Bước đi nào sau khởi đầu 'ngọt ngào' của Việt Nam trong chuỗi chip bán dẫn?

Sức hút của Việt Nam trong mắt các tập đoàn sản xuất chip bán dẫn thế giới là không phải bàn cãi, nhưng làm thế nào để tận dụng được nhiều nhất cơ hội lại là vấn đề đang được bàn nhiều trong những ngày gần đây. Theo đó, yếu tố then chốt nhất vẫn là chọn khâu nào để tham gia, đào tạo nguồn nhân lực ra sao.

Ông John Neuffer, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hoa Kỳ cho biết, có nhiều doanh nghiệp (DN) Mỹ đang mở rộng đầu tư tại Việt Nam, trong đó có Intel, Mavel, Qualcomm, Amkor. Vai trò của Việt Nam trong chuỗi công nghiệp bán dẫn ngày càng lớn. Các trường đại học, những cơ sở đào tạo hàng đầu ASU, Arizona cũng mở rộng hợp tác với NIC để hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn.

Cơ hội lớn nhưng cần lựa chọn khâu phù hợp

Ông John Neuffer nhấn mạnh rằng: Người Mỹ hiểu rằng chuỗi cung ứng bán dẫn cần có sự hợp tác quốc tế, trong đó có Việt Nam.

Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu, Đài Loan...

Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu, Đài Loan...

Trong khi đó, ông SH Kim, Tổng Giám đốc Amkor Việt Nam cho biết, hai tuần trước tập đoàn này khánh thành nhà máy sản xuất bán dẫn tại Bắc Ninh, đó là sự khởi đầu. “Chúng tôi là công ty lớn trong khu vực, sẽ có những công ty khác đến Việt Nam để đầu tư. Hiện, Amkor đã đưa 100 chuyên gia đến Việt Nam để thiết kế sản phẩm, nguồn lực quốc tế rất quan trọng trong giai đoạn ban đầu. Từ nền tảng này, Amkor sẽ phát triển nguồn nhân lực địa phương”.

Theo báo cáo từ Bộ KH&ĐT, Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu, Đài Loan... Đặc biệt, vào tháng 9 vừa rồi, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã thăm Việt Nam, hai quốc gia đã nâng cấp mối quan hệ hai nước lên tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, theo đó xác định một trong các nội dung hợp tác chiến lược là về đổi mới sáng tạo, bao gồm phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

"Chỉ sau đó 1 tuần, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chuyến thăm Hoa Kỳ, trong đó có nội dung làm việc rất quan trọng với Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) và nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn, mà nhiều quý vị đang ngồi đây đã tham gia buổi làm việc đó", Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận.

Có thể nói đó là sự khởi đầu “ngọt ngào” để Việt Nam tiến vào con đường, chuỗi cung ứng phát triển của ngành sản xuất chip bán dẫn toàn cầu. Song, để tận dụng thế nào những cơ hội trên cũng là vấn đề mà Việt Nam cần quan tâm.

Theo ông ST Liew, Phó Chủ tịch Qualcomm, ngành công nghiệp bán dẫn là một chuỗi cung ứng toàn cầu. Ví dụ một chiếc điện thoại thông minh có hơn 165 thiết bị bán dẫn nên không quốc gia nào làm riêng. Cơ hội lớn nhưng Việt Nam cần xác định lựa chọn những khâu phù hợp để tham gia.

Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Công nghiệp Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) nhìn nhận, nhu cầu đối với sản phẩm chip chuyên biệt sẽ ngày càng lớn. Vì vậy, Việt Nam cần dần hình thành hệ sinh thái từ thiết kế, sản xuất tới đóng gói. “Chúng ta cần vừa thu hút DN FDI đến đầu tư và đưa Việt Nam là điểm đến của thế giới, nhưng cũng đồng thời cần nâng cao năng lực trong nước, nội dung đào tạo nhân lực để đáp ứng được các yêu cầu của ngành”.

Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực

Theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa, nếu đào tạo tuần tự mỗi kỹ sư mất 4 năm, sau đó tiếp tục tuyển sinh thì có thể sẽ không kịp để nắm bắt các thời cơ. Hiện nay, Việt Nam đang có đội ngũ kỹ sư công nghệ thông tin khoảng 300 nghìn người, “tại sao chúng ta không đào tạo đội ngũ này để phát triển thêm các năng lực, kỹ năng có thể trở thành lực lượng lành nghề trong thiết kế chip”, ông Nghĩa nói.

Bên cạnh đó, ông Nghĩa cũng nhìn nhận, Việt Nam không phải tham gia vào ngành công nghiệp chip bán dẫn ngay mà có thể đồng hành, tham gia vào hệ sinh thái của các công ty lớn, từ đó tạo ra sản phẩm cạnh tranh, có giá rẻ. Đây là cơ hội cần nắm bắt và gia tăng năng lực cạnh tranh trong thời gian tới.

