Bước chuyển giao quan trọng của EU
Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) diễn ra trong 2 ngày 17 và 18-10 được kỳ vọng là dịp để các lãnh đạo châu Âu đưa ra quyết định về cách thức để nước Anh rời EU (Brexit), đồng thời bàn thảo về những chiến lược tương lai của khối, trong bối cảnh môi trường quốc tế đầy biến động và EU đứng trước nguy cơ suy yếu bởi làn sóng dân túy gia tăng.
Bảo tồn giá trị
Tại hội nghị mùa thu này, các nhà lãnh đạo EU bàn thảo về chương trình nghị sự chiến lược và các ưu tiên của EU trong giai đoạn 2019-2024. Chủ tịch mới đắc cử của Ủy ban châu Âu, bà Ursula Von der Leyen, được mời trình bày các ưu tiên thời gian tới. Trong định hướng 5 năm tới, EU quyết tâm tăng cường vai trò của mình trong một môi trường quốc tế biến đổi nhanh chóng. EU đã xác định sẽ hành động quyết đoán và có chủ đích, dựa trên các giá trị và thế mạnh từ mô hình của khối. Chương trình tập trung vào 4 ưu tiên chính: bảo vệ công dân và quyền tự do; thiết lập một cơ sở kinh tế mạnh mẽ và năng động; xây dựng một châu Âu trung lập về khí hậu, xanh, cân bằng và mang tính xã hội cao; thúc đẩy các lợi ích và giá trị của châu Âu trên trường quốc tế.
Với tham vọng xây dựng một Ủy ban châu Âu địa chính trị, bà Von der Leyen đã ngụ ý một cách tiên quyết rằng EU sẽ phải thích nghi với một thế giới của các siêu cường. EU tiếp tục đặt mục tiêu xây dựng mối quan hệ tốt hoặc chí ít là không đối đầu với các siêu cường như Trung Quốc, Nga, thậm chí là Mỹ, đối tác truyền thống xuyên Đại Tây Dương của EU song mối quan hệ hai bên đang sứt mẻ nghiêm trọng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền năm 2017. Mục tiêu này đòi hỏi EU phải có được sức mạnh cả về chính trị, kinh tế và quân sự tương xứng. Điều cản trở chính lại nằm ở EU, bởi vấn đề quan hệ giữa EU với các cường quốc trên tiếp tục gây chia rẽ trong nội bộ khối, mà nguyên nhân xuất phát từ những cân nhắc lợi ích của từng nước thành viên. Pháp, nước đầu tàu châu Âu, muốn đưa vấn đề thương mại ra bàn thảo trong khi Mỹ vừa tăng thuế đối với các sản phẩm châu Âu, nhất là các sản phẩm nông nghiệp.
Sóng gió chưa yên
Dù Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 17-10 xác nhận nước này và EU đã đạt được một thỏa thuận mới về Brexit và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cùng một quan chức thuộc EU cũng cho biết đã hoàn tất thỏa thuận Brexit, nhưng sóng gió vẫn chưa yên.
Lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn lập tức kêu gọi các nghị sĩ bác bỏ dự thảo thỏa thuận này. Ông J.Corbyn cho rằng thỏa thuận Brexit mới “không giúp đoàn kết đất nước”. Ông khẳng định cách tốt nhất để giải quyết vấn đề Brexit là trao cho người dân tiếng nói cuối cùng trong một cuộc trưng cầu ý dân công khai. Ông cảnh báo những đề xuất mới của Thủ tướng Johnson có thể gây rủi ro đối với an toàn thực phẩm, cũng như nguy cơ hệ thống chăm sóc y tế công và miễn phí mà nước này ấp ủ rơi vào tay các tập đoàn tư nhân của Mỹ.
Thỏa thuận Brexit mới của Thủ tướng Johnson cũng vấp phải sự phản đối của đảng Dân chủ Tự do đối lập. Theo lãnh đạo đảng này Jo Swinson, thỏa thuận mới sẽ tác động tới nhiều lĩnh vực như kinh tế, dịch vụ công cộng và môi trường ở Anh.
Trong khi đó, lãnh đạo đảng Dân tộc Scotland (SNP) Nicola Sturgeon tuyên bố sẽ không bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận Brexit mới của Thủ tướng Johnson tại Quốc hội bởi thỏa thuận này khiến việc đưa Anh rời khỏi EU trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Bà Sturgeon nêu rõ những đề xuất mới của ông Johnson cho thấy một mối quan hệ lỏng lẻo hơn với EU khi nói tới những vấn đề như tiêu chuẩn thực phẩm, bảo vệ môi trường và các quyền của người lao động. Quan chức trên nhấn mạnh Scotland và các nghị sĩ SNP sẽ không bỏ phiếu cho Brexit dưới mọi hình thức.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/buoc-chuyen-giao-quan-trong-cua-eu-623156.html