Bước chuyển lịch sử của Mỹ nhìn từ màn phô diễn sức mạnh táo bạo ở Thái Bình Dương: Kỳ cuối

Việc trở lại Căn cứ Không quân Misawa cho thấy một sự điều chỉnh chiến lược của Mỹ nhằm đối phó với việc Trung Quốc gia tăng năng lực quân sự, bao gồm cả các hệ thống chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) tiên tiến như tên lửa Đông Phong-21D (DF-21D) , vốn được mệnh danh 'sát thủ tàu sân bay' và hệ thống phòng không S-400.

Kỳ cuối: Bước chuyển mang tính chiến lược

Máy bay ném bom B-2 Spirit hạ cánh xuống căn cứ không quân Whiteman ở Missouri sau khi làm nhiệm vụ tại Libya. Ảnh: foxnews.com/TTXVN

Máy bay ném bom B-2 Spirit hạ cánh xuống căn cứ không quân Whiteman ở Missouri sau khi làm nhiệm vụ tại Libya. Ảnh: foxnews.com/TTXVN

Bằng cách đưa các máy bay ném bom đến gần hơn với những điểm nóng tiềm tàng, Mỹ muốn làm phức tạp hóa kế hoạch tác chiến của Trung Quốc, đồng thời trấn an các đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc – những quốc gia đang đối mặt với mối đe dọa ngày càng lớn từ chương trình tên lửa của Triều Tiên và các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông.

Yếu tố con người trong đợt triển khai này cũng rất đáng chú ý. Phi đội ném bom viễn chinh số 9 – đơn vị phụ trách nhiệm vụ của B-1B – là một đơn vị dày dạn kinh nghiệm với nhiều chiến dịch tại Trung Đông, châu Âu và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Các phi công từ căn cứ không quân Dyess đã mất nhiều tuần chuẩn bị cho chuyến bay vượt Thái Bình Dương, cần đến nhiều lần tiếp nhiên liệu trên không và sự phối hợp chính xác với các tổ bay tiếp dầu. Khi đến Căn cứ Không quân Misawa, phi đội bắt đầu hòa nhập với các lực lượng bản địa, thực hiện kiểm tra bảo dưỡng trong điều kiện lạ lẫm và lên kế hoạch cho các cuộc tập trận chung với không quân Nhật Bản và Hàn Quốc.

Những tương tác này giúp xây dựng lòng tin và sự phối hợp tác chiến, bảo đảm các lực lượng đồng minh có thể phản ứng nhịp nhàng trước các tình huống khẩn cấp khu vực. Trung tá Christopher Travelstead, Chỉ huy tác chiến của phi đội, nhấn mạnh mục tiêu lớn hơn của sứ mệnh, rằng: “BTF 25-2 thể hiện cam kết của Mỹ trong việc răn đe các mối đe dọa và duy trì ổn định khu vực”.

Kinh nghiệm của phi đội trong các sứ mệnh trước đây, bao gồm bài tập tiếp nhiên liệu nóng (hot-pit refueling) tại Căn cứ Không quân Misawa vào tháng 2/2025 đã giúp họ sẵn sàng đối mặt với những thách thức khi hoạt động tại môi trường mới, từ thời tiết khắc nghiệt đến điều phối không phận phức tạp.

Về mặt địa chính trị, đợt triển khai này truyền tải một thông điệp đa chiều. Với các đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc, nó khẳng định quyết tâm của Mỹ trong việc cân bằng ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh Bắc Kinh thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Với Trung Quốc, sự hiện diện của B-1B và B-2 trong tầm tấn công cho thấy Lầu Năm Góc có khả năng đưa sức mạnh sâu vào những khu vực tranh chấp, thách thức chiến lược A2/AD của Bắc Kinh. Triều Tiên – nước từng đe dọa sẽ trả đũa sau khi B-1B bay qua Hàn Quốc – cũng có thể phải điều chỉnh cách hành xử sau màn phô diễn sức mạnh này.

Đợt triển khai này diễn ra đồng thời với các hoạt động quân sự gần đây của Trung Quốc, bao gồm việc tăng cường các chuyến bay của máy bay ném bom H-6N gần Đài Loan và các cuộc tập trận hải quân chung với Liên bang Nga tại biển Nhật Bản. Dù chưa thể khẳng định có mối liên hệ trực tiếp, nhưng những diễn biến song song này cho thấy một “trò chơi ăn miếng trả miếng” trong khu vực, nơi các bên đều muốn khẳng định vị thế mà không dẫn đến xung đột công khai.

Khái niệm BTF thể hiện sự phát triển lớn hơn trong tư duy quân sự của Mỹ. Bằng cách thay thế mô hình triển khai lâu dài, dễ đoán bằng các vòng luân chuyển ngắn hơn, linh hoạt hơn, không quân Mỹ muốn khiến đối phương khó lường, đồng thời tối đa hóa khả năng cơ động chiến lược.

