Bước chuyển có tầm quan trọng chiến lược

Quy định tạm thời 'Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19', ban hành theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, đánh dấu việc chuyển giai đoạn trong nỗ lực phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế ở nước ta...

Với Nghị quyết số 128/NQ-CP này, Chính phủ đã kiến tạo một chính sách “kép” để phục vụ mục tiêu “kép".

Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, ban hành theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, đánh dấu việc chuyển giai đoạn trong nỗ lực phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế ở nước ta.

Đó là bước chuyển có tầm quan trọng chiến lược trong nỗ lực thực hiện mục tiêu “kép”.

Vậy là từ giai đoạn buộc phải chấp nhận hy sinh một phần không nhỏ lợi ích kinh tế và xã hội để tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch, khi dịch chuyển nặng tới mức mỗi ngày có hàng nghìn, rồi trên chục nghìn ca mắc, mà đỉnh điểm là ngày 3/9/2021 với 14.922 ca, Việt Nam bước vào giai đoạn đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu trong năm 2021; mà ở giai đoạn này, cùng với việc tiếp tục chủ động phòng, chống dịch theo chủ trương của Chính phủ là “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, đã có thể tập trung mọi nguồn lực cần thiết để khẩn trương phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội nhằm đạt được mục tiêu “kép”.

Chính thắng lợi và kinh nghiệm từ nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19 mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bàn thảo và kết luận tại Hội nghị lần thứ 4 hồi đầu tháng 10 này là căn cứ quan trọng để Chính phủ đi đến quyết nghị chuyển giai đoạn phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế bằng Nghị quyết số 128/NQ-CP nói trên.

Bước chuyển giai đoạn này, dẫu chưa hoàn toàn là khúc hoan ca, vẫn là tin vui chung, nhất là đối với cộng đồng doanh nghiệp. Vui vì đã có thể kiểm soát dịch bệnh, ngăn chặn về cơ bản hiểm họa gây chết người và làm “nghẽn mạch” nhiều hoạt động kinh tế - xã hội. Và vui hơn nữa là đã có điều kiện phục hồi sản xuất, kinh doanh, lấy lại đà tăng trưởng cho nền kinh tế vừa bị tụt sâu trong quý 3 tới mức âm 6,17%, do tác động tiêu cực từ dịch bệnh.

Bản thân các doanh nghiệp, cả trong và ngoài nước, một mặt phải chịu nhiều thiệt hai do tác động trực tiếp từ dịch Covid-19, mặt khác cũng gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong sản xuất, kinh doanh, mà trong hầu hết các trường hợp là “cực chẳng đã”, theo yêu cầu buộc phải hy sinh lợi ích kinh tế - xã hội, từ các biện pháp phòng chống dịch trên nguyên tắc các chỉ thị 15, 16 và 19 của Thủ tướng Chính phủ, nhất là các biện pháp giãn cách xã hội làm đứt gãy các chuỗi cung ứng.

Theo Nghị quyết số 128/NQ-CP, tạm thời không áp dụng các Chỉ thị số 15, 16, và 19 của Thủ tướng Chính phủ cũng như Quyết định số 2686 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời dịch sẽ được “xếp hạng” bằng 4 cấp độ, với các quy định cụ thể về các biện pháp y tế được áp dụng cũng như về các hoạt động kinh tế - xã hội được thực hiện theo 4 cấp độ này, trong đó, lưu thông, vận chuyển hàng hóa nội tỉnh, liên tỉnh; cơ sở sản xuất, dự án, công trình giao thông, xây dựng được hoạt động ở cả bốn cấp độ.

Vậy là doanh nghiệp được “cởi trói”.

Tuy nhiên, kể từ khi Nghị quyết 128/NQ-CP được ban hành, vẫn còn tình trạng “trên cởi”, “dưới vẫn trói”, khi nhiều địa phương, với tư duy “cát cứ” và cả lo sợ trách nhiệm, tiếp tục duy trì các quy định gây cản trở lưu thông và hoạt động của người dân và doanh nghiệp.

Chỉ xin nêu một ví dụ. Hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định “Không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân; chỉ thực hiện xét nghiệm đối với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3”. Nhưng tỉnh Thừa Thiên – Huế, trong văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP vẫn yêu cầu “xét nghiệm sàng lọc theo thông báo của cơ quan y tế địa phương” đối với “người đến/ở/về từ vùng màu xanh, tương ứng với vùng nguy cơ thấp” (cấp độ 1).

Rõ ràng vẫn chưa có sự thống nhất giữa các cấp trong việc hiểu và áp dụng các quy định theo Nghị quyết 128/NQ-CP.

Ở tầm vĩ mô, với Nghị quyết số 128/NQ-CP này, Chính phủ đã kiến tạo một chính sách “kép” để phục vụ mục tiêu “kép”, vừa kiên quyết thực hiện phòng, chống dịch, theo chủ trương phòng dịch là cơ bản, lâu dài, để bảo đảm môi trường an toàn cho toàn xã hội, vừa tạo mọi điều kiện trong khả năng cho phép để nhanh chóng khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội.

Thành công trong nỗ lực phòng chống dịch Covid-19 đợt 4 là rất to lớn, dẫu với giá phải trả không nhỏ. Chỉ tiếc là do nhiều nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, dịch bệnh đã kéo dài, gây nhiều tổn thất nặng nề. Rất khó để có thể phục hồi đà tăng trưởng kinh tế đạt mức trên 3% cho năm nay như kỳ vọng. Nhưng nếu chỉ số này thấp hơn năm ngoài (2,91%) thì cũng là điều dễ hiểu, nếu so sánh mức độ gây hại của dịch bệnh giữa hai năm.

Vẫn còn thời gian và thời cơ để nền kinh tế nước ta phục hồi và phát triển.

Nguyễn Quốc Uy

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/buoc-chuyen-co-tam-quan-trong-chien-luoc.htm