Bước đi thăm dò
Mặc dù trong các chiến dịch tranh cử Tổng thống Hàn Quốc, ông Yoon Suk Yeol từng tuyên bố sẽ cứng rắn với Trung Quốc. Tuy nhiên, trên thực tế, ông đã thận trọng hơn trong mối quan hệ với Bắc Kinh và ngược lại, Trung Quốc cũng đang có những bước đi thăm dò đối với chính quyền mới ở nước láng giềng.
Tiếp cận thận trọng
Trong khi ở Bali, Indonesia, để tham gia cuộc họp Ngoại trưởng G20, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã có một ngày 7.7 vô cùng bận rộn, khi ông có lịch hội đàm song phương dày đặc với những người đồng cấp từ Argentina, Australia, Canada, EU, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Hà Lan, Nga, Ảrập Xêút, Singapore, Tây Ban Nha và Hoa Kỳ. Điều kỳ lạ là theo thông báo chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Bộ này không đưa Hàn Quốc vào danh sách hội đàm song phương. Nhưng trên thực tế, Bộ trưởng Vương Nghị cũng đã gặp Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin. Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai người kể từ khi ông Park nhận chức vụ dưới chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol hồi tháng 5.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol hứa trong chiến dịch tranh cử sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc và cung cấp hỗ trợ rõ ràng cho các sáng kiến khu vực của Hoa Kỳ, bao gồm cả Bộ Tứ. Tuy nhiên, kể từ khi lên nắm quyền, ông đã thận trọng hơn, tránh gọi tên Trung Quốc ngay cả khi đang tham dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO năm 2022, vốn được coi là ủng hộ nỗ lực của Hoa Kỳ trong việc kiềm chế Bắc Kinh.
Về phần mình, Trung Quốc đang thận trọng theo dõi cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Yoon với hy vọng có thể tránh để một nước láng giềng thân cận quay lưng hoàn toàn với mình. Vì vậy, Bắc Kinh đã không chỉ trích Hàn Quốc về việc nước này tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO trong khi lại có những lời lẽ gay gắt đối với Nhật Bản, một quốc gia Đông Á khác tham dự hội nghị này.
Trong cuộc gặp ngày 7.7, Ngoại trưởng Park Jin đã cho thấy cách tiếp cận của Chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol, đó là: “kéo dài hơn nữa - trong khi không hoàn toàn phá vỡ - các giới hạn của sự mơ hồ” trong quan hệ với Trung Quốc. Phát biểu trước công chúng trước cuộc gặp với ông Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị, Ngoại trưởng Hàn Quốc nhấn mạnh cam kết của chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol đối với “các giá trị và nguyên tắc phổ quát của cộng đồng toàn cầu”. Ông nói thêm rằng Seoul “sẽ tích cực tham gia vào sự hợp tác và điều phối toàn cầu để bảo vệ tự do, hòa bình, nhân quyền và pháp quyền”.
Điều đó cho thấy, cả hai bên cũng đồng ý tiếp tục liên lạc thường xuyên giữa các Bộ trưởng Ngoại giao của họ - bao gồm chuyến thăm của ông Park Jin đến Trung Quốc “trong thời gian sớm nhất có thể” và chuyến thăm của ông Vương Nghị đến Hàn Quốc vào nửa cuối năm 2022. Họ cũng “đồng ý sát cánh cùng nhau tiến tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao” vào tháng 8.2022.
Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói với Ngoại trưởng Park Jin: “Chúng ta cần ngăn chặn Chiến tranh Lạnh hồi sinh trong khu vực và tránh đối đầu với các cường quốc và chính trị tập thể”. Ông Vương Nghị khẳng định lại tuyên bố trước đây của mình rằng Trung Quốc và Hàn Quốc là “đối tác không thể tách rời”. Ông thậm chí còn đưa ra một cái gật đầu hùng hồn đối với tham vọng của Tổng thống Yoon Suk Yeol để Hàn Quốc đóng một vai trò toàn cầu, nói rằng cả hai quốc gia “cần phải đóng góp tương ứng cho hòa bình và phát triển không chỉ trong khu vực mà trên toàn cầu”. Ông còn trích dẫn một câu của Khổng Tử rằng: “Con người không thể làm gì nếu không có lòng tin”; rằng “chúng tôi hy vọng rằng hai nước sẽ phát triển mối quan hệ lành mạnh và ổn định bằng cách loại trừ sự can thiệp từ bên trong và bên ngoài bằng cách tập trung vào hợp tác và lợi ích chung”.
