Theo ghi nhận của phóng viên, sáng 19/2, dọc bãi biển xã Thịnh Lộc hàng trăm người dân đổ xô ra bãi biển để vớt sò lông. Đây cũng là ngày thứ 3 liên tiếp khu vực nơi đây có lượng sò lông trôi dạt vào bờ nhiều.
Từ sáng sớm, người dân nối nhau có mặt tại bờ biển xã Thịnh Lộc để vớt “lộc biển” mặc thời tiết lạnh giá. Dụng cụ của họ là vợt sắt dài 1,5m, gắn lưới dài khoảng 2m. Sau đó, ngư dân đi ra ngoài vùng biển sâu 60-80cm ngụp lặn xúc sò.
Để đảm bảo an toàn khi xúc sò ở dưới biển, người dân dùng sợi dây thừng buộc chặt vào bụng rồi phân công 1-2 người đứng trên bờ để kéo dây.
Sò lông sau khi được xúc từ dưới biển lên sẽ được những người thân ở trên bãi cát đổ ra rồi phân loại trực tiếp.
Trung bình mỗi lượt xúc họ nhặt ra được 0,5 – 1kg sò sống
Anh Dương Thanh Hán (49 tuổi, trú xã Thịnh Lộc) chia sẻ, trong 3 ngày gần đây lượng sò lông đổ về bãi biển nhiều, anh cùng người thân trong gia đình sau hơn 2 giờ ngụp lặn đã bắt được khoảng 50kg sò lông.
Đa số sò lông dạt vào bờ biển là sò sống, vỏ luôn mở ra và có thể nhìn thấy ruột bên trong. Ngoài sò lông, ngư dân còn bắt được sò mai, sò trạng...
Theo nhiều ngư dân tại đây cho biết, do thời tiết lạnh giá và sóng biển lớn nên việc ngụp lặn xuống nước để vớt sò lông rất nguy hiểm và mất nhiều công sức.
Sau khi phân loại sò để vào bao tải, các thương lái sẽ đến trực tiếp ngay tại bờ biển và thu mua với giá 10.000 – 12.000 đồng/kg. Nếu chăm chỉ mỗi gia đình có thể bỏ túi 800.000 – 1.700.000 đồng/ngày.
Ông Nguyễn Khắc Phong, Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc cho biết, thời gian gần đây, sò lông thường xuyên trôi dạt vào bãi biển địa phương, tuy nhiên khoảng 3 ngày gần đây, sò lông dạt vào nhiều nhất. Đây được xem là 'lộc biển' đầu năm nên người dân trong xã rất phấn khởi nên huy động các thành viên trong gia đình ra biển nhặt sò để kiếm thêm thu nhập.
Cẩm Kỳ