệnh giống với bệnh đậu mùa nhưng không dễ lây lan từ người sang người. Đó chính là đậu mùa khỉ.

Ngoài ra, còn có một vài virus khác liên quan tới bệnh đậu mùa, như cowpox và camelpox. Trong chương trình từ năm 2017, BS. Rimoin cho biết bà còn lo ngại về camelpox hơn là đậu mùa khỉ, bởi về cấu trúc gene nó gần với đậu mùa hơn.

Vaccine đậu mùa đạt hiệu quả 85% đối với đậu mùa khỉ

Trên thực tế, vaccine đậu mùa đạt hiệu quả khá tốt trong phòng ngừa đậu mùa khỉ: 85%. (Tuy nhiên, do là dạng vaccine virus sống nên cần cẩn trọng với người có hệ miễn dịch suy giảm nghiêm trọng).

Sau khi thế giới gần như xóa sổ đậu mùa, nhiều nước ngừng tiêm phòng loại vaccine này cho trẻ em. Năm 2020, có gần 4.600 ca nghi nhiễm đậu mùa khỉ ở CHDC Congo, theo một nghiên cứu xuất bản vào tháng 2 năm nay.

Nguyễn Vân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//bung-phat-o-dich-dau-mua-khi-hiem-gap-o-anh-my-va-chau-au-nhung-dieu-can-biet-169220519105412562.htm