Lấy lợi ích kinh tế làm mẫu số chung
Các quan chức Trung Quốc đã rất nỗ lực để làm nổi bật mối liên kết kinh tế mạnh mẽ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc. Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại và điểm đến xuất khẩu hàng đầu của Hàn Quốc, chiếm 1/4 tổng kim ngạch thương mại của nước này vào năm 2021. Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 1.7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh rằng thương mại song phương đạt “mức cao kỷ lục 362,35 tỷ USD vào năm ngoái, cao hơn con số thương mại của Hàn Quốc với Mỹ, Nhật Bản và châu Âu cộng lại”.
Chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol rất muốn hạn chế sự phụ thuộc kinh tế của Hàn Quốc vào Trung Quốc trong khi Bắc Kinh mong muốn giữ để sự “ly khai” như vậy không diễn ra. Trong cuộc gặp trực tuyến với Ngoại trưởng Park Jin hồi tháng 5, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị kêu gọi Hàn Quốc và Trung Quốc “tiếp tục cam kết hợp tác đôi bên cùng có lợi”, nói rằng “hai bên đã đạt được sự phát triển và thịnh vượng chung thông qua hợp tác thực dụng, bình đẳng và cùng có lợi”.
Tuy nhiên, khả năng ly khai về kinh tế chắc chắn không có trong các "lá bài" của hai bên, vì Ngoại trưởng Park Jin và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã hứa sẽ “tăng cường hợp tác thực chất trong các lĩnh vực như kinh tế, văn hóa và môi trường”. Đặc biệt, họ hứa “sẽ làm việc cùng nhau để hợp tác kinh tế giữa hai nước diễn ra suôn sẻ”, bao gồm các cuộc đàm phán về việc tuân theo hiệp định thương mại tự do Trung Quốc - Hàn Quốc bao gồm dịch vụ và đầu tư. Đáng chú ý, Hàn Quốc hiện đã đồng ý làm việc với cả Trung Quốc và Hoa Kỳ về “chuỗi cung ứng linh hoạt”.
Tất nhiên, Ngoại trưởng Park Jin cũng đã tuyên bố rằng, ông sẽ thảo luận về các vấn đề Triều Tiên với ông Vương Nghị trong cuộc gặp của họ sắp tới, mặc dù thông tin chi tiết về khía cạnh đó của cuộc trò chuyện sẽ không được công bố. "Tôi định nhấn mạnh tầm quan trọng của vai trò của Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên", ông Park Jin nói với các phóng viên trước cuộc họp, theo Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc. Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, ông Park Jin “yêu cầu phía Trung Quốc đóng vai trò xây dựng để Triều Tiên có thể chấm dứt các vụ phóng tên lửa đang làm trầm trọng thêm tình hình trên Bán đảo Triều Tiên và quay trở lại đối thoại”.
Chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol đã cảnh báo sẽ có phản ứng mạnh mẽ đối với các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Điều này được thể hiện qua một loạt vụ phóng của chính Hàn Quốc và các cuộc tập trận quân sự Hàn - Mỹ. Hàn Quốc đặc biệt mong muốn ngăn Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 7, do các chuyên gia nước này cho rằng, Bình Nhưỡng đã hoàn tất các bước chuẩn bị cần thiết. Trung Quốc sẽ là một đối tác có giá trị trong nỗ lực đó, vì nước này là đồng minh duy nhất của Bình Nhưỡng và vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của Triều Tiên, ngay cả trong bối cảnh thương mại tạm lắng do các hạn chế biên giới Covid-19 gây ra.
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/buoc-di-tham-do-i295213/