Bước chuyển mới khi Tân Hiệp thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) với mục tiêu chung là nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững thông qua việc tăng năng suất, chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng. Qua 2 năm triển khai thực hiện đề án đem lại hiệu quả trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM ĐỊA PHƯƠNG

Những năm qua, nông nghiệp huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) phát triển toàn diện, từng bước hình thành các vùng sản xuất gắn tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, dù giá trị hàng hóa nông sản nâng lên, song đời sống của nông dân còn khó khăn. Trước thực trạng trên, huyện xây dựng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030.

Đồng chí Bùi Quốc Duy - Huyện ủy viên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hiệp cho biết: “Để đạt mục tiêu đề án đề ra, huyện đề ra nhiều giải pháp phù hợp tình hình thực tế địa phương; cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và bền vững. Đề án từng bước nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán sản xuất, canh tác... để tiếp cận thành tựu khoa học, công nghệ mới qua thực hiện tái cơ cấu nhằm làm giảm chi phí, tạo giá trị tăng cao và phát triển bền vững”.

Ngành nông nghiệp huyện Tân Hiệp đang thực hiện tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng dựa trên phát triển chuỗi giá trị của các ngành hàng có lợi thế, đặc biệt quan tâm phát triển sản phẩm địa phương, sản phẩm chủ lực, OCOP, trong đó xác định lấy liên kết sản xuất để nâng cao chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm và dịch vụ tiêu thụ nông sản làm trung tâm của quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Qua đó thúc đẩy sự tham gia, liên kết sản xuất giữa các hộ gia đình với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức của nông dân.

Đến nay, Tân Hiệp có 61 hợp tác xã, 67 tổ hợp tác. Người dân mạnh dạn thay đổi tư duy để sản xuất hàng hóa phù hợp nhu cầu của thị trường, tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên hợp tác xã, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” được triển khai mang lại diện mạo mới cho sản phẩm của hợp tác xã về chất lượng, hình thức và số lượng. Tân Hiệp có 12 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, sản phẩm phong phú, đa dạng, được người tiêu dùng đánh giá cao. “Chả lụa của gia đình tôi được sản xuất theo hướng truyền thống. Sau nhiều năm xây dựng, chả lụa được công nhận là một trong những sản phẩm đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh. Đây là động lực để tôi cũng như doanh nghiệp, hợp tác xã phấn đấu nâng cao chất lượng sản phẩm để vươn ra thị trường lớn”, anh Đinh Minh Trí - chủ cơ sở sản xuất chả lụa Minh Trí thông tin.

ĐẨY MẠNH LIÊN KẾT SẢN XUẤT

Mục tiêu đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện Tân Hiệp đến năm 2025, năng suất bình quân đạt 6,5 tấn/ha, phát triển sản xuất lúa cánh đồng lớn chất lượng cao đạt trên 35.000ha; năng suất rau màu và cây ăn trái đạt 29.905 tấn/ha. Khai thác và tận dụng tốt lợi thế của địa phương, xây dựng và phát triển vùng sản xuất quy mô lớn, thích ứng với biến đổi khí hậu, tổ chức lại sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư xây dựng nông thôn mới, tiếp tục thúc đẩy phát triển đời sống của nông dân, góp phần giảm nghèo.

Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp làm thay đổi nông nghiệp, nông thôn ở huyện Tân Hiệp (Kiên Giang). Trong ảnh: Đường nông thôn ở xã Thạnh Đông A, huyện Tân Hiệp được bê tông hóa.

Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp làm thay đổi nông nghiệp, nông thôn ở huyện Tân Hiệp (Kiên Giang). Trong ảnh: Đường nông thôn ở xã Thạnh Đông A, huyện Tân Hiệp được bê tông hóa.

Theo đồng chí Bùi Quốc Duy, để thực hiện đạt mục tiêu trên, huyện Tân Hiệp tiếp tục xây dựng quy hoạch vùng, tiểu vùng có tính khoa học và khả thi; tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân đầu tư, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao gắn sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Đồng thời, chỉ đạo và quản lý sản xuất nông nghiệp đúng quy hoạch, bổ sung phát triển lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản theo hướng nâng cao chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngoài thực hiện tốt các chương trình hợp tác với doanh nghiệp, tổ chức, huyện ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, đào tạo nâng cao năng lực sản xuất; thu hút dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp quy mô lớn, làm nòng cốt tác động chuyển đổi phương thức sản xuất và liên kết tiêu thụ, chế biến nông sản tập trung.

Mặt khác, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp; hỗ trợ triển khai thực hiện đăng ký nhãn hiệu hàng hóa nông sản đặc thù. Đẩy mạnh triển khai mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại; mô hình liên kết giữa sản xuất gắn tiêu thụ hình thành chuỗi giá trị, mô hình sản xuất đủ điều kiện an toàn, vệ sinh thực phẩm; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khuyến nông, cán bộ quản lý cho các hợp tác xã nông nghiệp... Đồng thời đẩy mạnh đầu tư hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phục vụ thực hiện đề án, nhất là hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế vườn, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới...

Bài và ảnh: THỦY TIÊN

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//kinh-te/buoc-chuyen-moi-khi-tan-hiep-thuc-hien-de-an-tai-co-cau-nganh-nong-nghiep-9448.html