'Bừng tỉnh' trước áp lực ngày càng lớn từ Trung Quốc, EU lập công thức duy trì vị trí dẫn đầu

Việc tập đoàn Trung Quốc Midea mua lại nhà sản xuất robot Kuka của Đức vào năm 2016 là một hồi chuông cảnh tỉnh cho Liên minh châu Âu (EU) trước áp lực ngày càng lớn từ nền kinh tế số 2 thế giới.

EU sẽ giảm thiểu rủi ro "nhưng không tự tách mình hoàn toàn khỏi Trung Quốc". (Nguồn: Reuters)

EU sẽ giảm thiểu rủi ro "nhưng không tự tách mình hoàn toàn khỏi Trung Quốc". (Nguồn: Reuters)

Công thức giảm thiểu rủi ro

Theo tạp chí kinh tế Handelsblatt của Đức, lo ngại trước sức mạnh ngày càng tăng và chính sách đối ngoại ngày càng cứng rắn hơn của Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) đang "tự trang bị vũ khí" cho một “cuộc chiến” kinh tế tiềm tàng với Bắc Kinh.

Handelsblatt dẫn một báo cáo nội bộ của Cơ quan hành động đối ngoại châu Âu (EEAS) cho biết, đơn vị này đã phác thảo một công thức mới mang tên "giảm thiểu rủi ro". Công thức này nhằm cho phép châu Âu duy trì vị trí dẫn đầu trong các công nghệ quan trọng và ứng phó những nỗ lực gây áp lực của Trung Quốc đối với châu Âu.

Theo đó, liên minh 27 quốc gia phải loại bỏ "những sự phụ thuộc quan trọng khiến EU dễ bị ràng buộc", đồng thời ngăn chặn "sự chảy máu các công nghệ nhạy cảm".

Công thức mới bao gồm một số yếu tố, chẳng hạn như kiểm soát xuất khẩu chặt chẽ hơn, kiểm soát đầu tư từ Trung Quốc vào châu Âu và ngược lại, tăng cường các quy định hạn chế đối với các nhà cung cấp thiết bị di động Trung Quốc như tập đoàn viễn thông Huawei.

Cách tiếp cận "giảm thiểu rủi ro" khác với cách tiếp cận "tách rời". Bởi vì về cơ bản, cách tiếp cận này không đặt vấn đề loại bỏ mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc, mà phân biệt rõ các giao dịch rủi ro và không rủi ro. Giao dịch không rủi ro tiếp tục không bị cản trở.

Là nền kinh tế đầu tàu châu Âu, nước Đức cũng đang theo đuổi một chiến lược như vậy trong quan hệ với Trung Quốc.

Báo cáo của EEAS được hiểu là nét phác thảo đầu tiên của chiến lược "an ninh kinh tế" mới mà Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến công bố vào cuối tháng 6 tới.

Theo báo cáo của EEAS, tham vọng của Bắc Kinh là "thiết lập một trật tự thế giới mới, trong đó Trung Quốc là trung tâm". Do đó, EU phải phát triển "các công cụ hoặc quy định mới" để bảo vệ "các lợi ích an ninh quan trọng".

Các biện pháp nên được giới hạn trong những lĩnh vực chiến lược, chẳng hạn như chất bán dẫn, máy tính lượng tử, công nghệ vũ trụ, trí tuệ nhân tạo hay công nghệ sinh học. EU sẽ giảm thiểu rủi ro "nhưng không tự tách mình hoàn toàn khỏi Trung Quốc"; châu Âu sẽ "bảo vệ lợi ích của mình "nhưng không chuyển sang chủ nghĩa bảo hộ".

Theo Nghị sĩ Quốc hội liên bang Đức Nils Schmid, chuyên gia chính sách đối ngoại của đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD), hạn chế rủi ro đang trở thành chính sách chính thức và là xu hướng chủ đạo trong mối quan hệ với Bắc Kinh hiện nay.

Chuyên gia về Trung Quốc Reinhard Bütikofer có quan điểm tương tự. Theo chuyên gia này, giảm thiểu rủi ro là nguyên tắc chỉ đạo đúng đắn. Giờ đây, khái niệm phải được giải thích theo nhiều khía cạnh khác nhau: từ kinh tế, chính sách thương mại đến chính sách an ninh, địa chiến lược.

Hành động cụ thể trong các lĩnh vực

Rà soát các khoản đầu tư của châu Âu vào Trung Quốc

Việc tập đoàn Trung Quốc Midea mua lại nhà sản xuất robot Kuka của Đức vào năm 2016 là một hồi chuông cảnh tỉnh cho châu Âu.

Từ năm 2020, EU đã có "cơ chế sàng lọc đầu tư từ nước ngoài". Một số giao dịch mua bán đã bị chặn bởi các quốc gia thành viên liên minh. Tại Đức, vừa qua, Bộ Kinh tế và bảo vệ khí hậu đã cấm các nhà đầu tư Trung Quốc tiếp quản các công ty sản xuất chip Elmos và ERS.

