Bước đột phá cho đô thị ven sông Hồng:Thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp

Từ ngày 1-7-2025 phường Hồng Hà được thành lập, trở thành phường đặc biệt nhất của Thủ đô Hà Nội khi được hình thành từ việc sáp nhập toàn bộ hoặc một phần diện tích, dân số của nhiều phường khu vực ngoài đê sông Hồng.

Đây là cơ sở quan trọng để tối ưu hóa các nguồn tài nguyên, xây dựng khu vực này trở thành đô thị hiện đại với điểm nhấn là trục sông Hồng.

Một góc phường Hồng Hà. Ảnh: Đỗ Tâm

Một góc phường Hồng Hà. Ảnh: Đỗ Tâm

Giải quyết bài toán phân mảnh quản lý

Địa giới phường Hồng Hà bao gồm toàn bộ khu vực ngoài đê sông Hồng, với diện tích khoảng 16,61km² và quy mô dân số là hơn 126 nghìn người trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Phúc Tân, Chương Dương (quận Hoàn Kiếm cũ); Phúc Xá (quận Ba Đình cũ); phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Nhật Tân, Tứ Liên, Yên Phụ (quận Tây Hồ cũ), Thanh Lương, Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng cũ), một phần diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Phú Thượng, Quảng An (quận Tây Hồ cũ), một phần diện tích tự nhiên (diện tích phần mặt nước và bãi giữa sông Hồng) của các phường: Ngọc Thụy, Bồ Đề (quận Long Biên cũ).

Theo Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, việc tổ chức lại địa giới và hình thành phường Hồng Hà giúp giải quyết những tồn tại từ nhiều năm qua về phát triển đầu tư xây dựng hai bên sông Hồng.

“Từ trước đến nay, ranh giới các phường, xã ven sông chia theo dòng sông, cho nên có những khu vực cùng một vùng đất bãi nhưng lại chịu sự quản lý hành chính của nhiều đơn vị khác nhau. Sự phân hóa địa bàn này khiến việc giải quyết những vấn đề lớn của khu vực đất ngoài đê thiếu sự đồng nhất, tạo ra tiếng nói chung. Hiện nay, tất cả đã thuộc địa giới hành chính của một phường nên chắc chắn sẽ là bước đột phá, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong giải quyết các tồn tại từ trước đến nay”, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm nêu.

Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Bộ Chính trị đã nhấn mạnh đến nhiệm vụ đặc biệt của thành phố là chú trọng nghiên cứu phương án phát triển trục sông Hồng để sông Hồng thực sự là trung tâm phát triển của Thủ đô với sự phân bố hài hòa các không gian sinh thái, không gian văn hóa, lịch sử, không gian xanh, không gian đô thị hiện đại hai bên bờ sông Hồng, góp phần tạo diện mạo mới của Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại, với mục tiêu phát triển sông Hồng sẽ là “biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.

GS.TS Hoàng Văn Cường, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, đơn vị đứng đầu liên danh tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng cho biết, trong tương lai, hai bên sông là khu vực hình thành các tổ hợp thương mại, dịch vụ hiện đại với kiến trúc độc đáo, ấn tượng, thu hút cộng đồng và góp phần tạo dựng hình ảnh thành phố hai bên sông. Như vậy, khu vực này sẽ là yếu tố quan trọng hỗ trợ cho kinh tế đô thị của Thủ đô Hà Nội phát triển.

Cơ hội quản lý đồng bộ, hiệu quả

Từng bước hiện thực hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị, theo Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) được UBND thành phố phê duyệt vào năm 2022, nhiều địa bàn dân cư ngoài đê đã được xác định thuộc danh mục các khu dân cư tập trung hiện có trên bãi sông sẽ được tồn tại và bảo vệ. Thời gian qua, nhiều hộ dân đã được cấp phép xây dựng nhà sau nhiều năm mong chờ và cũng có nhiều tuyến đường ngoài đê được hình thành.

Và cũng từ cơ sở pháp lý về quy hoạch, Hà Nội sẽ hiện thực hóa hạ tầng giao thông đô thị hai bên sông Hồng, biến những khu vực đất đai ngoài bãi trở thành khu vực đáng sống. Hàng loạt dự án phát triển hạ tầng, văn hóa, cảnh quan, giao thông đã và đang được triển khai trên địa bàn phường Hồng Hà trong giai đoạn 2025-2030 như dự án cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo…

Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm nêu thêm, quỹ đất ở bãi giữa và bãi ven sông Hồng hiện chiếm vào khoảng gần 10% diện tích đất nông nghiệp của cả thành phố, là nguồn tài nguyên rất lớn cần phải khai thác. Các nghiên cứu trước đây đều đặt ra vấn đề giảm dân số cho khu vực này từ 21 vạn dân xuống còn từ 15-16 vạn dân. Tuy nhiên, trong định hướng quy hoạch mới đây của thành phố, Hà Nội đặt ra vấn đề tăng dân số từ hơn 21 vạn lên 30 vạn dân.

Do đó, chính quyền phường Hồng Hà trong thời gian tới sẽ đảm nhận trọng trách rất quan trọng trong ổn định nhà ở cho người dân, bảo đảm thoát lũ. Những vấn đề lớn này trước đây đều sẽ thuộc thẩm quyền cấp thành phố vì ở một quận bất kỳ sẽ không thể bao quát hết ranh giới. Nay phường mới được thành lập, với phương thức tổ chức thực hiện và chỉ đạo mới, sẽ là dấu ấn để người dân kỳ vọng.

Cùng quan điểm trên, theo Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, việc hình thành đơn vị cơ sở cấp phường quản lý bao quát, toàn diện sẽ là cơ hội tốt nhất để thành phố có thể quản lý và đầu tư một cách đồng bộ cho sự phát triển trong tương lai của khu vực này. Thêm vào đó, việc hình thành một bộ máy chính quyền cơ sở trực tiếp, gần dân, sát dân sẽ giúp việc thực hiện các nhiệm vụ quy hoạch trong tương lai dễ dàng và thuận lợi hơn.

Phường Hồng Hà được hình thành với bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả đang được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện để chỉnh trang, phát triển bộ mặt đô thị ven sông Hồng. Từ một vùng đất gắn với dòng sông huyền thoại, phường Hồng Hà sẽ từng bước trở thành “biểu tượng phát triển mới” trong chiến lược phát triển không gian đô thị hiện đại hai bên bờ sông, tạo diện mạo mới của Thủ đô.

Bảo Hân

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/buoc-dot-pha-cho-do-thi-ven-song-hong-thuc-hien-mo-hinh-chinh-quyen-dia-phuong-hai-cap-709103.html