Bước chuyển mình bất ngờ của Nhật Bản
Nội các Nhật Bản lần đầu tiên thông qua bản cập nhật chiến lược an ninh quốc gia sau 9 năm, đặt ra tham vọng đóng vai trò tích cực hơn trong an ninh khu vực.
Ngày 16/12, Nhật Bản đã công bố một bản chiến lược an ninh quốc gia mới, quyết định tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng. Điều này phá vỡ tiền lệ của Tokyo vốn đã kéo dài hàng thập kỷ về việc hạn chế chi tiêu cho quân sự, theo New York Times.
Động thái mới cho thấy Nhật Bản đang tìm cách tăng cường năng lực quân sự để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Bản chiến lược an ninh quốc gia mới phản ánh những thay đổi địa chính trị so với phiên bản được công bố gần một thập kỷ trước. Năm 2013, Nhật Bản coi Trung Quốc và Nga là đối tác chiến lược.
Giờ đây, Tokyo coi sự trỗi dậy của Bắc Kinh là “thách thức chiến lược lớn nhất” đối với trật tự quốc tế. Nhật Bản cũng cứng rắn hơn trong việc đánh giá nước Nga.
Sau cuộc họp nội các, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết Nhật Bản đã đạt đến “bước ngoặt” lịch sử, đòi hỏi nước này phải xây dựng quân đội. Ông lưu ý rằng Nhật Bản sẽ thực hiện một loạt biện pháp, từ quân sự đến ngoại giao, để phản ứng với sự thay đổi khu vực.
“Các quốc gia và khu vực láng giềng của Nhật Bản đang tồn tại những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng sức mạnh”, ông Kishida nói.
Khẳng định vị thế quốc phòng
Chiến lược mới thể hiện bước tiến của Nhật Bản, hướng tới việc xây dựng một quân đội vững mạnh và giảm sự phụ thuộc vào Mỹ. Sau nhiều thập kỷ phản đối, các cuộc thăm dò gần đây cho thấy hơn một nửa đất nước Nhật Bản ủng hộ tăng cường quân sự.
Điều đó cho phép ông Kishida thúc đẩy các biện pháp phòng thủ vốn được coi là cực đoan. Nhật Bản sẽ mua tên lửa có khả năng nhắm mục tiêu vào căn cứ nằm trong lãnh thổ của đối thủ để đáp trả các cuộc tấn công.
“Một năm trước, tôi không thể tưởng tượng được rằng người dân Nhật Bản sẽ ủng hộ sáng kiến an ninh này”, Tetsuo Kotani, giáo sư quan hệ quốc tế tại đại học Meikai và thành viên cao cấp tại Viện Các vấn đề Quốc tế Nhật Bản, cho biết.
Khi công bố chiến lược an ninh quốc gia vào năm 2013, Nhật Bản xác định Triều Tiên và chương trình hạt nhân là mối quan tâm an ninh lớn nhất. Hàng loạt vụ thử tên lửa trong năm nay và tuyên bố mở rộng kho vũ khí hạt nhân cho thấy Triều Tiên vẫn là một mối đe dọa với Nhật Bản.
Dù vậy, chiến lược an ninh quốc gia mới coi Trung Quốc là thách thức lớn nhất.
Tài liệu năm 2013 đã báo trước sự thay đổi đó. Ông Shinzo Abe khi ấy đã nỗ lực thúc đẩy đất nước thoát khỏi chủ nghĩa hòa bình. Ông gọi sự thay đổi này là không thể tránh khỏi, nhất là khi Trung Quốc tăng chi tiêu quân sự, theo đuổi yêu sách phi lý về lãnh thổ tại Biển Đông và quanh khu vực Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản quản lý.
Vào năm 2015, Nhật Bản đã thông qua luật mở rộng vai trò của quân đội Nhật Bản, hay được gọi với tên “Lực lượng Phòng vệ”. Động thái này đã phải nhận nhiều chỉ trích của công chúng khi làm lung lay vị thế quốc gia duy nhất từ bỏ chiến tranh của Nhật Bản.
Trong nhiều thập kỷ, lực lượng cánh hữu Nhật Bản đã nỗ lực đưa đất nước thoát khỏi ràng buộc của chủ nghĩa hòa bình. Họ cho rằng các giới hạn của hiến pháp đã ngăn cản Nhật Bản tự vệ và đóng vai trò lớn hơn trong các vấn đề quốc tế.
Thế khó của Nhật Bản
Ông Kishida khẳng định Nhật Bản có kế hoạch tăng gấp đôi chi tiêu quân sự. Các cuộc tranh luận sau đó tập trung vào việc làm cách nào để chi trả những khoản tiền này, thay vì làm cách nào để khoản chi tiêu được phê duyệt.
