Đề nghị xem xét trách nhiệm để thiếu vắc-xin tiêm chủng mở rộng
Cử tri nhiều địa phương phản ánh về việc thiếu vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng tại các cơ sở y tế công lập nên nhiều trẻ em không được tiêm chủng đúng lịch.
Tiếp tục phiên họp thứ 38, chiều 7/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Theo báo cáo của Ban Dân nguyện (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) một số kiến nghị cử tri phản ánh những vấn đề khó khăn, vướng mắc cần phải điều chỉnh kịp thời, mặc dù đã được các Bộ, ngành trả lời, tiếp thu nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Chẳng hạn, cử tri nhiều địa phương phản ánh về việc thiếu vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng tại các cơ sở y tế công lập nên nhiều trẻ em không được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm đủ mũi nên có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Nhiều phụ huynh phải đưa con em đi tiêm vắc-xin dịch vụ bên ngoài, ảnh hưởng đến chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Trả lời cử tri, Bộ Y tế nêu đã có nhiều giải pháp để đảm bảo cung ứng đầy đủ vắc-xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng như: xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 13/2024/NĐ-CP ngày 5/2/2024 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 104/NĐ-CP ngày 1/7/2016 quy định về hoạt động tiêm chủng; hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương tổng hợp nhu cầu vắc-xin trên cả nước; hoàn thành mua 10 loại vắc-xin sản xuất trong nước… Đến ngày 10/6/2024, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 1596/QĐ-BYT về Kế hoạch tiêm chủng mở rộng năm 2024, căn cứ vào kế hoạch này, các địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch tiêm chủng.
Ban Dân nguyện phản ánh, qua giám sát cho thấy, ngày 10/7/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 98/NQ-CP về việc bố trí ngân sách trung ương năm 2023 cho Bộ Y tế để mua vắc-xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó đã xác định “bảo đảm có vắc-xin sớm nhất là một nhiệm vụ cấp bách” và giao Bộ Y tế trong tháng 7/2023, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 quy định về hoạt động tiêm chủng theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Nhưng sau 7 tháng thì Nghị định 13/2024/NĐ-CP ngày 5/2/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng mới được ban hành. Theo đó ngân sách Trung ương được bố trí trong ngân sách chi thường xuyên của Bộ Y tế để đảm bảo kinh phí cho các hoạt động trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Đến tháng 6/2024, Bộ mới ban hành Kế hoạch tiêm chủng mở rộng năm 2024.
Tiến độ này, theo cơ quan giám sát là quá chậm để các địa phương có thể triển khai thực hiện. Và, ngay sau đó một tháng (tháng 7/2024) Bộ Y tế tiếp tục tục ban hành Kế hoạch tiêm chủng mở rộng năm 2025, trong nội dung kế hoạch đã nêu kết quả tiêm chủng 5 tháng đầu năm 2024 có 8/11 loại vắc-xin tiêm chủng mở rộng chưa đạt theo kế hoạch, trong đó một số loại tỉ lệ thấp như vắc-xin bại liệt, vắc-xin viêm não Nhật Bản…
Ban Dân nguyện đã đề nghị Đoàn ĐBQH các địa phương thông tin về tình hình cung ứng vắc-xin tại địa phương. Theo báo cáo, tại nhiều địa phương tình trạng thiếu vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đã diễn ra từ cuối năm 2022, đến thời điểm tháng 9/2024 vẫn xảy ra tình trạng này.
Đó là các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng, Bắc Kạn, Cà Mau, Đắk Lắk, Đăk Nông, Điện Biên, Đồng Tháp, Hà Giang, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hậu Giang, Hòa Bình, Khánh Hòa, Lai Châu, Lạng Sơn, Long An, Ninh Thuận, Phú Thọ, Quảng Bình, Sơn La, Thái Bình, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, TP. HCM.
Cơ quan giám sát nhấn mạnh, Chương trình tiêm chủng mở rộng là một chính sách đặc biệt quan trọng của Nhà nước nhằm hướng đến mục tiêu tăng cường sức đề kháng, hình thành miễn dịch cộng đồng cho các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, ngăn chặn sự lây lan, bùng phát của các bệnh dịch, nhất là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Ban Dân nguyện kiến nghị Bộ Y tế có giải pháp quyết liệt bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng; đánh giá về ảnh hưởng khi trẻ em chưa được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm đủ mũi, nhất là đối với những vắc-xin được chỉ định tiêm cho trẻ em ngay sau khi sinh ra và đưa ra các giải pháp khắc phục.
Đồng thời, xem xét trách nhiệm trong việc để xảy ra tình trạng thiếu vắc-xin trong thời gian qua, đánh giá tình hình dịch sởi, bạch hầu và ho gà tại một số tỉnh, thành phố và mối liên quan đối với tình trạng thiếu vắc-xin ở các địa phương; dự báo về diễn biến tình hình dịch bệnh trong thời gian tới.