Bước đi mở đường của Quy hoạch Điện VIII

Chiều nay (26/4), nghe tin Hội đồng thẩm định Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch Điện VIII) đã thông qua dự thảo Quy hoạch Điện VIII với sự thống nhất cao, tôi rất vui mừng trước những nỗ lực của Chính phủ và Bộ Công Thương nhiệm kỳ này trong giải một bài toán khó có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của quốc gia.

Cứ tưởng Quy hoạch Điện VIII sẽ bị lỗi hẹn sau lần trình bản dự thảo lần thứ nhất vào tháng 3 năm 2021 với nhiều công việc còn dang dở, nhiều yêu cầu mới phải cập nhật song với sự vào cuộc quyết liệt, khoa học, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, dự thảo đã “về đích” thành công. Điều này trước hết thể hiện bản lĩnh, tư duy, tầm nhìn và phong cách làm việc “nói đi đôi với làm”, xây dựng chiến lược phải mở đường cho phát triển của bộ máy lãnh đạo mới.

Sự thành công khi bản dự thảo quy hoạch được thông qua còn thể hiện tinh thần dám nghĩ dám làm, nhìn thẳng vào sự thật, không ngừng cập nhật, bổ sung để khắc phục những hạn chế, những yếu tố chưa hợp lý, thậm chí có cả những việc “lấy đá ghè chân mình”.

Tôi rất ấn tượng và đánh giá rất cao thông điệp được cả Phó thủ tướng Lê Văn Thành và Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đều nhiều lần nhắc đến: Quy hoạch Điện VIII phải đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết.

Chính vì thế, Chính phủ đã chủ trì hơn 20 cuộc họp và làm việc để góp ý, hoàn thiện Quy hoạch. Bộ Công Thương đã nỗ lực, chủ động rà soát và không ngừng cập nhật, đổi mới. Giải bài toán quy hoạch xét cho cùng cũng là giải bài toán lợi ích.

Quy hoạch lần này đã có sự đổi mới tư duy, thể hiện sự dũng cảm khi liên quan đến lợi ích của các địa phương, doanh nghiệp, có nơi muốn giữ lại cái cũ, có nơi chỉ thấy cây mà không thấy rừng, không thấy hết bức tranh tổng thể chung.

TS. Đặng Đức Long - Ban Kinh tế Trung ương

TS. Đặng Đức Long - Ban Kinh tế Trung ương

Nhưng với tinh thần xây dựng Quy hoạch là đặt lợi ích chung lên trên hết, quy hoạch đã không chỉ "tiết kiệm hàng chục tỷ USD, mà việc giảm đầu tư đường dây, giảm chi phí vận chuyển sẽ giúp giảm giá thành điện" và lớn hơn nữa là mở đường cho những nguồn năng lượng sạch, bền vững phát triển và huy động được nguồn lực xã hội hóa trong phát triển điện lực.

Quy hoạch lần này còn thể hiện vai trò Việt Nam thực hiện một cách hết sức trách nhiệm những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về giảm phát thải, bảo vệ môi trường.

Thành công trong xây dựng quy hoạch còn thể hiện việc nhanh chóng quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 55 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị mới được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 11/2/2020.

Nghị quyết đã chỉ ra nhiều hướng đi đột phá; trong đó đáng chú ý là phải ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững song cũng phải kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng.

Chỉ hai năm sau khi có Nghị quyết số 55 quan trọng đó, việc hoàn thành Quy hoạch Điện VIII có thể coi là một bước đi quan trọng để tổ chức thực hiện nghị quyết, để nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Tôi tin rằng trong những bước tiếp theo, Chính phủ và các bộ, ngành, nhất là Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm tốt vai trò của mình, rà soát thật kỹ dự thảo Quy hoạch, dự thảo Quyết định phê duyệt Quy hoạch của Thủ tướng, xây dựng một kế hoạch tổ chức thực hiện Quy hoạch thật sự khoa học, biến quy hoạch trở thành động lực, chìa khóa của sự phát triển năng lượng quốc gia.

TS Đặng Đức Long - Ban Kinh tế Trung ương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/buoc-di-mo-duong-cua-quy-hoach-dien-viii-176170.html