Chỉ số ESG là gì? Tại sao đầu tư ESG lại trở thành xu thế phát triển bền vững toàn cầu?

Trong bối cảnh toàn cầu đang nỗ lực cắt giảm khí thải nhà kính để giữ cho Trái đất không nóng lên và chống biến đổi khí hậu, chỉ số ESG đã ra đời và phát triển lớn mạnh để trở thành xu thế của thời đại.

Để hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng carbon bằng 0 vào năm 2050, lượng khí thải nhà kính toàn cầu cần phải cắt giảm sâu so với mức của năm 2019. Theo đó, yêu cầu cần đề ra trong giai đoạn năm 2030 là cắt giảm 40% lượng khí thải nhà kính và 60% vào năm 2035. Khi quãng đường tiến tới 2 cột mốc này ngày một gần, các doanh nghiệp trên toàn cầu sẽ phải chịu trách nhiệm về tác động mà họ đã gây ra đối với môi trường và xã hội, cùng với nghĩa vụ về hiệu quả tài chính. Để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và tác động đến môi trường - xã hội của doanh nghiệp, thuật ngữ ESG đã ra đời. Hiện nay, ESG ngày càng được sử dụng rộng rãi trong bối cảnh thế giới đang gấp rút tiến tới mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Thuật ngữ ESG là gì?

 ESG - Environmental Social and Governance là thuật ngữ đang được nhắc tới nhiều hiện nay.

ESG - Environmental Social and Governance là thuật ngữ đang được nhắc tới nhiều hiện nay.

ESG là thuật ngữ viết tắt của Environmental Social and Governance, tạm dịch là Môi trường, Xã hội và Quản trị. Đây là một bộ tiêu chí phi tài chính dùng để đo lường hiệu quả của doanh nghiệp đối với cộng đồng. Có thể thấy rõ 3 yếu tố chính của ESG sẽ bao gồm môi trường, xã hội và quản trị.

 Sơ đồ tóm tắt về ý nghĩa của ESG.

Sơ đồ tóm tắt về ý nghĩa của ESG.

Yếu tố môi trường được sử dụng để đánh giá các chính sách về khí hậu của doanh nghiệp, hiệu suất sử dụng năng lượng, mức độ phát thải, mức độ ô nhiễm, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đối đãi với động vật. Ngoài ra, các cân nhắc khác bao gồm phát thải khí nhà kính trực tiếp hoặc gián tiếp, quản lý chất thải độc hại và tuân thủ quy định về môi trường.

Yếu tố xã hội được coi là tiêu chí để đánh giá mối quan hệ của doanh nghiệp đối với đối tác hay người lao động. Khung đánh giá này sẽ cho biết cách doanh nghiệp đối xử và bảo vệ nhân viên như thế nào, chăm sóc nhà cung cấp, khách hàng và công chúng của mình ra sao. Trong đó, các tiêu chí cụ thể phải kể tới sự đa dạng, công bằng và hòa nhập, điều kiện làm việc dành cho nhân viên. Đảm bảo sự riêng tư, bảo vệ dữ liệu và chăm sóc dành cho khách hàng. Và cuối cùng là chăm lo tới cộng đồng địa phương.

Yếu tố quản lý cũng được sử dụng như một cơ chế kiểm soát hối lộ, tham nhũng, thuế, thù lao điều hành, bỏ phiếu cổ động và kiểm soát nội bộ. Doanh nghiệp phải đảm bảo sử dụng phương pháp kế toán chính xác, minh bạch, lựa chọn lãnh đạo một cách chính trực và đa dạng để tránh xung đột lợi ích. Quản trị doanh nghiệp một cách tích cực mang ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển và đem lại lợi ích lâu dài cho hội đồng cổ đông, người lao động và cộng đồng.

ESG đã trở thành xu thế bắt buộc trên toàn cầu

Dựa trên những tác động tới môi trường, xã hội và hiệu suất quản trị, mỗi doanh nghiệp sẽ được đánh giá thông qua chỉ số ESG. Nếu chỉ số ESG càng cao, doanh nghiệp càng thể hiện được năng lực thực hành tốt ESG.

Dưới góc nhìn về đầu tư, chỉ số ESG vừa là thước đo thu hút nhà đầu tư, vừa là kim chỉ nam xây dựng thương hiệu và chiến lược dài hạn cho doanh nghiệp đạt được mục tiêu phát triển bền vững, giảm thiểu rủi ro về môi trường, xã hội và quản trị. Đối với các nhà đầu tư có trách nhiệm với xã hội, chỉ số ESG sẽ là tiêu chuẩn sử dụng để lựa chọn ra các khoản đầu tư có tiềm năng, từ đó loại bỏ rủi ro. Hơn thế, việc đầu tư vào các doanh nghiệp có chiến lược ESG có thể đem tới lợi nhuận cao hơn so với các doanh nghiệp không có chiến lược ESG.

Năm 2004, thuật ngữ ESG lần đầu tiên xuất hiện trong báo cáo của Liên Hợp Quốc. Đến năm 2023, ESG đã phát triển từ một sáng kiến trở thành hiện tượng toàn cầu với tổng tài sản đầu tư ESG đạt 35.000 tỷ USD. Tính trong giai đoạn từ năm 2005 - 2020, hoạt động đầu tư ESG đã tăng trưởng tới 456%. Ước tính tới năm 2025, con số này sẽ tăng lên mức 50.000 tỷ USD. Theo tờ Bloomberg của Anh Quốc, ESG giờ đây đã trở thành xu thế, chiến lược chủ đạo, thậm chí còn bắt buộc ở một số quốc gia.

 ESG ngày càng được chú trọng và trở thành bắt buộc ở nhiều nơi trên thế giới.

ESG ngày càng được chú trọng và trở thành bắt buộc ở nhiều nơi trên thế giới.

Theo Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam VINASA, hiện nay có 8 nhóm ngành tiên phong triển khai công nghệ số, đổi mới sáng tạo và ESG bao gồm:

Nhóm I. Nhóm Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, giải pháp cho thị trường quốc tế: Xuất khẩu phần mềm; Cung cấp nhân lực CNTT quốc tế.

Nhóm II. Nhóm Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, giải pháp nghiệp vụ B2G: Chính phủ số; Thành phố thông minh.

Nhóm III. Nhóm Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, giải pháp nghiệp vụ B2B, B2B2C và B2C: Quản trị vận hành; Tài chính; Chuyển đổi số sản xuất; Bán hàng; Quảng cáo, tiếp thị và truyền thông số; Nội dung số và giải trí điện tử; Sản xuất, phân phối thiết bị viễn thông, CNTT; Tuyển dụng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; Hậu cần và thương mại điện tử; Hạ tầng số; BPO; Testing; Tư vấn giải pháp CNTT, Chuyển đổi số.

Nhóm IV. Các doanh nghiệp có năng lực công nghệ mới xuất sắc: A-IoT; Bảo mật, an toàn thông tin; Blockchain; FinTech; EdTech; PropTech; HealthTech; AgriTech.

Nhóm V. Các doanh nghiệp tiên phong triển khai công nghệ số, đổi mới sáng tạo và ESG

Nhóm VI. Các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Nhóm VII. Nhóm doanh nghiệp tăng trưởng ấn tượng

Nhóm VIII. Nhóm bình chọn đặc biệt

Theo: Tổng hợp

Gia Tuệ

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/chi-so-egs-la-gi-tai-sao-dau-tu-esg-lai-tro-thanh-xu-the-phat-trien-ben-vung-toan-cau-90008.html