Bước đột phá cải cách toàn diện hệ thống chính trị

Trong lịch sử tổ chức bộ máy hành chính, chính trị ở Việt Nam từ thời kỳ Đổi mới đến nay, hiếm có hội nghị nào mang tầm bước ngoặt như Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII. Không chỉ dừng lại ở đổi mới tư duy, Trung ương Đảng lần này thể hiện rõ tinh thần dám tổ chức lại toàn bộ hệ thống, với độ đồng thuận cao, phạm vi cải cách sâu rộng và quyết tâm hành động thực chất.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: TTXVN

Từ việc sắp xếp lại đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền hai cấp, đến tinh gọn toàn bộ hệ thống chính trị, sáp nhập các tổ chức quần chúng, cải tổ hệ thống tư pháp và đảng bộ các cấp, từng quyết sách được đưa ra cho thấy Đảng đã nhìn thẳng vào một sự thật: Bộ máy cồng kềnh không còn phù hợp với yêu cầu phát triển mới. Không có con đường nào khác để thúc đẩy hiệu quả quản trị quốc gia ngoài cải cách thể chế, và Trung ương đã chọn bước đi khó nhất.

Tổ chức lại mô hình chính quyền địa phương theo hướng hai cấp, cấp tỉnh và cấp xã, là một quyết định táo bạo nhưng cần thiết. Việc chấm dứt hoạt động của cấp huyện từ ngày 1/7/2025 không chỉ là thay đổi hành chính thuần túy mà là bước thiết kế lại hệ thống để xử lý tận gốc sự chồng chéo, tầng nấc không cần thiết. Khi bộ máy được rút gọn, trách nhiệm sẽ rõ ràng hơn, nguồn lực không bị phân tán, và người dân - đối tượng phục vụ cuối cùng - sẽ là người được hưởng lợi nhiều nhất.

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã với mục tiêu giảm từ 60 đến 70% cho thấy một hướng tiếp cận tập trung hóa nhưng không tập quyền hóa. Việc cả nước chỉ còn lại 34 tỉnh, thành phố sau sáp nhập là lời khẳng định rõ ràng: Cấu trúc bộ máy phải phù hợp với quy mô dân số, thực lực quản trị và nhu cầu phát triển bền vững.

Không kém phần quan trọng, hệ thống chính trị cũng được tổ chức lại toàn diện. Các tổ chức chính trị, xã hội, hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ sẽ được sáp nhập vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Việc kết thúc hoạt động công đoàn viên chức, công đoàn lực lượng vũ trang, giảm mức đóng góp công đoàn phí không đơn thuần là giảm đầu mối mà là thay đổi căn bản phương thức tổ chức lực lượng xã hội theo hướng tinh gọn, hiệu quả và gần dân hơn.

Trong cải cách tư pháp, việc tổ chức lại hệ thống Tòa án và Viện Kiểm sát theo ba cấp, trung ương, tỉnh và khu vực, là sự cắt gọn có tính toán. Cấp khu vực sẽ giúp khắc phục tình trạng phân tán chuyên môn, thiếu nhân lực ở cấp huyện. Mô hình ba cấp tạo điều kiện thực hiện tốt hơn nguyên tắc độc lập, chuyên nghiệp hóa trong hoạt động xét xử, kiểm sát. Tổ chức Đảng tại địa phương cũng được thu gọn tương ứng, chỉ còn cấp tỉnh và cấp xã nhằm tăng tính liên thông, thống nhất trong chỉ đạo và lãnh đạo.

Tất cả các quyết sách nêu trên không phải được hình thành trong một vài tháng, mà là kết quả của quá trình chuẩn bị bài bản, kỹ lưỡng, có chiều sâu tư duy và kế thừa thực tiễn lãnh đạo. Từ Hội nghị Trung ương 10 đến các cuộc làm việc của Tổng Bí thư Tô Lâm với các Tiểu ban Đại hội XIV, tư tưởng chỉ đạo về hành động thực chất, thể chế đồng bộ và mô hình quản trị mới đã được nhất quán hóa trong các văn kiện, báo cáo và đề án.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Tổng Bí thư Tô Lâm đã thể hiện rõ phẩm chất của một nhà lãnh đạo cải cách kiên quyết và nhất quán. Những chỉ đạo xuyên suốt của Tổng Bí thư không chỉ định hướng lộ trình mà còn truyền cảm hứng hành động cho toàn hệ thống chính trị. Tư duy đổi mới mạnh mẽ, nhạy bén với thực tiễn và dứt khoát về tổ chức của Tổng Bí thư chính là nhân tố trung tâm thúc đẩy toàn Đảng triển khai đồng bộ và quyết liệt các quyết sách lớn.

