Bước đi tham vọng của ngành dược phẩm Trung Quốc trên sân chơi quốc tế

Năm 2016, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản và trở thành thị trường dược phẩm lớn thứ hai trên thế giới sau Mỹ. Không dừng lại ở đó, ngành dược phẩm Trung Quốc tiếp tục đặt mục tiêu tham vọng vượt qua Mỹ vào năm 2023.

Quy mô chi tiêu cho ngành dược phẩm ở Trung Quốc đạt tổng cộng 137 tỷ USD vào năm 2018 và sẽ đạt 140 tỷ - 170 tỷ USD vào năm 2023. (Nguồn: Financial Times)

Quy mô chi tiêu cho ngành dược phẩm ở Trung Quốc đạt tổng cộng 137 tỷ USD vào năm 2018 và sẽ đạt 140 tỷ - 170 tỷ USD vào năm 2023. (Nguồn: Financial Times)

Nở rộ các hoạt động hợp tác

Việc Trung Quốc mở cửa ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe trong suốt 5 năm qua đã thu hút nhiều công ty từ Mỹ và châu Âu đến ký kết các thỏa thuận với các công ty Trung Quốc để tiếp cận thị trường dược phẩm lớn thứ hai thế giới.

Năm 2020, bất chấp căng thẳng chính trị Mỹ-Trung Quốc, những lo ngại về quyền sở hữu trí tuệ và bảo mật dữ liệu tại Trung Quốc, nhiều tập đoàn dược phẩm bên ngoài Trung Quốc vẫn triển khai ký hợp tác với các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ sinh học trong nước.

Dữ liệu từ Công ty tư vấn ChinaBio cho thấy, đã có 271 đối tác nước ngoài được cấp phép hoạt động hợp tác với các công ty Trung Quốc. Đây là điều chưa có tiền lệ khi các Tập đoàn đa quốc gia như Roche (Thụy Sỹ), Bayer (Đức), AbbVie (Mỹ) và Pfizer (Mỹ) đã được phép hoạt động tại Trung Quốc.

Theo đó, các hoạt động hợp tác như thử nghiệm lâm sàng, đẩy mạnh thương mại hóa và chia sẻ dữ liệu giữa hai bên đã tăng gần 50% so với năm 2019 và hơn 300% kể từ năm 2015 - thời điểm Trung Quốc bắt đầu mở cửa nền công nghiệp chăm sóc sức khỏe.

Các nhà phân tích nhận định, với quy mô thị trường rộng lớn và phát triển nhanh chóng, Trung Quốc là mục tiêu mà các công ty dược phẩm thế giới không thể bỏ qua. Điều này được thể hiện qua việc các thỏa thuận vẫn được ký kết bất chấp những lo ngại về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và sự an toàn về dữ liệu chăm sóc sức khỏe ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tham vọng của Trung Quốc

Theo dữ liệu của Tổ chức Nghiên cứu Hợp đồng Tư vấn Dịch vụ Dược phẩm (IQVIA), năm 2016, ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc đã vượt Nhật Bản trở thành ngành công nghiệp lớn thứ hai thế giới và dự kiến sẽ vượt qua Mỹ trong 3 năm tới.

Cũng theo tổ chức này, quy mô chi tiêu cho ngành dược phẩm ở Trung Quốc đạt tổng cộng 137 tỷ USD vào năm 2018 và sẽ đạt 140-170 tỷ USD vào năm 2023.

Ông Sam Thong, Chủ tịch Goldman, Tập đoàn đầu tư đa quốc gia của Mỹ đang đầu tư trong lĩnh vực dược phẩm Trung Quốc cho biết: "Đã có sự gia tăng hợp tác trong cả hai chiều khi công ty Trung Quốc đóng vai trò phát triển và thương mại hóa các sản phẩm từ các công ty phương Tây. Nhiều công ty đa quốc gia cũng áp dụng quy trình hợp tác tương tự với các sản phẩm dược phẩm đến từ Trung Quốc".

