Bước đầu tiên 'biến lời nói thành hành động' trong pháp luật kinh doanh 6 tháng đầu năm
Theo lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), pháp luật kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018 đã có bước đi đầu tiên 'biến lời nói thành hành động'.
Hội thảo “Điểm lại pháp luật kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018”. (Ảnh: DNVN/Nhật Tân)
Sáng 31/7, tại Hà Nội, VCCI đã tổ chức Hội thảo “Điểm lại pháp luật kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018”, với sự tham dự của lãnh đạo VCCI, đại diện cho các hiệp hội doanh nghiệp, chuyên gia cùng đông đảo phóng viên báo chí.
Tại Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI đã phân tích sâu những thành quả đáng ghi nhận của pháp luật kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2018.
Đã có những dấu hiệu tích cực trong nửa đầu năm 2018, với khá nhiều văn bản pháp luật đã được ban hành để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các văn bản ở cấp nghị định.
“Nói một cách lạc quan, có thể coi 6 tháng đầu năm 2018 là giai đoạn chứng kiến những bước đi đầu tiên của việc “biến lời nói thành hành động”. Biểu hiện ra bên ngoài của các hành động hiện thực hóa quyết tâm cải cách thể chế trong 6 tháng đầu năm là rất phong phú”, ông Tuấn nói.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: DNVN/Nhật Tân)
Đó có thể là những hành động tấn công trực diện vào những rào cản đối với các hoạt động của doanh nghiệp (các điều kiện kinh doanh), đối với sản phẩm cụ thể mà doanh nghiệp làm ra (các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa), hay đối với hoạt động kinh doanh hằng ngày của doanh nghiệp (quyền tự chủ, tự do kinh doanh).
Là những hành động hướng tới việc giảm bớt gánh nặng quản lý hành chính Nhà nước dưới nhiều hình thức cải cách thủ tục hành chính hay cải cách quy trình quản lý quy hoạch ngành, vùng, địa bàn.
Và có thể là hành động nhằm thúc đẩy cạnh tranh công bằng, đáng tin cậy và được bảo vệ bởi công lý thông qua việc minh bạch hóa các bản án của Tòa án trong các vụ tranh chấp liên quan tới hoạt động kinh doanh, ông Tuấn phân tích.
Trong nửa đầu năm 2018, khi nói về cải cách điều kiện đầu tư kinh doanh, theo ông Tuấn, phải kể tới những Nghị định mới về điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực thuộc quản lý của Bộ Công Thương, đặc biệt là các Nghị định về kinh doanh khí và kinh doanh xuất khẩu gạo.
Một số quy định có tác động tới doanh nghiệp liên quan đến quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa đã được ban hành, mang đến làn gió cải cách đáng khích lệ cho lĩnh vực vốn rất bất cập nhưng chưa nhận được sự quan tâm đúng mức này.
Sự ra đời của Nghị định 15/2018/NĐ-CP về an toàn thực phẩm thực sự là một cuộc cách mạng, mang đến những lợi ích to lớn cho doanh nghiệp. Theo đó, phương pháp quản lý an toàn thực phẩm chủ yếu đã thay đổi từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Thay vì phải được sự đồng ý của cơ quan nhà nước thì doanh nghiệp có thể tự công bó an toàn thực phẩm, Nhà nước sẽ tập trung vào công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các trường hợp công bố không chính xác.
Theo ước tính của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, Nghị định 15 sẽ giảm đến 90% chi phí hành chính, giúp tiết kiệm 10 triệu ngày công và 3700 tỷ đồng mỗi năm cho doanh nghiệp.
Nghị định 74/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã đưa ra quy trình kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu một cách khá chi tiết, giải quyết nhiều vấn đề vướng mắc trên thực tế trước đây.
Ngoài ra, những cải cách trong lĩnh vực tư pháp cũng đã góp phần bảo đảm môi trường kinh doanh tin cậy.
“Tháng 5 và tháng 6 vừa qua, ngành tư pháp đã đưa ra hai văn bản pháp lý quan trọng giúp tháo gỡ vướng mắc giải quyết nợ xấu và thi hành quyết định phá sản. Đó là Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐTP và Thông tư liên tịch 07/2018/TTLT-BTP-VKSNDTC-TANDTC. Đây là hai vấn đề bị coi là “cục máu đông” của nền kinh tế từ nhiều năm qua do không có những hướng dẫn, giải thích rõ ràng từ cơ quan làm chính sách’, ông Tuấn nhấn mạnh.
Đồng tình với những điểm sáng của pháp luật kinh doanh 6 tháng đầu năm, đại diện nhiều hiệp hội tham dự Hội thảo cho rằng những bước đi đầu tiên “biến lời nói thành hành động” trên đã giúp cho cộng đồng doanh nghiệp được cởi trói phần nào trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Dzong, đại diện cho Hiệp hội In Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.
Đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng, chặng đường phía trước vẫn còn dài, cần sự “kiên trì và dai dẳng” từ phía doanh nghiệp trong tiến trình đề nghị các bộ, ban, ngành sửa đổi hoặc cắt giảm điều kiện kinh doanh gây khó trong thời gian tới.
Nhấn mạnh về bước đi đầu tiên nhằm “biến lời nói thành hành động” trong pháp luật kinh doanh, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI chia sẻ: “Chúng ta thấy có nhiều điểm tích cực hơn trong lời nói và hành động, nhất là trong khoảng thời gian hai năm qua, đặc biệt là với động thái hành động của Chính phủ mới. Ngay từ năm 2015 đến nay, mỗi năm Chính phủ đều có Nghị quyết 19 với mục tiêu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh nhưng kết quả thực hiện Nghị quyết này lại còn hạn chế. Vì vậy, theo tôi, mặc dù đã có những chuyển biến trong việc cải thiện môi trường kinh doanh của các bộ ngành nhưng chưa như kỳ vọng”.
Ông Lộc nhấn mạnh việc xây dựng hệ thống pháp luật kinh doanh là mục tiêu quan trọng của Chính phủ kiến tạo, bởi vậy, VCCI quyết định, cứ 6 tháng sẽ tiến hành điểm lại toàn cảnh pháp luật kinh doanh một lần nhằm đưa ra những nhận định, định hướng và dự báo về pháp luật kinh doanh, từ đó, thúc đẩy cải cách thể chế, tạo điều kiện thuận lợi và rất cần thiết cho Nhà nước và doanh nghiệp.
Nhật Tân