Hội nghị Trung ương 11 cũng hoàn thiện khung văn kiện trình Đại hội XIV. Các dự thảo văn kiện không chỉ tổng kết lý luận và thực tiễn 40 năm đổi mới mà còn đề ra tầm nhìn phát triển cho 5 năm tới và xa hơn. Trong đó, các định hướng lớn về hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, tăng cường quốc phòng, an ninh, hội nhập chủ động, phát huy vai trò chủ thể của Nhân dân được thể hiện rõ nét, hành động, thiết thực.

Kinh tế tư nhân tiếp tục được khẳng định là một trong những động lực phát triển quan trọng, bên cạnh vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước. Các trọng tâm như đổi mới khoa học công nghệ, chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy sáng tạo và tăng năng suất nội tại là những điểm sáng trong tư duy phát triển mới.

Công tác nhân sự Đại hội XIV được chuẩn bị kỹ lưỡng, đồng bộ với mô hình tổ chức mới. Phương hướng công tác nhân sự được xây dựng trên cơ sở kế thừa kinh nghiệm, tiêu chuẩn hóa rõ ràng và gắn với quy hoạch cán bộ các cấp. Trung ương yêu cầu tổ chức bầu cử Quốc hội khóa XVI và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031 đúng luật, dân chủ, tiết kiệm, gắn kết chặt chẽ với công tác cán bộ trong bộ máy nhà nước.

Cùng với cải cách tổ chức là cải cách thể chế pháp lý. Trung ương yêu cầu sửa đổi Hiến pháp năm 2013 và hàng loạt đạo luật liên quan, hoàn thành trước ngày 30/6/2025, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Đây là cách tiếp cận chặt chẽ, cải cách thể chế song hành với tổ chức bộ máy, tránh đứt gãy pháp lý, bảo đảm bộ máy mới vận hành ổn định, thống nhất.

Không chỉ cải cách, Hội nghị Trung ương 11 còn đặt ra yêu cầu cao về giám sát, phòng chống tiêu cực trong quá trình tổ chức lại bộ máy, đặc biệt là việc sắp xếp nhân sự, quản lý tài chính, tài sản công. Các địa phương được giao chủ động xây dựng đề án, tổ chức lại mô hình mới nhưng phải bảo đảm phục vụ nhân dân không gián đoạn, dịch vụ công không bị ngắt quãng.

Toàn cảnh phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Toàn cảnh phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII không chỉ đặt nền móng vững chắc cho Đại hội XIV mà còn tạo nên đợt chuyển động cải cách sâu rộng trong toàn hệ thống. Những quyết sách được đưa ra thể hiện bản lĩnh chính trị, sự quyết đoán hành động và khát vọng phát triển.

Đằng sau những quyết sách ấy là một tư duy tổ chức hiện đại. Dám bỏ cái cũ đã lỗi thời để mở đường cho cái mới hiệu quả hơn. Một hệ thống chính trị, hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả đang dần hình thành, đặt đất nước vào tư thế chủ động, tự tin bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ tiếp theo.

Hội nghị lần này không chỉ là mốc điều chỉnh thể chế, mà còn là lời hiệu triệu cho một kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc. Một Việt Nam vươn mình, tự tin, hiện đại, hội nhập và khát vọng hùng cường đang được đặt nền móng từ chính những cải cách căn cơ hôm nay.

Nguyễn Sơn

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/goc-nhin/buoc-dot-pha-cai-cach-toan-dien-he-thong-chinh-tri-20250413113014552.htm