Bước chuyển mới trong công tác giảm nghèo bền vững ở Đakrông

Những năm qua, công tác giảm nghèo bền vững luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể huyện Đakrông tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, cùng với sự nỗ lực, cố gắng của toàn dân nên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được triển khai toàn diện, đồng bộ; ngân sách nhà nước và nguồn lực huy động cho công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 gần 380.000 triệu đồng. Thông qua thực hiện các dự án thuộc chương trình giảm nghèo, người nghèo đã xây dựng được các mô hình phát triển kinh tế giảm nghèo hiệu quả. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện bình quân giảm 5,54%/năm, vượt mục tiêu chương trình đề ra.

 Chăn nuôi dê ở xã Tà Long, huyện Đakrông - Ảnh: Đ.T

Chăn nuôi dê ở xã Tà Long, huyện Đakrông - Ảnh: Đ.T

Có thể khẳng định Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 ban hành phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội của huyện Đakrông. Các nội dung đầu tư của chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tạo sự ổn định và nâng cao đời sống cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giải quyết những khó khăn, bức xúc trong đời sống và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện một cách bền vững. Nhờ vậy, đến cuối năm 2020, tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm còn khoảng 28,75%.

Trong quá trình thực hiện chương trình, việc hỗ trợ phát triển sản xuất và xây dựng mô hình giảm nghèo tại các xã, thị trấn đã được chú trọng. Trong giai đoạn 2016 - 2020, huyện đã hỗ trợ những giống cây trồng, vật nuôi mới phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, theo quy hoạch và nguyện vọng của người dân, thực hiện bằng cách hỗ trợ trực tiếp cho người dân để phát triển sản xuất. Người dân đã nhận được 690 con bò cái vàng, 7 con bò cái lai 25% máu bò Sind, 46 con giống lợn nái Móng Cái, 8 con lợn giống Vân Pa, 90 con giống lợn thịt F1, lợn bản 74 con, 1.062 con dê giống địa phương, giống gà địa phương 2.497 con, 36.171 tấn phân bón, 1.527 kg giống ngô, 5.450 kg giống lạc, 980.897 giống cây keo, 645.860 giống cây bời lời đỏ, 2.700 cây chuối lùn, 37.500 chồi giống dứa Queen, giống ngan 1.812 con.

Bên cạnh đó, người dân còn được hỗ trợ 3 máy tuốt lúa đạp chân có gắn động cơ, 9 máy xát lúa và nghiền ngô, 10 máy gieo lạc, 16 máy cắt cỏ và 34 máy sạ hàng. Thông qua việc hỗ trợ làm chuồng trại, thức ăn chăn nuôi và hỗ trợ phân bón, hỗ trợ các giống vật nuôi, cây trồng mới, người dân đã có điều kiện để chuyển từ hình thức sản xuất quảng canh sang hình thức sản xuất bán thâm canh và thâm canh. Năng suất các loại cây trồng đều tăng lên qua các năm. Chăn nuôi có chuồng trại và chủ động được nguồn thức ăn nên hạn chế tình trạng gia súc bị gầy yếu và chết trong những đợt rét đậm, rét hại. Máy móc cũng được hỗ trợ kịp thời để nâng cao hiệu quả sản xuất, giải phóng dần sức lao động cho người dân.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn huyện đã xây dựng được 27 mô hình phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, thu hút 364 hộ tham gia. Tiêu biểu là các mô hình nuôi lợn bản tại xã A Vao; trồng cây gỗ lớn tại khóm A Rồng, trồng cây mít Thái, trồng nấm sò tại thị trấn Krông Klang; trồng cây bí đỏ tại xã Đakrông; trồng gấc tại xã Ba Lòng; trồng cây dược liệu hương nhu trắng tại xã Hướng Hiệp; chăn nuôi hươu sao tại xã Triệu Nguyên; trồng chuối lùn, chăn nuôi dê, trồng lạc có liên kết tiêu thụ sản phẩm ở nhiều địa phương... Bằng những nguồn lực hỗ trợ kết hợp với sự giám sát trong quá trình thực hiện, các mô hình bước đầu có những tác động tích cực, góp phần thay đổi tập quán sản xuất từ lạc hậu đến tiên tiến hơn, tạo thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân…

Huyện Đakrông cũng đã giao khoán chăm sóc và bảo vệ 2.600 ha rừng cho 51 hộ gia đình. Thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ nhận giao khoán cho các hộ theo đúng quy định. Việc lập hồ sơ giao khoán bảo vệ rừng, giao đất, giao rừng theo đúng trình tự, thủ tục, đúng đối tượng. Diện tích rừng được giao khoán bảo vệ, giao đất, giao rừng đều là rừng phòng hộ có nguy cơ xâm hại cao, dễ bị lấn chiếm, khai thác trái phép gỗ và cần thiết được bảo vệ nghiêm ngặt. Thực hiện chính sách giao rừng gắn liền với giao đất triển khai trên địa bàn các xã Đakrông, Hướng Hiệp với diện tích giao 608 ha, có 78 hộ tham gia và triển khai cho cộng đồng tại địa bàn 2 xã Tà Long và Húc Nghì với diện tích giao 330 ha. Hỗ trợ gạo cho hộ nghèo tại các xã tham gia trồng rừng và nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng trong thời gian chưa tự túc được lương thực theo dự án được duyệt.

