Bước đột phá trong công tác cải cách hành chính của tỉnh
Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 15/9/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) được đánh giá là có tầm chiến lược, tạo bước đột phá mới trong công tác CCHC của tỉnh. Để đưa nghị quyết vào thực tiễn, thời gian qua các cấp, ngành trên địa bàn đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để tổ chức thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức, hành động của các cấp, ngành, CBCCVC về công tác CCHC, được người dân, doanh nghiệp (DN) ghi nhận, đánh giá cao.
Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 15/9/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) được đánh giá là có tầm chiến lược, tạo bước đột phá mới trong công tác CCHC của tỉnh. Để đưa nghị quyết vào thực tiễn, thời gian qua các cấp, ngành trên địa bàn đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để tổ chức thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức, hành động của các cấp, ngành, CBCCVC về công tác CCHC, được người dân, doanh nghiệp (DN) ghi nhận, đánh giá cao.
Một trong những mục tiêu của Nghị quyết 17 là: Phấn đấu đến năm 2025, các chỉ số PCI, PAR INDEX của tỉnh nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có thứ hạng cao trên cả nước; phấn đấu 95% dịch vụ công trực tuyến được cung cấp mức độ 3, 4... Trên tinh thần đó, các cấp ủy, chính quyền đã tập trung chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền nội dung Nghị quyết 17 đến đảng viên, CBCCVC và người dân; đồng thời xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ CCHC giai đoạn 2021-2025 và hằng năm phù hợp với đặc điểm tình hình, nhiệm vụ chính trị của mỗi cấp, ngành. Đề cao vai trò, trách nhiệm của đảng viên, CBCCVC, vai trò nêu gương của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về CCHC.
Đặc biệt, để công tác CCHC song hành với cải thiện môi trường đầu tư, 100% cơ quan, đơn vị hành chính của tỉnh đã thường xuyên rà soát, đơn giản hóa TTHC, cắt giảm thời gian trên hầu hết các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực nhạy cảm, như: đất đai, đầu tư, xây dựng... Từ kết quả rà soát, các cấp, ngành đã lập danh sách danh mục những quy định cần kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, nhằm đơn giản hóa việc thực hiện TTHC, giảm thời gian và tiết kiệm chi phí cho người dân, DN.
Cùng với việc rà soát, đơn giản hóa TTHC, chất lượng phục vụ người dân, DN tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” các cấp, ngành được nâng lên, thể hiện rõ quyết tâm của tỉnh trong việc hướng đến xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, minh bạch, giảm thời gian, chi phí cho tổ chức, cá nhân khi đến giải quyết TTHC.
Song song với đó, chất lượng, trách nhiệm CBCCVC làm việc tại bộ phận tiếp nhận, trả kết quả các cấp, ngành từng bước được nâng cao. Điều này thể hiện ở việc, các cấp, ngành xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm túc kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác theo quy định của pháp luật; bố trí nhân sự phù hợp với năng lực, trình độ.
Năm 2021, mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng lãnh đạo nhiều cấp, ngành của tỉnh đã trực tiếp về cơ sở, gặp gỡ, tuyên truyền, đối thoại, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân, nhà đầu tư và DN. Tại các buổi đối thoại, lãnh đạo UBND các cấp đã trao đổi, giải thích, tiếp thu và trả lời ý kiến, kiến nghị của người dân, DN hoặc giao cơ quan chuyên môn trực tiếp trả lời. Đặc biệt, thông qua đối thoại đã giúp người đứng đầu ngành, địa phương nắm bắt được những tồn tại, hạn chế trong thực thi nhiệm vụ của CBCCVC thuộc quyền quản lý; chỉ đạo, xử lý kịp thời, nghiêm khắc hành vi vi phạm pháp luật, nhũng nhiễu trong tiếp dân, giải quyết TTHC, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Hướng đến xây dựng nền hành chính hiện đại, vì nhân dân phục vụ, tỉnh đẩy mạnh phát triển chính quyền số; xây dựng và triển khai cập nhật Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Hà Nam, phiên bản 2.0, làm nền tảng trong việc xây dựng chính quyền điện tử của địa phương, thể hiện ý chí, quyết tâm chính trị của tỉnh trong việc tiến tới nền hành chính minh bạch, hiệu quả. Đến nay, 100% cơ quan hành chính nhà nước từ tỉnh đến xã triển khai cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử, cho phép tiếp nhận hồ sơ, công bố trực tuyến kết quả xử lý hồ sơ TTHC trên môi trường mạng.
Ngoài ra, hệ thống còn kết nối trực tuyến đến Cổng thông tin điện tử quốc gia để cập nhật tiến trình xử lý hồ sơ của tỉnh một cách nhanh chóng, thuận tiện. Song song với đó, để phát huy vai trò giám sát của người dân và DN, hầu hết các đơn vị đã xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm theo dõi tiếp nhận, giải quyết, trả hồ sơ TTHC. Từ phần mềm này, người dân và DN có thể theo dõi và biết được tình hình giải quyết hồ sơ từ khâu tiếp nhận đến kết quả giải quyết.
UBND tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác cung ứng dịch vụ tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích. Theo đó, thay vì đến trực tiếp cơ quan hành chính, người dân, tổ chức, DN có thể thực hiện TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích theo các hình thức: Gửi hồ sơ giải quyết TTHC; nhận kết quả giải quyết TTHC; gửi hồ sơ và nhận kết quả giải quyết TTHC. Dịch vụ được thực hiện tại các điểm giao dịch của bưu điện trên toàn tỉnh, hoặc tại địa chỉ theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân trên toàn quốc, góp phần giảm bớt phiền hà, tiêu cực, nhũng nhiễu, thời gian, chi phí, được người dân ghi nhận, đánh giá cao.
Với những giải pháp trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tiễn, mặc dù mới triển khai thực hiện trong thời gian ngắn, nhưng Nghị quyết 17 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh CCHC, trọng tâm là hiện đại hóa nền hành chính, hướng đến xây dựng chính quyền số, cải cách TTHC, nâng cao chất lượng, trách nhiệm CBCCVC, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính giai đoạn 2021-2025, đã tác động mạnh mẽ đến công tác CCHC của tỉnh. Giải quyết tốt mối quan hệ giữa cơ quan hành chính với nhân dân, tạo lập cơ sở pháp lý, bảo đảm quyền giám sát trực tiếp của nhân dân đối với hoạt động của bộ máy hành chính, góp phần nâng cao trách nhiệm của CBCCVC trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.