Tuy nhiên, việc kiểm soát đầu tư được thực hiện rất khác nhau ở 27 quốc gia EU. Không phải tất cả các quốc gia đều xem xét kỹ lưỡng các khoản đầu tư từ Bắc Kinh, thậm chí một số quốc gia còn hoàn toàn không xem xét. Đối với EU, vấn đề là phải tiêu chuẩn hóa các biện pháp kiểm soát nhiều hơn.

Ở chiều ngược lại, việc kiểm soát các khoản đầu tư của châu Âu vào quốc gia Đông Bắc Á cũng đang được xem xét. Đây là một điểm mới, được thể hiện qua khái niệm "sàng lọc đầu tư ra nước ngoài".

Trong một bài phát biểu quan trọng về chính sách Trung Quốc hồi cuối tháng 3/2023, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã ủng hộ khái niệm này.

Đằng sau việc kiểm soát đầu tư ra nước ngoài là những lo ngại của EU rằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu hiện tại có thể bị suy yếu bởi các khoản đầu tư trực tiếp của doanh nghiệp EU vào Trung Quốc.

Báo cáo của EEAS khẳng định "EU quyết tâm thực hiện việc sàng lọc đầu tư ra nước ngoài".

Xây dựng chuỗi cung ứng đáng tin cậy nhằm loại bỏ sự phụ thuộc

EU cũng đã cam kết thực hiện mục tiêu loại bỏ sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch từ Nga nhưng không được dẫn đến phụ thuộc vào công nghệ xanh từ Trung Quốc trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Tuy nhiên, đó là một chặng đường dài.

Ví dụ với pin năng lượng Mặt trời, pin cho ô tô điện hoặc một số nguyên liệu thô quan trọng, châu Âu hiện phụ thuộc rất lớn vào các nhà cung cấp Trung Quốc. Đây sẽ là một đòn bẩy quan trọng của Bắc Kinh trong trường hợp xảy ra xung đột.

Do đó, EC muốn tăng tỷ lệ sản xuất tại EU đối với các sản phẩm như tua bin gió, pin năng lượng Mặt trời, pin xe điện... Đồng thời, châu Âu đang cố gắng thiết lập quan hệ đối tác nguyên liệu thô và đối tác thương mại với các nước khác ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh.

Trong vấn đề này, đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Mỹ có thể hỗ trợ châu Âu. Với IRA, Washington đang đầu tư hàng tỷ USD vào việc xây dựng chuỗi cung ứng mới có thể hoạt động mà không cần các nhà cung cấp Trung Quốc. Điều này giúp tạo ra một giải pháp thay thế mà châu Âu có thể dựa vào.

EU sẽ tăng cường các quy định hạn chế đối với các nhà cung cấp thiết bị di động Trung Quốc như tập đoàn viễn thông Huawei. (Nguồn: Quartz)

EU sẽ tăng cường các quy định hạn chế đối với các nhà cung cấp thiết bị di động Trung Quốc như tập đoàn viễn thông Huawei. (Nguồn: Quartz)

Bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng

Hơn 2 năm trước, EU đã cho ra đời hộp công cụ đảm bảo an ninh mạng thông tin di động. Theo đó, EU khuyến nghị "các nhà cung cấp linh kiện có rủi ro cao" nên bị loại khỏi "các nhà máy và cơ sở hạ tầng quan trọng" của châu Âu.

Hộp công cụ này rõ ràng hướng tới các tập đoàn viễn thông Trung Quốc như Huawei và ZTE. Tuy nhiên, một điều đáng thất vọng là một số quốc gia thành viên, bao gồm cả Đức, vẫn chưa thực hiện khuyến nghị của EU.

Tại Đức, các cuộc thảo luận về việc loại trừ Huawei đã diễn ra trong hơn 4 năm qua. Cách đây vài tuần, Bộ Nội vụ nước này đã tiến hành một nỗ lực mới nhưng chưa đạt kết quả vì các nhà khai thác mạng quan trọng như Telekom và Vodafone đã có nhiều cam kết với Huawei.

Các quan chức cấp cao cảnh báo, nếu xảy ra bất đồng với Bắc Kinh, rất có thể mạng thông tin liên lạc ở Đức sẽ bị gián đoạn. Do đó, cần khẩn trương tháo dỡ các linh kiện của Huawei trong cơ sở hạ tầng mạng thông tin của Đức.

Nâng cấp các biện pháp kiểm soát xuất khẩu

Lệnh cấm xuất khẩu vũ khí của EU giúp ngăn chặn các giao dịch cung cấp vũ khí với Trung Quốc. Việc xuất khẩu hàng hóa lưỡng dụng (sản phẩm có thể sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự) cũng bị kiểm soát.

Tuy nhiên, danh sách các mặt hàng lưỡng dụng vẫn chưa đầy đủ. Báo cáo của EEAS ủng hộ việc "nâng cấp" các biện pháp kiểm soát này.

Theo quan điểm của EU, tất cả các biện pháp can thiệp đều phù hợp với luật thương mại quốc tế, vì Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) có quy định các ngoại lệ trong việc bảo vệ an ninh quốc gia.

(theo Handelsblatt, TTXVN)

VT.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bung-tinh-truoc-ap-luc-ngay-cang-lon-tu-trung-quoc-eu-lap-cong-thuc-duy-tri-vi-tri-dan-dau-227585.html