“Mọi người ủng hộ việc tăng cường lực lượng phòng vệ. Họ ủng hộ việc tăng chi tiêu quốc phòng, nhưng họ không thích phải trả thêm thuế”, Hideki Uemura, giáo sư chính trị và an ninh quốc tế tại đại học Ryutsu Keizai, cho biết.
Nhật Bản vẫn đang cố gắng thắt chặt quan hệ với Trung Quốc. Hai bên cũng tìm cách cải thiện quan hệ, điển hình như cuộc gặp trực tiếp diễn ra vào tháng trước, đánh dấu lần đầu tiên lãnh đạo hai nước gặp gỡ sau ba năm.
Nhưng những lo lắng mơ hồ của Nhật Bản về mối đe dọa quân sự tiềm tàng từ Trung Quốc đã dần thành hình khi Bắc Kinh đáp trả chuyến thăm đảo Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. Trung Quốc đã triển khai các cuộc tập trận quân sự, bao gồm nhiều vụ diễn tập bắn tên lửa vào vùng biển gần các đảo của Nhật Bản.
Đài Loan là nhà cung cấp sản phẩm bán dẫn quan trọng đối với các ngành công nghiệp Nhật Bản. Bất kỳ cuộc xung đột nào xảy ra quanh Đài Loan đều có thể liên quan đến Okinawa, nơi phần lớn lực lượng Mỹ ở Nhật Bản đóng quân.
Các cuộc xung đột gần đây đã khiến các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản phải xem xét kỹ những điểm yếu của lực lượng quân đội, đặc biệt là trên không gian mạng.
“Nếu Nhật Bản hy vọng nhận được sự hỗ trợ từ bên ngoài, họ cần phải làm nhiều hơn nữa trong việc xây dựng hệ thống phòng thủ nội địa”, Brad Glosserman, một chuyên gia về chính sách Nhật Bản, nhận định.
Các tài liệu được công bố dự kiến chi tiêu cho quốc phòng Nhật Bản tăng tổng cộng 43.000 tỷ yên (gần 315 tỷ USD) trong 5 năm tới.
Mức ngân sách mới có thể đưa Nhật Bản vào nhóm những nước chi tiêu quân sự nhiều nhất thế giới. Nhưng con số này vẫn quá nhỏ bé so với mức chi tiêu quân sự 801 tỷ USD của Mỹ và 293 tỷ USD của Trung Quốc vào năm ngoái, theo dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm.
Năm 2021, Nhật Bản là nước chi tiêu quân sự lớn thứ 9 thế giới, xếp sau Saudi Arabia.
Tự chủ khả năng quốc phòng
Ngân sách tăng sẽ được chuyển đến nhiều chương trình khác nhau, như củng cố cơ sở hạ tầng hoặc hệ thống hậu cần. Khoản chi tiêu cũng bao gồm trợ cấp cho việc xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng tự chủ.
Nhật Bản đã bắt đầu củng cố hệ thống phòng thủ tại các hòn đảo phía tây nam, đề phòng một cuộc xung đột có thể xảy ra tại khu vực Đài Loan.
Khả năng phản công bằng tên lửa cũng được Nhật Bản quan tâm. Nhật Bản hy vọng sẽ sở hữu khoảng 1.000 tên lửa, bắt đầu với Tomahawk của Mỹ và sau đó là hệ thống vũ khí riêng.
Nhật Bản đang hợp tác với Italy và Anh nhằm sản xuất một máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo. Máy bay mới sẽ được đưa vào sử dụng vào những năm 2030, bổ sung cho phi đội F-35.
Chiến lược mới của Nhật Bản phù hợp với quan điểm của Mỹ. Washington từ lâu đã thúc đẩy Nhật Bản chịu nhiều trách nhiệm hơn về khả năng phòng thủ.
Khoản chi tiêu quốc phòng 2% GDP cũng khiến Nhật Bản phù hợp với cam kết của thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), theo SCMP.
Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel nhận định những thay đổi này là một “dấu mốc quan trọng” đối với Nhật Bản và hợp tác quân sự Nhật - Mỹ.
“Họ đang giúp chúng tôi thực hiện chiến lược răn đe”, ông nói.
Ngày 16/12, Trung Quốc đã kêu gọi Nhật Bản “suy ngẫm về các chính sách của mình”.
“Nhật Bản không tôn trọng sự thật, đi chệch khỏi những hiểu biết chung giữa Trung Quốc - Nhật Bản và cam kết của nước này đối với quan hệ song phương”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/buoc-chuyen-minh-bat-ngo-cua-nhat-ban-post1385583.html