Trong giai đoạn 2016 - 2020 đã thực hiện hỗ trợ 9.387 kg gạo. Các hộ nghèo nhận khoán sau khi được hỗ trợ gạo cơ bản đã tự túc được lương thực, đảm bảo cho khả năng nhận khoán và bảo vệ rừng. Công tác giao đất, giao rừng, giao khoán bảo vệ rừng đã góp phần tạo việc làm, hỗ trợ thêm thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng và ven rừng. Nhận thức của người dân về lợi ích của rừng, về các chính sách hỗ trợ của nhà nước trong việc bảo vệ rừng có nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng rừng được cải thiện, độ che phủ rừng tăng, tính đa dạng sinh học của rừng được bảo vệ và ngày càng phát triển. Trong 5 năm đã cấp 2.760 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trồng rừng sản xuất cho người dân các xã với diện tích 2.892,9 ha.

Hỗ trợ đầu tư trồng rừng 2.206 ha trên địa bàn các xã. Qua đó tạo vùng rừng nguyên liệu theo quy hoạch phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và chuyển đổi cơ cấu sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới cấp xã, huyện đã được phê duyệt.

Đối với Tiểu dự án 2: Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại địa bàn các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi với 1.260 hộ hưởng lợi, hỗ trợ 14 lớp tập huấn với 382 lượt người tham gia. Người dân đã được hỗ trợ 52 kg giống ngô lai, 3.330 hom giống cỏ VA06, 127.270 giống cây keo các loại, 345 giống cây ổi, 1.000 cây bơ giống, 440 bầu cây giống thanh long ruột đỏ; 304 kg giống lạc L14. Đối với những hộ chăn nuôi cũng đã được hỗ trợ 60 con lợn thịt F1, 26 con giống lợn nái Móng Cái, 47 con lợn bản, 40 con lợn Vân Pa, 209 con giống bò cái vàng Việt Nam và 39 con bò lai 25% máu bò Sind, 1.078 con giống dê, 6.600 con cá giống, 850 con gà giống, 7 con trâu cái.

Hỗ trợ cho người chăn nuôi 2.919 kg thức ăn đậm đặc, hỗn hợp cho lợn; 1.128 chai, gói thuốc thú y; 2.155 kg phân bón các loại, 20 chai thuốc bảo vệ thực vật. Người dân còn được hỗ trợ 26 máy bóc tách hạt ngô, 9 máy xát 2 tác dụng, 87 máy cắt cỏ, 5 máy tuốt lúa đạp chân, 14 bình bơm thuốc bảo vệ thực vật, 24 lưỡi cuốc, xẻng, 19 dụng cụ gieo lạc. Hỗ trợ xây dựng 15 mô hình như nuôi lợn thịt, chăn nuôi vịt ở xã Triệu Nguyên; chăn nuôi dê ở 2 xã A Bung và Húc Nghì; 3 mô hình trồng chuối lùn tại xã Tà Rụt; chăn nuôi gà thả vườn, chăn nuôi bò theo nhóm hộ ở xã Đakrông; chăn nuôi lợn bản, trồng ngô có liên kết tiêu thụ sản phẩm, trồng chuối mật mốc tại xã A Ngo; chăn nuôi bò, trồng lúa nếp than ở xã Tà Long; chăn nuôi gà ri ở xã Húc Nghì; chăn nuôi gà theo nhóm hộ ở xã Ba Nang...

Để triển khai hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững theo tinh thần Chỉ thị số 05- CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030”, phấn đấu giảm tỉ lệ hộ nghèo đa chiều trên địa bàn huyện Đakrông bình quân hằng năm giai đoạn 2021 - 2025 từ 4 - 5% và giai đoạn 2026 - 2030 từ 3 - 4% theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, huyện Đakrông xác định giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong đó, tập trung chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo đến tận người dân nhằm làm chuyển biến nhận thức và tạo sự đồng thuận, thống nhất trong tổ chức thực hiện.

Tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận với các chương trình giảm nghèo để khơi dậy ý thức tự vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng của người nghèo, tiến tới xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, giúp người dân chủ động trong việc tìm kiếm các giải pháp giảm nghèo bền vững. Đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa các giống mới vào sản xuất, giúp người dân thay đổi tập quán sản xuất cũ, phát hiện, xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, nhất là các mô hình kinh tế khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương và có sự tham gia của chính người nghèo. Đó chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm tạo bước chuyển mới trong công tác giảm nghèo bền vững ở Đakrông.

Đan Tâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=162798&title=buoc-chuyen-moi-trong-cong-tac-giam-ngheo-ben-vung-o-dakrong