Bước cải cách, thay đổi lớn của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 đã có bước cải cách, thay đổi lớn về quy trình, thủ tục, trách nhiệm của các cơ quan trong công tác xây dựng pháp luật.

Từ ngày 1/4/2025, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2025, được thông qua ngày 19/2/2025 tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội (QH) khóa XV, có hiệu lực thi hành. Luật có rất nhiều quy định nhằm đổi mới và hoàn thiện quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL, đòi hỏi phải khẩn trương đưa vào cuộc sống, góp phần thực hiện bằng được đột phá chiến lược và hoàn thiện thể chế phát triển.

Luật năm 2025 đã có bước cải cách, thay đổi lớn về quy trình, thủ tục, trách nhiệm của các cơ quan trong công tác xây dựng pháp luật. Theo đó, bổ sung hình thức nghị quyết của Chính phủ là VBQPPL; thẩm quyền quyết định Chương trình lập pháp hằng năm được chuyển từ QH sang Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH; tách quy trình xây dựng chính sách ra khỏi quy trình lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết; bổ sung quy trình tham vấn trong quy trình xây dựng chính sách; các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết cơ bản được xem xét, thông qua tại 1 kỳ họp QH, 1 phiên họp UBTVQH; quy định cơ quan trình dự án chịu trách nhiệm chủ trì trong việc tiếp thu, chinh lý dự án; giao Chính phủ quy định trình tự, thủ tục ban hành văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, chính quyền địa phương...

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định. (Ảnh: Cổng TTĐTQH)

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định. (Ảnh: Cổng TTĐTQH)

Để triển khai thi hành hiệu quả Luật năm 2025, thay mặt UBTVQH, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định vừa có Văn bản số 1240/UBTVQH15-PLTP về việc triển khai thực hiện Luật Ban hành VBQPPL năm 2025. Theo đó, UBTVQH đề nghị Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, TANDTC, VKSNDTC, Kiểm toán nhà nước và các cơ quan, tổ chức, chủ thể có liên quan trực tiếp đến công tác xây dựng pháp luật khẩn trương tổ chức quán triệt, phổ biến các quy định mới của Luật, thực hiện đồng bộ các giải pháp đưa Luật vào cuộc sống.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý, về xây dựng chính sách, soạn thảo dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết của QH, UBTVQH, đối với các luật, pháp lệnh, nghị quyết phải thực hiện quy trình xây dựng chính sách (quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật năm 2025), đề nghị các cơ quan chỉ đạo thực hiện có chất lượng khâu xây dựng, tham vấn chính sách, thông qua chính sách trước khi tiến hành soạn thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết; bảo đảm chính sách phải cụ thể, rõ ràng; các hoạt động tổng kết, khảo sát thực tiễn, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, thu thập thông tin, đánh giá tác động chính sách, lựa chọn chính sách cần thực hiện kỹ lưỡng, nghiêm túc.

Các cơ quan cần tổ chức tốt việc soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết đã có trong Chương trình lập pháp hằng năm, bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ đã được xác định. Việc xây dựng chính sách, soạn thảo dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết có thể được tiến hành trước khi dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết được đưa vào Chương trình lập pháp hằng năm.

Chỉ áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 26 của Luật năm 2025 về việc “ban hành luật, nghị quyết ngay tại kỳ họp QH đang diễn ra hoặc kỳ họp gần nhất” để giải quyết vấn đề thực sự cấp bách, vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn đối với trường hợp xây dựng luật, nghị quyết có hồ sơ được gửi đến UBTVQH sau thời hạn 45 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp QH (thời điểm muộn nhất dự án luật, nghị quyết phải được gửi đến các cơ quan của QH để thẩm tra trước khi trình QH - khoản 1 Điều 37 của Luật năm 2025).

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh: Đổi mới mạnh mẽ tư duy xây dựng pháp luật

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh. (Ảnh: Cổng TTĐTQH)

Nhằm thể chế đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng về đổi mới mạnh mẽ tư duy xây dựng pháp luật, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, ngày 19/2/2025, Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 đã thông qua Luật Ban hành VBQPPL và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2025.

Với tính cách là “Luật” làm “Luật”, việc ban hành Luật Ban hành VBQPPL nhằm kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc xây dựng và vận hành hệ thống VBQPPL thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả, dễ áp dụng trên thực tế, qua đó khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Luật được xây dựng nhằm bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật mà cụ thể là thể chế kịp thời, đầy đủ các ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch QH về đổi mới mạnh mẽ tư duy xây dựng pháp luật; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và tính tương thích với các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội Việt Nam là thành viên; tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của các nước về xây dựng, ban hành VBQPPL.

Đồng thời, Luật kế thừa những nội dung còn phù hợp của Luật năm 2015, đổi mới quy trình xây dựng pháp luật theo hướng bảo đảm tính chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả gắn với tăng cường kỷ cương, kỷ luật, trách nhiệm của các cơ quan, nhất là người đứng đầu trong xây dựng pháp luật. Bảo đảm đầu tư nguồn lực cho công tác xây dựng và tổ chức thi hành VBQPPL tương xứng với tính chất đột phá chiến lược của công tác xây dựng thể chế.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Ngô Trung Thành: Có đổi mới hết sức quan trọng về quy trình xây dựng và ban hành văn bản

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Ngô Trung Thành. (Ảnh: Cổng TTĐTQH)

Đối với quy trình xây dựng và ban hành VBQPPL, trong đó trọng tâm là quy trình xây dựng, ban hành luật, nghị quyết của QH thì quy trình này có đổi mới hết sức quan trọng so với hiện nay. Đó là các cơ quan có liên quan, theo đúng chức năng, nhiệm vụ, phải chịu trách nhiệm đến cùng trong quy trình xây dựng và ban hành luật. Cụ thể, đối với cơ quan trình dự án luật, dự thảo nghị quyết, đặc biệt là đối với Chính phủ, sẽ chịu trách nhiệm đến cùng về chính sách, dự án do mình trình, thuyết trình trước QH và bảo vệ trước QH các nội dung được trình; đồng thời, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo nghị quyết trình QH thông qua.

Về vai trò của các cơ quan thẩm tra, theo Luật Ban hành VBQPPL năm 2025, việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo nghị quyết do cơ quan trình chịu trách nhiệm. Cơ quan thẩm tra bên cạnh thực hiện độc lập trách nhiệm thẩm tra để báo cáo UBTVQH và QH thì sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan trình nhằm tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo sau khi được QH, UBTVQH cho ý kiến.

Sau khi cơ quan trình có báo cáo về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và báo cáo UBTVQH về nội dung này, cơ quan thẩm tra sẽ tiếp tục có ý kiến phản biện về những nội dung được dự kiến tiếp thu, giải trình, chỉnh lý để nâng cao hơn nữa chất lượng các nội dung tiếp thu, giải trình.

T.Hoàng - P.Mai

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/buoc-cai-cach-thay-doi-lon-cua-luat-ban-hanh-van-ban-quy-pham-phap-luat-post544134.html