Về câu hỏi liệu rằng các công ty startup của Việt Nam có thể tham gia vào hệ sinh thái chip bán dẫn, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Công nghiệp Công nghệ Thông tin và Truyền thông cho rằng, khi số lượng kỹ sư người Việt đang làm cho các tập đoàn đủ khát khao, chính họ có thể thành lập startup, thiết kế sản phẩm chip của mình.

Ở góc độ đào tạo nguồn nhân lực, PGS.TS. Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết, trường Đại học này đã triển khai chương trình đào tạo kỹ sư thiết kế chip từ năm 2009, đầu tư nhiều phòng thí nghiệm, hiện giờ công đoạn đang “hot” là thiết kế chip.

Tuy nhiên, dưới góc độ nhà đào tạo, ông Sơn cho biết có những vấn đề thách thức là thiếu đội ngũ giảng viên giỏi, nhà khoa học hàng đầu. “Chúng tôi có chính sách là thu hút nhà khoa học hàng đầu thế giới, ưu tiên trong lĩnh vực chip bán dẫn; có chương trình hợp tác thu hút nhà khoa học người Việt ở nước ngoài tham gia cùng nghiên cứu để giải quyết những thách thức trên, bởi muốn đào tạo sinh viên xuất sắc thì phải có giảng viên xuất sắc”, ông Sơn cho biết.

Thêm vào đó, PGS.TS. Phạm Bảo Sơn cho rằng, muốn đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chip bán dẫn thì phải tăng cường mô hình hợp tác giữa các đại học và doanh nghiệp, kết hợp giữa đào tạo, nghiên cứu với thực hành.

Trong khi đó, ông Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM kể trong cuộc gặp gỡ với lãnh đạo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ mới đây, họ có nêu 3 vấn đề để doanh nghiệp Mỹ đầu tư tại Việt Nam, đó là sự ổn định chính trị, chính sách ưu đãi, nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đi sâu vào nguồn nhân lực, ông Quân cho rằng Việt Nam nên phát triển mạnh đào tạo nhân lực thiết kế vi mạch. Tuy nhiên, làm thế nào thu hút được sinh viên quan tâm, cũng như hiện còn thiếu chuyên gia đầu ngành trong thiết kế vi mạch, thiếu phòng thí nghiệm; Chưa kể, thách thức bên ngoài là sự cạnh tranh với các trường đại học Indonesia, Singapore, cũng như nghiên cứu R&D.

“Mong rằng Chính phủ sớm ban hành chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn, hợp tác nhiều hơn với các trường đại học quốc tế để có chương trình đào tạo chất lượng…”, ông Quân bày tỏ

Ông Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT

Việt Nam đã và đang xây dựng nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn cho các công ty, tập đoàn ngành bán dẫn. Các dự án đầu tư ngành bán dẫn thuộc lĩnh vực công nghệ cao, được áp dụng những ưu đãi cao nhất trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã và đang tiếp tục hoàn thiện môi trường kinh doanh thuận lợi và hấp dẫn nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo trong ngành công nghiệp bán dẫn".

Ông Hồ Kỳ Minh

Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.Đà Nẵng

Nắm bắt xu thế chuyển dịch, Đà Nẵng đã xây dựng ngành công nghiệp chip bán dẫn, sớm ban hành với các nội dung về mục tiêu, định hướng, thiết kế, kiểm thử, đóng gói, chính sách thu hút doanh nghiệp hàng đầu nước ngoài đến Đà Nẵng. Chúng tôi sẽ đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, đi cùng cơ chế chính sách đi kèm. Chúng tôi kêu gọi doanh nghiệp, chuyên gia đến với Đà Nẵng tìm kiếm cơ hội kinh doanh trong ngành chip bán dẫn.

PGS.TS. Huỳnh Đăng Chính

Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội

Công nghiệp bán dẫn là chuỗi từ thiết kế, đóng gói, kiểm thử, thậm chí là ứng dụng và số lượng nhân lực do thị trường quyết định. Hiện, có nhiều DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, do vậy chúng ta cũng cần đặt ra chiến lược sau năm 2030 là gì, nguồn nhân lực nào cho thiết kế chip, đóng gói, kiểm thử. Thực tế đã chứng minh, khâu nghiên cứu, phát triển và thiết kế chip sẽ giúp Việt Nam vào chuỗi nhưng đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao. Chúng ta đã có chiến lược đào tạo 50.000 kỹ sư ngành công nghiệp bán dẫn nhưng cũng cần tính toán tiếp dựa trên tốc độ tăng trưởng đầu tư của FDI, phát triển DN FDI, để dịch chuyển người học cho lĩnh vực thiết kế chip, kiểm thử, ngoài ra còn liên quan tới nghiên cứu, phát triển trong lĩnh vực sản xuất.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/buoc-di-nao-sau-khoi-dau-ngot-ngao-cua-viet-nam-trong-chuoi-chip-ban-dan-1096260.html