Bước 'đột phá' trong giải quyết việc làm, giảm nghèo

Xác định công tác giải quyết việc làm cho người lao động là vấn đề quan trọng góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn, giúp giảm nghèo nhanh và bền vững, nên trong nhiệm kỳ qua, cấp ủy, chính quyền huyện Sơn Dương luôn quan tâm thực hiện. Huyện đã tăng cường thu hút đầu tư, tạo nhiều việc làm mới. Đồng thời chỉ đạo nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tăng cường hoạt động tư vấn, kết nối giới thiệu việc làm... từ đó hoàn thành vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra.

Một trong những giải pháp được huyện Sơn Dương triển khai hiệu quả đó là thực hiện chính sách thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đầu tư phát triển cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, từ đó giúp giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân. Huyện đã xây dựng Khu công nghiệp Sơn Nam và Cụm công nghiệp Phúc Ứng với hàng chục dự án đầu tư sản xuất của các doanh nghiệp.

Toàn huyện hiện có hàng trăm doanh nghiệp đang hoạt động trên các lĩnh vực: Xây dựng cơ bản, chế biến nông lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác và chế biến khoáng sản, vận tải hàng hóa, kinh doanh xăng dầu, cung ứng giống vật tư nông lâm nghiệp, tạo việc làm ổn định cho khoảng 5.300 lao động trực tiếp và 35.000 lao động gián tiếp tại địa phương. Đây được coi là bước ”đột phá” quan trọng trong công tác giải quyết việc làm, nhiều người lao động ở các xã, thị trấn đã có việc làm mới với mức thu nhập ổn định.

Thu hái chè tại thôn Vĩnh Tân, xã Tân Trào. Ảnh: Mỹ An

Thu hái chè tại thôn Vĩnh Tân, xã Tân Trào. Ảnh: Mỹ An

Anh Hoàng Văn Hải, ở xã Sơn Nam làm việc tại Công ty TNHH Feldspar An Bình thuộc Khu Công nghiệp Sơn Nam cho biết, hiện nay anh làm công nhân bộ phận vận hành của nhà máy với mức thu nhập bình quân từ 7 đến 9 triệu đồng/tháng. Nhờ đó, gia đình anh có thêm nguồn thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo và trở thành hộ khá.

Trong nhiệm kỳ qua, huyện đã quan tâm chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo nghề, thực hiện hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong 5 năm, huyện đã tổ chức được 75 lớp đào tạo cho trên 2.600 lao động nông thôn trên địa bàn. Từ nghề được học nhiều lao động đã ứng dụng vào thực tiễn mô hình sản xuất, kinh doanh của gia đình mang lại hiệu quả cao. Ông Nông Xuân Kế, dân tộc Tày ở thôn Quan Hạ, xã Trung Yên (Sơn Dương) nói, trước kia gia đình ông có 2 ao lớn với diện tích mặt nước trên 3.000 m2 nhưng cũng chỉ nuôi cá để tăng gia cho bữa ăn hàng ngày. Năm 2016, ông được tham gia lớp tập huấn và được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện ông đã ứng dụng khoa học kỹ thuật đẩy mạnh phát triển chăn nuôi. Hiện mỗi năm, gia đình ông xuất bán ra thị trường trên 10 tấn cá, thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm.

Nhắc đến Sơn Dương, nhiều người nghĩ ngay đến mảnh đất có tiềm năng về xuất khẩu lao động. Ông Phạm Văn Điều ở thôn Đồng Dài, xã Thượng Ấm (Sơn Dương) chia sẻ, gia đình ông trước đây thuộc hộ nghèo. Được cán bộ xã tuyên truyền, tư vấn về chính sách xuất khẩu lao động nên năm 2016, ông đã đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan và làm trong lĩnh vực cơ khí, với mức lương gần 20 triệu đồng/tháng. Nhờ vậy, ông đã có tiền gửi về để gia đình xây nhà mới khang trang và phát triển mô hình chăn nuôi. Đến cuối năm 2018, gia đình ông đã vươn lên thoát nghèo.

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, trong nhiệm kỳ qua toàn huyện đã giải quyết việc làm mới cho hơn 25 nghìn lao động trên địa bàn, đạt 109,8% so với mục tiêu Nghị quyết; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60% (trong đó qua đào tạo nghề 40%), tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân đạt 3,85%/ năm, thu nhập đầu người tăng lên 39,2 triệu đồng/người/năm.

Huy Hoàng

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/buoc-dot-pha-trong-giai-quyet-viec-lam-giam-ngheo-134859.html