Bước chuyển Nậm Khòa

Nậm Khòa nằm ở phía Nam huyện Hoàng Su Phì, với 2 dân tộc anh em cùng sinh sống là Nùng và Dao. Những năm qua, Đảng bộ xã đã tích cực vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế gắn với xây dựng Nông thôn mới. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên đáng kể, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.

Mô hình trồng cây dược liệu của người dân thôn Sơn Thành Thượng, xã Nậm Khòa.

Mô hình trồng cây dược liệu của người dân thôn Sơn Thành Thượng, xã Nậm Khòa.

Dẫn chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi tổng hợp của anh Lò Vàn Hin, thôn Khòa Hạ; lãnh đạo xã hồ hởi cho biết: Đây là một thanh niên dám nghĩ, dám làm, với sự năng động, sáng tạo của tuổi trẻ, Hin đã mạnh dạn vay 60 triệu đồng theo Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh. Anh đầu tư xây dựng chuồng trại và mua thêm trâu về nuôi theo hình thức vỗ béo và trồng 500 m2 cỏ làm thức ăn cho đàn trâu. Đến nay, đàn trâu nhà anh duy trì thường xuyên từ 10 – 12 con. Nhờ được tiếp thu kiến thức từ các lớp tập huấn của xã, cùng việc chủ động học hỏi kinh nghiệm, áp dụng KHKT vào chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh, nên đàn trâu phát triển tốt. Cứ khoảng 4 – 5 tháng, khi trâu đủ trọng lượng, anh sẽ xuất bán và tiếp tục mua trâu gầy về vỗ béo. Ngoài ra, tận dụng diện tích đất đồi rộng, anh mua gà về nuôi theo hướng chăn thả với quy mô 100 con/lứa. Mỗi năm, gia đình anh thu nhập trên 120 triệu đồng từ chăn nuôi. Anh Hin chia sẻ: Ban đầu, gia đình chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt. Sau quá trình tìm hiểu, tôi đã mạnh dạn chuyển sang chăn nuôi theo hướng hàng hóa và đem lại cho gia đình nguồn thu nhập ổn định.

Cũng giống như anh Lò Văn Hin, gia đình anh Triệu Chìn Sín cũng mạnh dạn chuyển sang chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Nhận thấy điều kiện đất đai rộng, nguồn cỏ dồi dào cùng với các phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp như lá ngô, chuối, cám gạo, rơm,… gia đình anh đã vay vốn để phát triển chăn nuôi trâu hàng hóa. Hiện nay, gia đình anh thường xuyên duy trì từ 10 - 15 con trâu; từ năm 2017 đến nay, luôn thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm. Anh Sín cho biết: Theo tập quán sản xuất trước đây của địa phương, mỗi gia đình chỉ nuôi 1 – 2 con trâu để lấy sức cày kéo. Vài năm trở lại đây, chúng tôi đã nhận thức rõ về việc chăn nuôi hàng hóa sẽ đem lại giá trị kinh tế cao hơn, giúp gia đình nâng cao thu nhập nên nhiều hộ đã mạnh dạn vay vốn để phát triển chăn nuôi theo quy mô gia trại. Hiệu quả kinh tế đã được khẳng định rõ rệt, các hộ đã từng bước thay đổi tập quán sản xuất, chăn nuôi; qua đó, đời sống cũng ngày càng khấm khá hơn trước đây.

Theo thống kê của xã, hiện nay, trên địa bàn có khoảng 10 hộ chăn nuôi trâu với quy mô gia trại; mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng. Ngoài nuôi trâu, các mô hình chăn nuôi dê, lợn đen bản địa, gia cầm cũng đem lại nguồn thu đáng kể cho các hộ dân, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 19 triệu đồng/năm, đạt gần 140% nghị quyết và tăng 10,2 triệu đồng so với năm 2015.

Với sự năng động, sáng tạo trong công tác lãnh, chỉ đạo trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ xã Nậm Khòa đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Thực hiện 17/22 chỉ tiêu đạt và vượt Nghị quyết Đại hội đề ra. 5 chỉ tiêu còn lại đạt từ 85% trở lên. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển biến tích cực; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 14%, mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Bình quân lương thực đầu người đạt 750kg/năm, tăng 125 kg so với năm 2015. Xây dựng NTM đạt 11/19 tiêu chí, xã đạt chuẩn Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế. Đời sống mọi mặt của nhân dân được nâng lên đáng kể, nông nghiệp, nông thôn ngày càng khởi sắc.

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202006/buoc-chuyen-nam-khoa-761133/