Bước đi khôn ngoan của tỷ phú J.P. Getty trong suy thoái kinh tế

Trong những năm 1930, thời kỳ nước Mỹ chìm trong suy thoái kinh tế, J. Paul Getty đã mua một lượng lớn cổ phiếu và tính toán xây dựng một doanh nghiệp dầu mỏ khép kín.

Trong kinh doanh, cũng như trong giới chính trị, chúng ta thường khó có thể đi ngược lại niềm tin và thái độ của số đông. Các doanh nhân dám đi ngược lại quan điểm thông thường phải lường trước được rằng mình sẽ bị cản trở, chế giễu và nguyền rủa.

Dầu vậy, trong thời kỳ nước Mỹ chìm trong suy thoái kinh tế vào những năm 1930, tôi vẫn quyết tâm mua một lượng lớn cổ phiếu và tính toán xây dựng một doanh nghiệp dầu mỏ khép kín.

Bạn bè và người quen của tôi, chưa kể đến các đối thủ cạnh tranh, cảm thấy việc mua vào ồ ạt này sẽ sớm trở thành một sai lầm chết người. Sau đó, khi tôi tuyên bố ý định mua cổ phần của một trong bảy công ty dầu khí lớn đang hoạt động ở California, ngay cả những người từng ủng hộ tôi cũng hoài nghi rằng tôi đã mất trí.

Các công ty dầu khí lớn thường mua lại các công ty khai thác độc lập. Nhưng một công ty độc lập thu mua một công ty lớn ư? Đó được xem là một quan điểm lập dị. Một nỗ lực nhằm đảo lộn toàn bộ hoạt động hiện tại của công ty! Tuy nhiên, tôi vẫn quyết tâm theo đuổi đến cùng kế hoạch của mình.

Các công ty dầu khí mà tôi nắm quyền hoặc nắm giữ cổ phần chỉ tham gia vào việc tìm kiếm và sản xuất dầu thô. Để đảm bảo thị trường cho loại dầu này và khai thác các giếng dầu mới trong tương lai, đầu tư vào một công ty kinh doanh dầu thô và có các cơ sở tiếp thị và tinh chế dầu có vẻ là một bước đi khôn ngoan.

Chỉ có bảy công ty như vậy tại California - Tất cả đều là công ty dầu lớn. Đứng đầu danh sách này là Công ty Dầu mỏ Standard ở California - công ty này hiển nhiên quá lớn để bất kỳ nhà vận hành độc lập nào đủ khả năng mua cổ phần.

Điều tương tự cũng đúng với Công ty Dầu mỏ Shell. Cái tên tiếp theo là Công ty Dầu mỏ Union, nhưng công ty này có nguồn dầu thô của riêng mình. Công ty General Petroleum cũng vậy, một công ty đóng và không bán cổ phiếu. Danh sách chỉ còn lại ba công ty: Công ty Dầu mỏ Richfield đang trên bờ vực phá sản và không phải là một triển vọng đầu tư hấp dẫn; Công ty Dầu mỏ Texas có nguồn cung cấp nguồn dầu thô dồi dào; và cuối cùng, Công ty Dầu mỏ liên kết Tide Water.

Tide Water có vẻ là sự lựa chọn hợp lý. Công ty này chỉ cung ứng được một nửa lượng dầu thô cần thiết cho nhà máy lọc dầu, số còn lại phải thu mua từ các nhà khai thác khác. Tide Water cũng có một mạng lưới tiếp thị phổ quát và các sản phẩm của họ được người tiêu dùng đánh giá cao. Tôi nhìn ra những lợi thế tuyệt vời khi liên kết với Tide water – lợi ích sẽ được chia đều cho tất cả các bên liên quan, và đặc biệt nhất là 34.668 cổ đông cá nhân và người tiêu dùng đã mua sản phẩm của Tide water.

 Tỷ phú J. Paul Getty. Nguồn: thetimes.

Tỷ phú J. Paul Getty. Nguồn: thetimes.

Tôi khởi động chiến dịch Tide Water của mình vào tháng 3 năm 1932 bằng cách mua 1.200 cổ phiếu phổ thông với mức 2,5 đôla mỗi cổ phiếu. trong vòng sáu tuần sau đó, số cổ phiếu tôi sở hữu đã tăng lên 41.000. Gần 20 năm đã trôi qua trước khi tôi nắm toàn quyền kiểm soát công ty.

Vào thời điểm đó, tôi cùng các công ty sản xuất của mình đã thu mua hàng triệu cổ phiếu phổ thông của Tide Water. Tôi đã không sai khi lựa chọn mua ở mức giá trong thời kỳ suy thoái năm 1932. Năm năm sau, cổ phiếu phổ thông của Tide Water tăng hơn 16 đôla và mỗi cổ phiếu cũng có giá trị cao gấp nhiều lần.

Không dễ gì để giành quyền kiểm soát công ty dầu mỏ liên kết Tide Water. Chúng tôi phải đối mặt với rất nhiều rủi ro và thái độ chống đối, những cuộc chiến pháp lý và ủy quyền liên tục diễn ra. vô số tình huống nguy cấp phát sinh.