Trong chiến lược "Made in China 2025" - kế hoạch tham vọng nhằm thúc đẩy các mục tiêu công nghệ và sản xuất của Trung Quốc, quốc gia này đã đặt mục tiêu cho các công ty dược phẩm phải sớm đạt được tiến bộ trong đổi mới và hợp lý hóa quy trình phê duyệt thuốc.

Chương trình bảo hiểm y tế của Trung Quốc cũng đã bổ sung thêm nhiều thuốc có thương hiệu quốc tế vào danh sách những loại thuốc đủ điều kiện để cấp phát cho bệnh nhân, bao gồm các sản phẩm của các công ty nước ngoài như Novartis (Thụy Sỹ).

Hàng loạt các công ty nước ngoài sau khi hợp tác với Trung Quốc đã gặt hái được mức tăng trưởng doanh thu ấn tượng.

Eli Lilly, Công ty dược phẩm của Mỹ, đã có thỏa thuận trị giá 255 triệu USD với Công ty công nghệ sinh học Junshi Biosciences được niêm yết trên sàn chứng khoán Thượng Hải vào tháng 5/2020 để hợp tác điều trị kháng thể Covid-19. Tháng 1/2021, báo cáo lợi nhuận hàng quý của công ty đã tăng 41%.

Ngoài thỏa thuận trên, Eli Lilly cũng đã ký hợp đồng trị giá hơn 1 tỷ USD với tập đoàn điều trị ung thư Innovent có trụ sở tại Tô Châu vào tháng 8/2020 để độc quyền đối với liệu pháp điều trị ung thư phổi bên ngoài Trung Quốc.

Về phía các công ty khởi nghiệp của Trung Quốc, quan hệ đối tác với các thương hiệu quốc tế được đánh giá như "bệ phóng" cho tham vọng hướng ra thị trường toàn cầu, cho phép họ tiến hành thử nghiệm và giành được sự chấp thuận thương mại cho các sản phẩm dược của Trung Quốc ở nước ngoài.

Nguy cơ về bảo mật dữ liệu

Ông Rocky Wu, chuyên gia về Công nghệ, Dữ liệu và Sở hữu trí tuệ tại Công ty Kiểm toán KPMG (Mỹ) cho rằng, những thay đổi về Luật Sáng chế trong năm 2020 của Trung Quốc có thể khiến các công ty nước ngoài gia tăng niềm tin rằng sẽ được bảo vệ nhưng "việc thực thi vẫn là một vấn đề lớn trong thực tế. Các hướng dẫn chi tiết về việc thực thi Luật Sáng chế vẫn chưa được công bố chính thức", ông Wu phân tích.

Các chuyên gia an ninh quốc gia Mỹ cũng bày tỏ sự lo lắng về việc Trung Quốc có quyền truy cập vào dữ liệu chăm sóc sức khỏe của Mỹ, đặc biệt là những thông tin về các bộ gene - một căn cứ khoa học để phát triển vũ khí sinh học.

Năm ngoái, Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung Quốc, cơ quan chuyên đánh giá các rủi ro an ninh quốc gia liên quan đến việc hợp tác với Trung Quốc thông tin, Bắc Kinh đang ưu tiên thu thập dữ liệu chăm sóc sức khỏe từ nước ngoài và cố gắng tiếp cận thông tin của Mỹ thông qua hình thức hợp pháp cũng như bất hợp pháp.

Cũng theo Báo cáo trước Quốc hội Mỹ năm 2020, Trung Quốc đã thực hiện việc thu thập dữ liệu thông qua các khoản đầu tư, quan hệ đối tác và bán thiết bị và dịch vụ.

"Mặc dù có động thái khuyến khích sự tham gia của công ty nước ngoài, song Bắc Kinh đã đặt ra những hạn chế chặt chẽ đối với khả năng tiếp cận và chia sẻ dữ liệu liên quan đến chăm sóc sức khỏe của các công ty nước ngoài thu thập tại Trung Quốc", báo cáo của Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung Quốc tiết lộ.

(theo Financial Times)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/buoc-di-tham-vong-cua-nganh-duoc-pham-trung-quoc-tren-san-choi-quoc-te-138740.html