Bước chuyển trong cải cách hành chính lĩnh vực lao động, người có công
Để thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã triển khai đồng bộ các nội dung, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, tạo ra bước chuyển tích cực trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.
Công chức Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn công dân giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
Hơn 9 giờ sáng, chị Mai Thị Phương, phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa) đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh để giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Chị Phương cho biết: “Tôi đến đây làm thủ tục di chuyển hồ sơ khi người hưởng trợ cấp ưu đãi thay đổi nơi thường trú, được công chức Sở LĐTBXH hướng dẫn tạo tài khoản, nộp hồ sơ trực tuyến và viết phiếu hẹn 24 ngày sau nhận kết quả. Tôi thấy quy trình giải quyết TTHC của Sở LĐTBXH ngày càng có nhiều đổi mới, công chức thân thiện, gần gũi với người dân”.
Nhằm phục vụ tổ chức, công dân một cách tốt nhất, cán bộ, công chức Sở LĐTBXH luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Chị Phạm Thị Kim Ngân, chuyên viên Sở LĐTBXH, được phân công tiếp nhận hồ sơ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cho biết: “Trung bình mỗi ngày tôi tiếp nhận 25 - 30 hồ sơ của công dân. Tất cả hồ sơ sau khi kiểm tra và tiếp nhận, tôi đều chuyển luôn về cho các phòng chuyên môn của sở giải quyết, bảo đảm nhanh chóng, đúng thời gian quy định. Đặc biệt, để tiếp nhận ý kiến phản hồi của tổ chức, cá nhân một cách khách quan nhất, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã trang bị thiết bị đánh giá sự hài lòng của tổ chức, công dân đối với sự phục vụ của từng sở, ngành làm việc tại trung tâm. Năm 2023, qua đánh giá đối với Sở LĐTBXH, 100% tổ chức, công dân đều hài lòng với chất lượng phục vụ”.
Để tạo ra bước chuyển trong cải cách hành chính, Sở LĐTBXH tập trung chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện TTHC trên môi trường điện tử và đổi mới việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa” liên thông trong giải quyết TTHC. Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các TTHC thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Năm 2023, Sở LĐTBXH đã thanh tra, kiểm tra 4 đơn vị trực thuộc sở để đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế để các đơn vị có những giải pháp khắc phục kịp thời. Công tác kiểm soát TTHC cũng được thực hiện thường xuyên. Trong năm qua, Sở LĐTBXH đã tham mưu trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 7 quyết định công bố 4 TTHC mới ban hành, 14 TTHC sửa đổi, bổ sung và 13 TTHC bị bãi bỏ thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Việc mở rộng tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh. Theo đó, Sở LĐTBXH đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt danh mục 2 TTHC lĩnh vực người có công thuộc thẩm quyền giải quyết của sở đưa vào thực hiện thí điểm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính trên địa bàn tỉnh. Đó là thủ tục cấp trích lục hoặc sao hồ sơ người có công với cách mạng và TTHC di chuyển hồ sơ khi người hưởng trợ cấp ưu đãi thay đổi nơi thường trú. Việc công khai tất cả các TTHC thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia và trên Trang thông tin điện tử của sở được thực hiện nghiêm túc. Cùng với đó, sở đã niêm yết công khai nội dung “ba không” để tổ chức, công dân được biết và giám sát trong quá trình cung cấp các dịch vụ công theo chức năng quản lý của sở.
Thúc đẩy chuyển đổi số trên các lĩnh vực của ngành, Sở LĐTBXH đã đẩy mạnh sử dụng các phần mềm ứng dụng để cung cấp các dịch vụ công và giải quyết công việc. Nổi bật là phần mềm trực tuyến người có công, quản lý hộ nghèo, hộ cận nghèo, bảo trợ xã hội, kế toán, quản lý tài sản, phần mềm quản lý cán bộ, công chức, viên chức... Sở cũng thực hiện số hóa đối với các thành phần hồ sơ người có công mới phát sinh và đã có trên 330.000 hồ sơ người có công (đạt tỷ lệ 100%) được số hóa phục vụ nhu cầu tra cứu thông tin và giải quyết các chế độ, chính sách ưu đãi được thuận tiện, dễ dàng so với trích lục hồ sơ giấy. Ngoài ra, Sở LĐTBXH đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm đẩy mạnh hướng dẫn người lao động sử dụng dịch vụ công trực tuyến “Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp” trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia bằng các hình thức phù hợp, hiệu quả. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục tổ chức triển khai chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ.
Với nhiều giải pháp đồng bộ, năm 2023, tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và các đơn vị trực thuộc Sở LĐTBXH đã tiếp nhận 229.952 hồ sơ giải quyết TTHC. Kết quả, đã giải quyết 227.149 hồ sơ, trong đó số hồ sơ giải quyết đúng hạn và trước hạn là 227.140 hồ sơ; số hồ sơ đang giải quyết trong hạn là 2.803 hồ sơ, quá hạn 9 hồ sơ. Theo đánh giá của Sở LĐTBXH, nguyên nhân dẫn đến 9 hồ sơ quá hạn đến từ yếu tố khách quan do các bộ, ngành, cơ quan có liên quan chậm trễ trong việc phối hợp cung cấp bản trích lục hồ sơ thương binh và không có văn bản phúc đáp nên Sở LĐTBXH không có căn cứ để giải quyết TTHC và trả kết quả cho công dân.
Hướng tới mục tiêu phục vụ tổ chức, công dân ngày càng tốt hơn, Sở LĐTBXH tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách TTHC nhằm tạo ra nhiều chuyển biến tích cực hơn nữa trong những năm tiếp theo.