Bước đi đảo ngược ở Thái Lan

Hệ quả từ cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đang thúc đẩy Thái Lan đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, sau nhiều năm lĩnh vực này bị đình trệ.

 Thái Lan đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Ảnh: Reuters.

Thái Lan đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Ảnh: Reuters.

Ông Wattanapong Kurovat - Tổng giám đốc Văn phòng Kế hoạch và Chính sách Năng lượng Thái Lan - cho biết quốc gia Đông Nam Á này buộc phải suy tính lại về chiến lược năng lượng tái tạo, sau khi giá khí đốt tự nhiên tăng cao vào năm ngoái do chiến sự Ukraine.

Tình hình trở nên trầm trọng hơn do sản lượng của Thái Lan giảm, Bloomberg đưa tin.

“Khi chúng tôi kêu gọi các nhà máy năng lượng tái tạo bán thêm năng lượng vào năm ngoái, chúng tôi nhận thấy những gì chúng tôi đang có là tất cả. Chúng tôi đã không thể có thêm khi cần”, ông Wattanapong nói trong cuộc phỏng vấn ở Bangkok.

Một số quốc gia ứng phó với xu hướng giá nhiên liệu toàn cầu tăng cao bằng cách đầu tư thêm vào các mỏ than hoặc khí đốt. Trong khi đó, những nước như Thái Lan xem xét tới phương án dùng pin Mặt Trời hoặc tuabin gió để độc lập hơn trong lĩnh vực năng lượng.

Bước đảo ngược của Thái Lan

Là một phần nỗ lực thúc đẩy an ninh năng lượng, vào tháng trước, chính phủ Thái Lan đã công bố kế hoạch mua điện khoảng 5 gigawatt năng lượng tái tạo. Đây được coi là chương trình biểu giá điện đầu vào lớn nhất cho đến nay.

Ông Wattanapong tiết lộ thêm khoản đầu tư này dự kiến tăng gấp đôi công suất năng lượng Mặt Trời và gió ở Thái Lan vào năm 2030. Ngoài ra, giới chức cũng lên kế hoạch cho đợt khác với công suất 3,67 gigawatt vào cuối năm nay.

Bloomberg nhận định đây là bước đảo ngược với Thái Lan. Quốc gia này vốn trì hoãn sử dụng năng lượng gió và mặt trời mới, ưu tiên dùng khí đốt tự nhiên suốt nhiều năm như loại nhiên liệu chuyển đổi trước khi đổi sang các nguồn sạch hơn.

Ở một số nền kinh tế mới nổi, các dự án năng lượng tái tạo khó có được chỗ đứng, trong bối cảnh lưới điện hạn chế, thủ tục lằng nhằng và thiếu kinh phí.

Theo Guardian, khí tự nhiên từ lâu được coi là nhiên liệu chuyển đổi cho các nền kinh tế phụ thuộc vào than để đáp ứng nhu cầu năng lượng. Khí tự nhiên có lượng carbon dioxide thấp hơn so với than, nhưng đòi hỏi cơ sở hạ tầng tương tự. Những nhà máy điện chạy bằng khí đốt chỉ mất vài năm để hoàn thành xây dựng.

 Thái Lan đặt mục tiêu cắt giảm 30-40% lượng khí thải vào năm 2030. Ảnh: Reuters.

Thái Lan đặt mục tiêu cắt giảm 30-40% lượng khí thải vào năm 2030. Ảnh: Reuters.

Thái Lan phụ thuộc vào nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng để sản xuất điện, dẫn đến chi phí bị đẩy lên cao do giá giao ngay loại nhiên liệu này tăng vào năm ngoái. Công ty điện lực nhà nước đã gánh khoản chi phí khoảng 150 tỷ baht (4,4 tỷ USD) trong nỗ lực kiềm chế hóa đơn tiện ích tăng vọt vào năm ngoài.

Chi phí điện tăng trở thành chủ đề quan trọng, khi các chiến dịch tranh cử của Thái Lan nóng lên trước thềm bầu cử ngày 14/5. Một số đảng đề xuất cắt giảm hóa đơn năng lượng.

Ông Wattanapong cho biết khi các hộ gia đình và doanh nghiệp gặp khó khăn, việc xây dựng nền móng cho các nguồn tái tạo nội địa thêm phần cấp bách.

Thêm tham vọng

Ông Wattanapong cho biết kế hoạch phát triển năng lượng tiếp theo của chính phủ Thái Lan sẽ có những mục tiêu tham vọng hơn nữa. Kế hoạch này dự kiến được công bố và đề xuất vào cuối năm nay với nội các mới sau đợt bầu cử sắp tới.

Những sửa đổi cũng giúp Thái Lan đạt được các mục tiêu về khí hậu, trong đó cắt giảm 30-40% lượng khí thải vào năm 2030, trên con đường đạt mức 0 vào năm 2065.

 Một số quốc gia ứng phó với xu hướng giá nhiên liệu toàn cầu tăng cao bằng cách đầu tư vào các mỏ than hoặc khí đốt. Ảnh: Reuters.

Một số quốc gia ứng phó với xu hướng giá nhiên liệu toàn cầu tăng cao bằng cách đầu tư vào các mỏ than hoặc khí đốt. Ảnh: Reuters.

Ông Wattanapong cho biết năng lượng tái tạo sẽ chiếm hơn 50% tổng sản lượng điện vào năm 2037 của nước này, tăng từ mức khoảng 20% trong kế hoạch hiện tại.

Sự cấp bách trong chuyển đổi năng lượng tái tạo của Thái Lan cũng được thể hiện trong việc sản xuất khí đốt trong nước suy giảm.

Sản lượng tại Erawan - mỏ khí đốt tự nhiên lớn nhất Thái Lan - đã giảm 64% vào năm ngoái khi Tập đoàn năng lượng Chevron của Mỹ bàn giao mỏ này cho công ty dầu khí nhà nước PTT Exploration & Production.

“Sản lượng khí đốt tự nhiên nội địa của chúng tôi sẽ tiếp tục đi xuống. Sau cùng, khí đốt sẽ đóng vai trò nhỏ hơn bao giờ hết trong bức tranh năng lượng”, ông Wattanapong nói.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/buoc-di-dao-nguoc-o-thai-lan-post1428196.html