Bước chuyển mạnh của nông nghiệp Thủ đô
5 năm qua, với sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư lớn của TP Hà Nội, ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, từng bước nâng cao đời sống cho nông dân.
Tỷ lệ hộ nghèo còn 0,69%
Những năm qua, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trở thành mối quan tâm lớn của Hà Nội. Nhiều Nghị quyết, chương trình của Thành ủy về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân; các cơ chế, chính sách phát triển “tam nông” của T.Ư và TP được ban hành đã tạo cơ hội và động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp Thủ đô.
Từ những chủ trương, chương trình hành động cụ thể, Đảng bộ cơ quan Sở NN&PTNT đã bám sát, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả. Nhờ đó, giá trị sản xuất nông nghiệp đã đạt 280 triệu đồng/ha, tăng 1,2 lần so với năm 2015 (vượt kế hoạch đề ra 47 triệu đồng/ha).
Quan trọng hơn, đời sống người nông dân không ngừng được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến cuối năm 2019 đạt 51,5 triệu đồng/năm (tăng 19 triệu đồng so với năm 2015). Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,5% năm 2015 xuống còn 0,69% vào đầu năm 2020.
Tính đến tháng 5/2020, toàn TP đã có 6/18 huyện, thị xã và 353/382 xã (chiếm 92,4% tổng số xã) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, vượt kế hoạch trước 2 năm so với mục tiêu. Ngoài ra, còn có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Năm 2020, Hà Nội phấn đấu có thêm 15 xã về đích nông thôn mới.
Nâng cao giá trị hàng hóa nông sản
Dù chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đã có nhiều tiến bộ, tuy nhiên, kết quả trên chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Quy mô sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ. Tăng trưởng nông nghiệp còn thấp. Việc thu hút đầu tư vào phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế...
Nhận thức được những thách thức đặt ra trong giai đoạn 2020 – 2025, ngành nông nghiệp Hà Nội xác định nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là tiếp tục rà soát, tham mưu UBND TP ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Sở NN&PTNT Hà Nội cũng sẽ tăng cường chỉ đạo thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển nông nghiệp đã được TP phê duyệt. Trọng tâm là sản xuất lúa hàng hóa, rau an toàn, hoa, cây cảnh, cây ăn quả, chăn nuôi bò thịt, bò sữa chất lượng cao...
Bên cạnh thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng hàng hóa, nông sản, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng hợp tác sản xuất và chế biến với các tỉnh, TP trong nước và nước ngoài. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, nâng cao khả năng cạnh tranh cho nông sản và sản phẩm làng nghề của Thủ đô.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, cùng với phát triển sản xuất nông nghiệp, đơn vị cũng sẽ tổ chức thực hiện tốt đề án xây dựng nông thôn mới. Kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tại cơ sở. Từ nay đến năm 2025, sẽ tổ chức sơ kết hàng năm nhằm đánh giá hiệu quả từng chương trình, đề án, dự án; từ đó, rút kinh nghiệm để kịp thời chỉ đạo thực hiện.
"Trong giai đoạn 2020 – 2025, các địa phương cần tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Thúc đẩy liên kết theo chuỗi nhằm gia tăng giá trị cho hàng hóa, nông sản. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các huyện, xã đã đạt chuẩn nông thôn mới..." - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/buoc-chuyen-manh-cua-nong-nghiep-thu-do-384646.html