Kết quả cuối cùng vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. Nỗ lực đầu tiên để giành lấy tiếng nói trong ban quản trị Tide Water của tôi được tiến hành vào tháng 5 năm 1932. Tôi đã tham dự cuộc họp cổ đông thường niên với 41.000 cổ phiếu cá nhân cùng một giấy ủy quyền cho 126.000 cổ phiếu phát hành thêm.

Đột nhiên vào phút chót, giấy ủy quyền bị thu hồi. Những nỗ lực của tôi đã chấm dứt trong thất bại. Tôi quyết định mua thêm cổ phiếu và cố gắng thuyết phục Ban giám đốc Tide Water nghe theo ý tưởng của mình.

Tuy nhiên họ lại không nhìn nhận vấn đề theo cách của tôi mà còn rục rịch chuẩn bị cho một cuộc chiến trường kỳ khốc liệt. Tại sao? Tôi cho rằng xuất phát từ nhiều lý do. Đầu tiên, tôi là người ngoài nên có rất ít hoặc gần như chưa có kinh nghiệm ứng xử với bầu không khí hung hăng trong phòng họp hội đồng.

“Paul Getty, hãy yên vị ở chỗ của anh trên mấy giàn khoan đi,” một giám đốc của Tide Water đột nhiên nổi cơn thịnh nộ khi nghe tin tôi đang thu mua cổ phiếu của công ty khắp nơi. Tôi e rằng nhiều người khác trong hội đồng còn ác cảm với tôi và tham vọng của tôi hơn thế.

Tôi đã cẩn thận nghiên cứu cách thức tổ chức và vận hành của Tide Water, sau đó đề xuất vài thay đổi cũng như đưa ra một số phương thức quản lý nhằm tiết kiệm thời gian và công sức. Nhưng những gợi ý này lại gây nên làn sóng căm phẫn trong công ty, có lẽ do chúng quá khác biệt và không phù hợp với những vị giám đốc bảo thủ.

Tôi cũng nhận thấy phần nhiều nhà máy của Tide Water đã và sẽ nhanh chóng trở nên lỗi thời. Tôi tin rằng công ty nên chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn hiện đại hóa và các kỹ thuật thay thế, nhưng ban quản lý thì khá miễn cưỡng trong việc tính toán phân bổ nguồn vốn trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế.

Các giám đốc gọi đó là “sự thận trọng cần thiết”. Tôi thì lại xem đó là sự hà tiện nguy hiểm và thiển cận. Cho đến năm 1933, Công ty Getty đã sở hữu gần 260.000 cổ phiếu của Tide Water - một con số khổng lồ và không thể xem thường. Tôi được bầu vào hội đồng quản trị của công ty, nhưng đó thật ra chỉ là một chiến thắng mang tính hình thức.

Tôi vẫn đơn thương độc mã chiến đấu với các giám đốc khác - những người đồng lòng nhất trí chống lại tôi và các đề xuất của tôi. Tôi tiếp tục mua cổ phiếu của Tide Water. Hàng loạt cuộc đấu tranh về quyền ủy nhiệm, kiện tụng và phản tố diễn ra sau đó. Lệnh huấn thị, cách ly và các trát hầu tòa ồ ạt được gửi tới. Tính đến cuối năm 1937, Công ty Getty đã sở hữu đủ số cổ phiếu để có tiếng nói về vấn đề quản trị.

Ba năm sau, chúng tôi đã nắm giữ tới 1.734.577 cổ phiếu - chiếm hơn một phần tư số cổ phiếu có quyền biểu quyết, và rất nhiều thay đổi tôi đề nghị đã được thực thi. Tới năm 1951, tôi đã có đủ cổ phiếu của Tide Water để có quyền kiểm soát về số liệu (khi đó, tên công ty đã loại bỏ từ “liên kết” (Associated), còn “Tide Water” thì hợp nhất thành một từ).

Hai năm sau, hội đồng giám đốc tan rã và chỉ còn một người duy nhất do Công ty Getty thông qua, chiến dịch cuối cùng cũng đã kết thúc. Đến thời điểm tôi viết cuốn sách, tài sản của Tidewater đã vượt quá con số 800 triệu đôla.

Năm 1938, tôi chuyển hướng kinh doanh từ dầu mỏ sang một ngành nghề khác và mua lại khách sạn Pierre ở thành phố New York với giá 2,35 triệu đôla, bằng khoảng một phần tư giá trị ban đầu của nó (tính từ năm 1929 đến 1930).

Sau đó, tôi mua thêm vài trăm mẫu đất ở Acapulco, Mexico, và xây dựng khách sạn Pierre Marques bên bờ biển Revolcadero. Nhưng trái với những báo báo cho rằng tôi sở hữu một chuỗi khách sạn, hai cái tên nêu trên là những khách sạn duy nhất tôi sở hữu.

J. Paul Getty / Alpha Books - NXB Dân trí

Nguồn Znews: https://znews.vn/buoc-di-khon-ngoan-cua-ty-phu-jp-getty-trong-suy-thoai-kinh-te-post1489992.html