Bừng sáng vùng chè Mường É

Đã rất nhiều lần, Chủ tịch UBND xã Mường É Quàng Văn Xiến mời anh em tôi lên thăm, để tận mắt chứng kiến những đổi thay ở miền xa xôi của huyện Thuận Châu. Công việc cứ cuốn đi, mãi tới những ngày giáp Tết Canh Tý, chúng tôi mới sắp xếp được thời gian về với vùng đất nằm ngang lưng chừng đèo Pha Đin huyền thoại.

Nông dân bản Nà Vai thu hái chè.

Nông dân bản Nà Vai thu hái chè.

Nếu cách đây chừng hơn 10 năm, con đường từ đèo Pha Đin dẫn vào trung tâm xã chỉ có thể đi được trong mùa khô, thì nay đã được rải nhựa phẳng phiu, mọi phương tiện có thể lưu thông cả 4 mùa. Dọc hai bên đường là những nương chè xanh uốn lượn theo các sườn đồi, xa xa là màu xanh sẫm của những vườn cây ăn quả, những nương ngô, sắn... Đến trụ sở, đã thấy Chủ tịch UBND xã Quàng Văn Xiến chờ sẵn. Sau cái bắt tay thật chặt, anh Xiến nói nhanh: Lâu rồi nhà báo chưa lên đây, khác nhiều rồi nhé! Nhờ cây chè mà đời sống nhân dân vùng này khá lên đấy. Cũng là mạnh dạn chuyển đổi từ cây ngô, sắn năng suất thấp sang trồng chè mang lại thu nhập ổn định. Tốt nhất anh em mình cùng “thực mục sở thị”, chứ tôi nói không hết đâu.

Nói rồi Chủ tịch UBND xã trực tiếp dẫn anh em tôi đi thăm một số gia đình trong xã khá lên từ trồng chè. Đầu tiên là nhà ông Lò Văn Dủng, ở bản Nà Vai - được coi là người tiên phong trồng chè của xã Mường É. Trong ngôi nhà sàn ba gian, hai trái khang trang, ông Dủng rót ly trà tươi thơm phức, nghi ngút khói mời chúng tôi. Theo câu chuyện ông kể, cách đây 8 năm, được cán bộ xã đến vận động gia đình trồng chè làm mô hình điểm do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thực hiện. Ban đầu, còn do dự vì từ nhỏ đến giờ, ông chỉ biết đến đồng ruộng, cây ngô, nương sắn. Được cán bộ giải thích, tư vấn, lại được hỗ trợ về giống, phân bón, kỹ thuật trồng và chăm sóc trong 3 năm, ông mạnh dạn nhận, rồi chuyển đổi 1,5 ha đất trồng ngô, sắn của gia đình sang thí điểm mô hình trồng chè. Đất không phụ công người, chỉ sau một năm, cây chè bắt đầu cho thu hoạch lứa chè búp đầu tiên, rồi từ năm thứ 2 trở đi thu hoạch ổn định 1,5 - 1,7 tấn chè búp tươi/lứa, mà mỗi năm thu hái khoảng 10 lứa, trị giá hơn 100 triệu đồng. Kể từ năm 2018 trở lại đây, một lứa chè đều đạt sản lượng 2,5 tấn búp tươi. Cuộc sống của gia đình ông nhờ cây chè mà ngày càng khấm khá.

Thấy mô hình thí điểm trồng chè của nhà ông Dủng đạt hiệu quả, bà con nông dân bản Nà Vai liền học tập, làm theo, chuyển đổi diện tích trồng ngô, sắn năng suất thấp, kém hiệu quả sang trồng các giống chè shan, Kim Tuyên..., cả bản hiện có 25/42 hộ trồng chè, nâng tổng diện tích chè lên 15,4 ha. Theo tính toán của bà con, trồng chè chỉ vất vả lúc mới trồng, khi chè đã bắt đầu cho thu hoạch thì công chăm sóc, làm cỏ, bón phân... giảm rất nhiều so với các loại cây trồng khác; cây chè trồng một lần nhưng cho thu hoạch trong nhiều năm, mà lại cho thu nhập ổn định. Cũng bởi vậy, nhiều hộ gia đình trong bản Nà Vai đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng chè.

Rời Nà Vai, chúng tôi cùng Chủ tịch UBND xã tiếp tục đến bản Huổi Cả - một trong những bản có diện tích trồng chè nhiều nhất xã. Thấy có khách cùng cán bộ xã đến, lại hỏi chuyện về cây chè, Trưởng bản Lò Văn Chơ rất vui vì có dịp được chia sẻ. Anh kể, năm 2017 chuyển đổi 1,5 ha trước đây chuyên trồng ngô, sắn sang chuyên canh cây chè. Bây giờ thì ổn lắm, cứ thu hoạch đều đều với năng suất 10 tấn/ha/năm, thu nhập gấp 5 - 7 lần so với trồng ngô, sắn. Không chỉ làm một mình, anh cùng Ban quản lý bản đi từng nhà tuyên truyền, vận động các hộ dân chuyển sang trồng chè. Kết quả là cả 65 hộ dân trong bản đều trồng chè, nhà ít cũng vài nghìn mét vuông, nhiều thì vài héc-ta. Cả bản hiện có tới 35 ha chè các loại. Cũng nhờ chuyển sang trồng chè, đời sống của bà con ngày càng được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua từng năm.

Theo số liệu ghi chép của Chủ tịch xã, Mường É hiện có hơn 300 ha chè, trên 150 ha đã cho thu hoạch, năng suất bình quân 80 tạ/ha. Nhà trồng nhiều chè mỗi năm thu về hơn trăm triệu đồng, hơn hẳn so với chỉ trồng ngô, trồng sắn như trước đây. Nếu năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn tới 62,96%, thì hiện giờ đã giảm xuống 42,27%. Người dân có kinh tế vững lên thì việc đóng góp để xây dựng nông thôn mới trở nên thuận lợi, hanh thông, bà con sẵn sàng thực hiện các chỉ tiêu xã nêu. Mường É hiện đã đạt 10 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Hằng năm, xã cử cán bộ khuyến nông trực tiếp hướng dẫn bà con thực hiện các khâu kỹ thuật chăm sóc cây chè, từ đốn, tỉa cành, đến bón phân, vun xới, rồi thu hái, sơ chế... Đặc biệt, xã khuyến khích các hộ dân sản xuất chè sạch theo hướng VietGAP, chỉ sử dụng chế phẩm sinh học, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong thâm canh cây chè; đưa giống có giá trị kinh tế cao như chè Kim Tuyên vào trồng. Để đảm bảo đầu ra cho cây chè, xã cũng đã liên hệ với các công ty chế biến chè ở xã Phỏng Lái về tận xã thu mua chè búp tươi cho bà con; vận động các hộ trồng chè hướng tới thành lập HTX để thực hiện liên kết bao tiêu sản phẩm chè bền vững.

Chia tay Mường É, trên đường về chúng tôi càng vui hơn khi thấy nhiều người dân chở những bao chè búp tươi hái cuối giờ chiều từ nương về nhà. Cũng dễ hiểu khi ở chiều ngược lại là những chiếc ô-tô chở đầy đồ điện tử, điện máy hướng về trung tâm xã. Cây chè đã mang no ấm đến cho người dân Mường É.

Quàng Hưởng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/bung-sang-vung-che-muong-e-28824