Từ năm 2018, các sứ mệnh BTF đã mở rộng ra các căn cứ tại châu Âu, Trung Đông và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, với các máy bay ném bom tập trận cùng đồng minh như Australia, Ấn Độ và Philippines. Đợt triển khai tại Căn cứ Không quân Misawa – có tên mã BTF 25-2 – tiếp nối các nhiệm vụ từ đầu năm 2025, như triển khai B-1B đến Guam vào tháng 1 và bài tập tiếp nhiên liệu nóng tại Nhật Bản vào tháng 2.

Sự hiện diện đồng thời của B-2 tại Diego Garcia – được xác nhận bằng ảnh vệ tinh của Planet Labs – cho thấy khả năng của Không quân Mỹ trong việc tổ chức hoạt động đa chiến trường, vừa đối phó với mối đe dọa từ Iran ở Trung Đông, vừa duy trì áp lực lên Trung Quốc tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Nhìn xa hơn tác động tác chiến tức thì, đợt triển khai này cũng đặt ra câu hỏi về tương lai của lực lượng máy bay ném bom chiến lược của Mỹ. B-1B, hiện đã gần 40 năm tuổi, đang đối mặt với nhiều thách thức bảo dưỡng do khung thân xuống cấp, và hiện chỉ còn khoảng 60 chiếc còn hoạt động.

Không quân Mỹ có kế hoạch cho nghỉ hưu toàn bộ đội bay này vào đầu những năm 2030 và thay thế bằng B-21 Raider – máy bay ném bom tàng hình thế hệ mới đang trong quá trình phát triển. B-2, với chỉ 20 chiếc còn hoạt động, cũng là một tài sản hữu hạn, đòi hỏi nhà chứa chuyên dụng và công tác bảo dưỡng tốn kém để giữ nguyên khả năng tàng hình.

Cả hai nền tảng này đều đang được xem xét để tích hợp vũ khí siêu vượt âm, có thể kéo dài tuổi thọ của chúng trong các cuộc xung đột tương lai. Một báo cáo của Không quân năm 2022 cho biết B-1B có thể mang tới 8 tên lửa siêu vượt âm, giúp tăng đáng kể khả năng tấn công từ xa.

Nếu được triển khai thực tế, nâng cấp này sẽ biến B-1B thành “cầu nối” sang B-21, đảm bảo Mỹ duy trì ưu thế công nghệ trước các đối thủ như Trung Quốc – quốc gia đang phát triển các hệ thống siêu vượt âm của riêng mình, như phương tiện lướt DF-ZF.

Đợt triển khai này cũng nhấn mạnh vai trò ngày càng quan trọng của tình báo nguồn mở (OSINT) trong việc theo dõi hoạt động quân sự. Báo cáo của OSINTdefender – dựa trên dữ liệu theo dõi chuyến bay và bài đăng mạng xã hội – cho thấy cách mà các nhà phân tích dân sự có thể ghép nối thông tin tác chiến theo thời gian thực.

Ảnh vệ tinh từ Planet Labs, xác nhận sự hiện diện của B-2 tại Diego Garcia, tiếp tục minh chứng cho vai trò của công nghệ thương mại trong phân tích quốc phòng hiện đại. Những công cụ này không chỉ nâng cao nhận thức công chúng mà còn buộc quân đội phải thích nghi với thời đại minh bạch chưa từng có, nơi mọi động thái chiến lược đều bị cả đồng minh lẫn đối thủ giám sát kỹ lưỡng.

Khi Mỹ điều hướng qua một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương ngày càng bất ổn, việc triển khai B-1B tới Misawa và B-2 tới Diego Garcia là một bước đi được tính toán nhằm răn đe hành động gây hấn, đồng thời củng cố các liên minh.

Trong những tuần tới, có khả năng sẽ diễn ra các cuộc tập trận chung với các đối tác khu vực – có thể bao gồm F-35, P-8 và F-15 của Nhật Bản – khi Không quân Mỹ tìm cách hoàn thiện năng lực tác chiến đa miền. Trung Quốc, về phần mình, có thể sẽ phản ứng bằng việc gia tăng các chuyến tuần tra máy bay ném bom hoặc thử tên lửa, thể hiện sự không sẵn lòng nhường bước trên sân chơi khu vực.

Thế cân bằng mong manh giữa răn đe và leo thang sẽ là phép thử cho quyết tâm của tất cả các bên liên quan. Trong khi đợt triển khai này củng cố vị thế của Mỹ, nó cũng đặt ra câu hỏi về chiến lược dài hạn: Đây chỉ là màn phô diễn lực lượng tạm thời, hay là bước dạo đầu cho một sự hiện diện lâu dài hơn tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương? Câu trả lời có thể phụ thuộc vào cách Bắc Kinh, Bình Nhưỡng và các nhân tố khu vực khác diễn giải và phản ứng với màn trình diễn sức mạnh táo bạo này của không quân Mỹ.

Thành Nam/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/buoc-chuyen-lich-su-cua-my-nhin-tu-man-pho-dien-suc-manh-tao-bao-o-thai-binh-duong-ky-cuoi-20250419222658615.htm