Bùng phát tranh cãi về tái hình sự hóa cần sa tại Thái Lan
Nỗ lực của Đảng cầm quyền Pheu Thai nhằm đưa cần sa trở lại danh mục chất gây nghiện sau hai năm hợp pháp hóa đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ đảng đồng minh Bhumjaithai.
Năm 2018, Thái Lan đã cho phép sử dụng cần sa với mục đích y tế. Số lượng cơ sở kinh doanh bán các sản phẩm cần sa gia tăng đột biến sau khi nước này cho phép sử dụng loại thực vật trên với mục đích giải trí.
Tuy nhiên, vào tháng 5/2024, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin tuyên bố ông muốn cần sa được liệt trở lại vào danh sách ma túy và tái hình sự hóa sử dụng cần sa vào cuối năm nay.
Bộ Y tế Công cộng nước này cũng đã đưa ra khuyến nghị với ban kiểm soát ma túy về việc đưa cần sa trở lại danh sách các chất bị kiểm soát Loại 5, bao gồm nấm thức thần và thuốc phiện. Nếu yêu cầu được chấp thuận, cơ quan này sẽ ban hành thêm các quy định về trồng, sử dụng cây cần sa và trình nội các phê duyệt trước ngày 1/1/2025.
Khuyến nghị trên được đưa ra dựa trên một phiên điều trần công khai về tác hại của cần sa với hơn 111.000 ý kiến phản hồi. Ngày 9/7, Bộ trưởng Y tế Thái Lan Somsak Thepsuthin cho biết 80% ý kiến trong phiên điều trần tán thành việc đưa cần sa vào danh mục các chất gây nghiện cần kiểm soát.
Trong khi đó, Đảng Bhumjaithai bày tỏ sự ủng hộ đối với cần sa cũng như kêu gọi người dân bỏ phiếu cho ứng cử viên của mình để ngăn chặn việc kiểm soát chặt chẽ loại cây này.
Theo đảng này, cần sa đặc biệt hữu ích đối với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và y tế do chứa Cannabidiol – loại chất giúp ngăn ngừa tình trạng nôn mửa, buồn nôn, đau mãn tính và chán ăn ở những bệnh nhân đang điều trị ung thư, cũng như các triệu chứng động kinh. Loại cây này cũng đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy đầu tư nước ngoài, thu hút khách du lịch từ đó thúc đẩy ngành du lịch.
Người phát ngôn của Đảng Bhumjathai Boonthida Somchaicho biết cần sa mới được hợp pháp hóa chỉ hai năm trước và người dân đã đầu tư hàng chục tỉ baht vào hoạt động kinh doanh liên quan. Theo ông, động thái trên của chính phủ cầm quyền sẽ gây ra thiệt hại nghiêm trọng.
Vào năm 2022, đảng này đã cáo buộc các chính sách quản lý của chính phủ Thái Lan gây bất lợi cho sự phát triển của ngành công nghiệp sản xuất cần sa, đồng thời yêu cầu hợp pháp hóa loại cây này.
Ông Somchai cho rằng Đảng Pheu Thai đang cố ngăn cản tiến trình thông qua các dự luật quản lý cần sa.
Tuy nhiên, Bộ Y tế cho rằng dự luật kiểm soát cần sa do Bhumjaithai đưa ra thiếu chặt chẽ, ảnh hưởng đến công tác quản lý loại thực vật nhạy cảm này.
Đầu năm nay, Bộ Y tế đã soạn thảo một dự luật khác, trong đó xem thân, rễ, lá và chồi của cây cần sa là chất gây nghiện, yêu cầu phải hướng dẫn của bác sĩ cũng như cấm trồng tại nhà.
Ngày 9/7, ông Somsak cho biết việc quản lý cần sa phải thực hiện chặt chẽ để tránh gây ra ảnh hưởng tiêu cực cho xã hội.
Lãnh đạo Bhumjaithai Anutin Charnvirakul đồng thời là Bộ trưởng nội vụ, cho biết sẽ bỏ phiếu phản đối việc đưa cần sa vào danh mục chất gây nghiện tại cuộc họp của ban kiểm soát ma túy trong tháng này.
Đảng Bhumjaithai luôn nhấn mạnh vai trò của cần sa trong hỗ trợ thu nhập cho nông dân cũng như tạo nguồn thu cho ngành du lịch. Tuy nhiên, một nghiên cứu vào tháng 6 của Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan cho thấy việc hợp pháp hóa cần sa không mang đến nhiều lợi ích kinh tế.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bung-phat-tranh-cai-ve-tai-hinh-su-hoa-can-sa-tai-thai-lan.html